+
Aa
-
like
comment

Bài học về tự lực, tự cường và không lãng quên chính mình

Bảo An - 03/03/2022 16:53

Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Cũng từ vấn đề này, một lần nữa chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh tự lực, tự cường của quốc gia.

Bài học về sự tự lực, tự cường và không được quên lãng chính bản thân mình

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không phải đến thời điểm hiện tại mới phát sinh. Những mâu thuẫn đã âm ỉ từ lâu, việc xung đột diễn ra là điều có thể đoán trước. Vậy nhưng vì nhiều lý do, không loại trừ những mưu đồ từ bên thứ ba, đã đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm.

Quay ngược lịch sử, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được thành lập. Đây là quốc gia lớn thứ ba trong số 15 quốc gia kế thừa của Liên Xô (sau Nga và Kazakhstan); Xét về mặt dân số, kinh tế và quân sự, Ukraine là quốc gia lớn thứ 2 sau Nga. Dưới thời Liên Xô, Ukraine là khu vực có nền sản xuất công nghiệp phát triển và giàu có. Sau Hội nghị Belaveskaia Pusha vào tháng 12/1993, Ukraine được “thừa kế” một lực lượng quân đội cực mạnh từ Liên Xô gồm 3 quân khu thuộc tuyến chiến lược thứ hai, 3 tập đoàn quân không quân, cùng với cả kho vũ hạt nhân chiến lược lớn thứ 3 thế giới với hơn 1000 đầu đạn hạt nhân. Đồng thời, quốc gia này cũng thừa hưởng một phần lớn lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Liên Xô và cả công nghệ dân dụng của nó.

Đáng lẽ với xuất phát điểm như trên, Ukraine phải phát triển nhanh chóng, hùng mạnh và có vị thế quan trọng trên thấy giới. Vậy nhưng không. Sau hơn 30 năm, Ukraine không những không lớn mạnh mà có phần thụt lùi. Trong cuộc xung đột với Nga, Tổng thống Ukraine đã thốt lên: “Chúng ta bị bỏ lại một mình”. Trong khi đó, Đại sứ của Ukraine tại Vương quốc Anh Vadym Prystaiko cũng phát biểu: “Ukraine hiện đã không còn đủ thiết bị quân sự để tự vệ”.

Dĩ nhiên, điều này có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến “thảm kịch” hiện nay là do bản thân Ukraine đã đánh mất chính mình.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine ngày càng “trôi dạt” về phía Mỹ và các nước phương Tây. Thay vì phát triển kinh tế, xã hội, họ lại chạy theo chủ nghĩa xét lại, có những hành động chống cộng một cách cực đoan. Tháng 5/2015, Tổng thống nước này đã ký phê chuẩn các dự luật “phi Xô viết hóa” và “phi cộng sản hóa”, rũ bỏ một cách sạch trơn lịch sử của dân tộc mình. Sau đó là hàng loạt hành động “phủ nhận chính mình”, nhiều kẻ đã kéo đổ tượng của Lênin và các lãnh tụ Liên Xô.

“Bả dân chủ” đã đánh gục Ukraine. Với các cuộc “cách mạng màu”, những người thân phương Tây đã giành được quyền lãnh đạo đất nước này. Hệ quả là ngay trong nội bộ Ukraine đã phát sinh bất đồng. Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập và thành lập Nhà nước Cộng hoà riêng.

Thay vì tự lực, tự cường, tự đi trên đôi chân của chính mình thì Ukraine lại chạy theo các nước phương Tây với mong muốn nhận được sự giúp đỡ khi “đối đầu” với Nga. Họ luôn trông chờ vào những lời hứa hẹn, sự giúp đỡ của bên ngoài vậy nhưng lại quên rằng nguyên tắc bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế là có qua – có lại. Nói thẳng, nếu thời điểm hiện tại, Ukraine có nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài thì cái giá mà họ phải trải cũng không hề rẻ. Vì trên đời đâu ai cho không ai cái gì!

Cảnh giác trước các thủ đoạn chống phá Việt Nam

Từ câu chuyện tại Ukraine, chúng ta cũng rút ra được không ít bài học. Trong những năm qua, không khó để chúng ta bắt gặp các luận điệu như: Việt Nam đầu tư cho quốc phòng, an ninh là “chạy đua vũ trang”, gây căng thẳng trong khu vực; Chính phủ Việt Nam chỉ giành ngân sách để đầu tư cho Quân đội và Công an mà không đầu tư cho giáo dục, y tế; Việt Nam đang sống trong hoà bình nên không cần thiết phải yêu cầu thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự vì như vậy là gây lãng phí sức lao động; Việt Nam phải tham gia vào các liên minh quân sự mới có thể bảo vệ đất nước, phải “chọn phe”…

Rõ ràng đó là các luận điệu đánh lừa dư luận nhằm tấn công, làm suy yếu sức mạnh quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều mối đe doạ từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tuý trong quan hệ quốc tế. Chúng ta luôn giữ vị trí trung lập trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia. Điều này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải, xu hướng thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển”. Vậy nhưng muốn giữ được sự trung lập, muốn giữ được lợi ích quốc gia thì không còn cách nào khác là chúng ta phải thực sự mạnh trên tất cả các phương diện, từ kinh tế, chính trị cho đến quân sự, ngoại giao…

Một lần nữa có thể thấy, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mãi mai sau: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều