+
Aa
-
like
comment

Bài học từ việc Big C dừng nhập hàng may mặc Việt Nam

05/07/2019 18:00

Ngày 2/7, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã gửi thư đến các đối tác Việt Nam, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam kể từ tháng 7/2019. Rất đông đại diện các doanh nghiệp đã kéo đến văn phòng đại diện Central Group tại thành phố Hồ Chí Minh phản đối. 

Doanh nghiệp tụ tập phản đối Central Group

Trước động thái có phần “thiếu thiện chí” của Central Group với ngành may mặc Việt Nam, mạng xã hội đã bùng nỗ những tranh cãi trái chiều. Nhiều bài viết “dựa hơi” xuất hiện nhằm hướng lái dư luận sang chuyện chính trị.

Trong đó, việc rêu rao Nhà nước “bất lực”, không bảo vệ doanh nghiệp trong nước nhằm đòi thành lập xã hội dân sự là một thủ đoạn thâm hiểm. Nào là chỉ có thành lập các tổ chức xã hội dân sự mới bảo vệ được doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường; nào là phát triển xã hội dân sự, bây giờ là vấn đề sống còn của cả nền kinh tế… Nhiều người đọc “ậm ừ” cho qua lại dễ bị những lời lẽ này lừa gạt!

Nhìn nhận khách quan

Ngày 4/7, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có cuộc làm việc trực tiếp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và lãnh đạo siêu thị Big C nhằm làm rõ việc siêu thị này dừng nhập hàng doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Big C ngay sau đó đã cam kết sẽ nhập hàng của hơn 50 doanh nghiệp may mặc từ 5/7. Hành động này minh chứng cho việc Nhà nước không “bỏ rơi” doanh nghiệp trong nước như một số đánh giá chủ quan trên mạng xã hội. Nếu Central Group vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, chắc chắn doanh nghiệp này sẽ bị xử lý. Đồng thời, quyền lợi của các doanh nghiệp may mặc trong nước sẽ được bảo vệ, đảm bảo thực thi.

Mặt khác, hãy nhìn thẳng vào cái gọi là “xã hội dân sự”. Những người cổ vũ cho “xã hội dân sự” chỉ nói rằng đây là thứ sẽ giúp doanh nghiệp trong nước đấu tranh với doanh nghiệp nước ngoài khi bị đối xử bất công. Nhưng, lại chẳng nói rõ xem cụ thể là giúp được những gì. Họ chỉ trích các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, hội người tiêu dùng… “thất bại” mà lại bỏ ngỏ đến bản chất của mối quan hệ giữa Big C với các doanh nghiệp may mặc. Những điều “lập lờ” này phải chăng chính là nhằm che giấu?

Nói thẳng, mối quan hệ giữa Big C và các doanh nghiệp may mặc Việt là mối quan hệ kinh tế, chịu điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế, tập quán thương mại song phương, đa phương,… Vậy, sự điều chỉnh chỉ có thể đến từ pháp luật chứ mặc nhiên không phải là một tổ chức dân sự vô hình nào.

Nếu người ta nói tổ chức “xã hội dân sự” sẽ đấu tranh bằng cách gây sức ép cộng đồng thì điều này lại chẳng khác gì những dư luận xã hội thông thường khác. Là thứ vốn dĩ không phải của một tổ chức nào tạo ra. Hiểu đơn giản thế này. Doanh nghiệp nước ngoài đối xử bất công với doanh nghiệp Việt thì người tiêu dùng có thể lên tiếng, dùng chính hành động tiêu dùng của mình để “tẩy chay”, phản đối các doanh nghiệp nước ngoài. Nghĩ thử xem, chỉ cần người tiêu dùng quay lưng thì tự khắc doanh nghiệp sẽ “chết”. Sẽ chẳng một doanh nghiệp nào dám đấu lại với người tiêu dùng.

Trong câu chuyện Big C với hàng may mặc Việt, nếu người tiêu dùng tin tưởng hàng may mặc trong nước và cảm thấy Big C đang bất công với ngành may mặc của Việt Nam thì người tiêu dùng có thể phản đối bằng cách quay lưng. Từ chợ truyền thống, đến hệ thống siêu thị do doanh nghiệp trong nước làm chủ như Vinmart, Co.op Mart,… không thiếu nơi để doanh nghiệp may mặc Việt chú chân và để người tiêu dùng tự do thoải mái mua sắm.

Tất nhiên, hành vi công động này đến từ nhận thức, từ lòng tự tôn dân tộc, từ trình độ phát triển của xã hội. Chẳng cần cổ vũ cho cái gọi là “xã hội dân sự” mập mờ nào đó, hãy giúp cộng đồng thay đổi tư duy, nhận thức. Đây chính là một trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển chung của quốc gia; luôn luôn cần phát huy.

Bài học

Cú đánh từ phía Central Group vào ngành may mặc Việt cũng chính là một bài học lớn dành cho các doanh nghiệp may mặc Việt nói chung và tất cả các doanh nghiệp trong nước nói chung. Kinh tế ngày càng hội nhập, các rào cản thuế quan, thương mại dần được tháo dỡ tạo nên một sân chơi kinh tế mở công bằng, sòng phẳng. Do đó, để thành công thì chính doanh nghiệp trong nước phải xây dựng được sức mạnh cho mình.

Trong chuyện của ngành may mặc, các doanh nghiệp đang thực sự yếu kém về trình độ pháp lý và tầm nhìn. Chuyện kinh tế, kinh doanh mà các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng đều bỏ qua các điều khoản bảo vệ quyền lợi cho mình.

Big C lần lượt lấn tới từ việc tăng chiết khấu lợi nhuận hàng may mặc đến dừng nhập nhưng hợp đồng đã ký không có điều khoản nào bảo vệ cho doanh nghiệp Việt. Đó là tư duy lợi nhuận trước mắt mà không tính đường dài; đó là nhận thức nhược tiểu luôn nghĩ mình bị phụ thuộc mà không dám “chơi ngang bằng”. Chính sự yếu kém này đã đẩy đưa đến thực trạng ngày hôm nay. Nếu có thay đổi, thì chính tự thân các doanh nghiệp Việt phải vận động thay đổi trước khi “cầu cứu” sự trợ giúp của nhà nước hay cộng đồng.

Cùng đó, vấn đề chất lượng cũng là một điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt khẳng định sức mạnh. Big C dừng nhập hàng may mặc Việt nhưng chúng ta có thể bán ở bất cứ một cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống, chợ online nào đó… Nếu chất lượng tốt thì người tiêu dùng sẽ tìm đến để mua chứ không phải là hàng hoá phải tự tìm đến tay người tiêu dùng.

Nhìn nhận khách quan câu chuyện Big C đối xử với may mặc Việt là phải đánh giá được nhiều khía cạnh, nhiều chủ thể như thế. Đừng vội nghe theo những luận điệu tuyên truyền phiến diện, thiếu thiện chí. Phải biết rõ câu chuyện thế nào thì mới có giải pháp chứ đừng trông chờ vào bất kỳ thứ gì mập mờ.

(Theo Bút danh)

Bài mới
Đọc nhiều