Bài học về công tác cán bộ – nhân tố quyết định và nhiệm vụ chiến lược
Bài học về công tác cán đang là một câu chuyện còn dài. Nhân dân tin yêu Đảng cần đòi hỏi hơn bao giờ hết.
Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Cán bộ của Đảng, nhất là cấp cao mà không có đức, tham – sân – si hủy hoại liêm sỷ thì đó là một thảm họa.
Nhân dân, đảng viên của Đảng sẽ mãi còn thắc mắc, khi đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đưa vào Trung ương – tức là cấp chiến lược, chúng ta quá sơ suất, thiếu sót, còn kẽ hở, để lọt vào Trung ương, cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Để rút ra bài học trong công tác cán bộ cũng như trong việc giám sát cán bộ, đảng viên hiện nay, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác nhân sự, nhất là việc đánh giá cán bộ sao cho chính xác, chọn đúng người có đức, có tài để đưa vào bộ máy Đảng và chính quyền các cấp, kể cả cấp chiến lược.
Khi tổ chức Đảng không đánh giá đúng, cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện thì đó là nguy cơ lớn đối với Đảng. Chúng ta chọn người tài, được kinh qua thực tiễn, thử thách hay chọn “người nhà”? “Chiếc ghế quyền lực” có phải là một dạng “xôi chùa” từ đó nảy sinh tâm lý: con ông A vào được thì con tôi cũng phải vào được; “mặc cả” và “móc ngoặc” trong công tác cán bộ? Khi đã giao quyền thì phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố, phải kiểm soát quyền lực.
Chúng ta có quá nhiều quy trình nhưng luôn luôn sơ hở, thiếu sót. Thử hỏi chúng ta đã có bao nhiêu cán bộ bảo vệ đề tài tiến sỹ, được công nhận là phó giáo sư, giáo sư về “quy trình”. Chắc chắn không phải ít. Đáng tiếc, công tác cán bộ, “đầu ra” của các “quy trình” đã và đang xuất hiện những “tấn trò đời”.
Hơn bao giờ hết, chúng ta nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Suốt một đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng, về vị trí của cán bộ, Người chỉ rõ cán bộ “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.
Ngày 21/9, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện các Quy định số 101 của Ban Bí thư, Quy định số 55 của Bộ Chính trị và quán triệt Quy định số 08 của Ban Chấp hành trung ương.
Nhiệm kỳ qua Đồng Nai có tới 4 người trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy bị kỷ luật, trong đó có 3 người bị cách chức. Ông Phan Đình Trạc cho rằng thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết, giữ vững môi trường phát triển kinh tế, xã hội ổn định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và các quy định nêu gương, phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đây không phải là câu chuyện mới, nay mới nói, mà cách đây không lâu “sự kiện” Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về sai phạm nghiêm trọng của 2 lãnh đạo chủ chốt của thành phố Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND thành phố, cũng là một vấn đề đã được đưa ra bàn luận.
Đánh giá của Ban Nội chính Trung ương chỉ rõ, việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ở một số Đảng bộ cơ sở còn hình thức, chưa bảo đảm theo quy định; sự lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi khắc phục các tồn tại, khuyết điểm sau kiểm điểm còn thiếu kiên quyết; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao; tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống vẫn còn xảy ra ở một số cán bộ, đảng viên, có cả đảng viên là lãnh đạo tỉnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ cho đó là “cái gốc” của sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng của Người mãi mãi là kim chỉ nam đối với công tác cán bộ của Đảng. Người từng căn dặn: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt…, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Thấm nhuần lời dạy của Người, tỉnh ta luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Những thời cơ, vận hội phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ngày càng được mở ra cùng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều và nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia khác đang hiện hữu, nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu, trong đó công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là một nhiệm vụ đóng vai trò trụ cột. Đảng ta với vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đã vạch ra đường lối chiến lược, chính sách phát triển đất nước.
Đảng và Nhà nước có trách nhiệm trước nhân dân, lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, xã hội thực hiện bằng được nhiệm vụ hết sức khó khăn trên, đưa đất nước phát triển và theo kịp nhóm các quốc gia phát triển trên thế giới trong thời gian nhanh nhất, đồng thời tạo lập một xã hội nhân văn, loại bỏ những mặt tiêu cực, hạn chế của cơ chế thị trường. Để có thể sớm thực hiện thành công nhiệm vụ này, đòi hỏi Đảng ta phải đoàn kết, trí tuệ, cách mạng; bộ máy nhà nước phải tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Muốn vậy, Đảng và Nhà nước phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vững mạnh; công tác cán bộ phải tuyển chọn, đào tạo và xây dựng sao cho từng cán bộ, đảng viên trong Đảng, trong bộ máy nhà nước thực sự có năng lực, trí tuệ, đạo đức và tinh thần trách nhiệm; chấn chỉnh, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ có biểu hiện vi phạm, có hành vi nhũng nhiễu, vụ lợi ra khỏi bộ máy. Cán bộ, đảng viên càng có vị trí trọng trách lớn thì càng đòi hỏi cao về phẩm chất năng lực, trí tuệ, đạo đức, trách nhiệm, ý thức xã hội và tinh thần dân tộc.
Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng: Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; Bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, sơ hở trong công tác cán bộ; Đẩy mạnh phân công, phân cấp trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Nước lấy dân làm “gốc”, “gốc” có vững cây mới bền, cách mạng chỉ có thể xây dựng thắng lợi trên nền nhân dân. Vì vậy, việc phát huy tốt vai trò của nhân dân trong giám sát, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là nhu cầu tất yếu khách quan, là vấn đề quan trọng hơn hết giúp xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh.
Cần khắc phục, hạn chế và vượt qua những khó khăn, đấu tranh phê bình và tự phê bình, đúc kết những bài học hữu dụng phục vụ cho tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới.
Đinh Lực