Bài học từ nỗi nhục nhận hối lộ của ông Trương Minh Tuấn
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn đã thú nhận rằng ‘nhận hối lộ là nỗi nhục’. Ông cũng cay đắng thốt lên: ‘Quá khứ rồi cũng như nước trôi qua cầu, không thể quay lại được’.
Đúng là có ăn năn hối lỗi cỡ nào thì ông Tuấn cũng không thể quay lại được trước thời điểm nhận hối lộ.
Ông cựu bộ trưởng chỉ thấy nhục sau một quá trình dài làm việc với các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố và những ngày gần đây ngồi trong phòng xét xử của tòa án. Còn khi nhận gói quà 200.000 USD, ông vẫn nghĩ rằng “người ta mừng tôi lên chức bộ trưởng”!
Còn nhớ, dịp tết đầu tiên của nhiệm kỳ ông Tuấn được làm bộ trưởng, khi Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ không được nhận quà biếu, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Tuấn còn khẳng định “tôi không nhận món quà nào của bất kỳ ai”.
Dẫn lại vài chi tiết nêu trên để nói rằng người đã làm quan thì thanh liêm phải là bản chất, thống nhất từ suy nghĩ đến hành động trước khi bước vào chốn quan trường mới có thể tự mình chống “tự diễn biến”, mới đủ sức đề kháng trước những gói quà “nặng đô”.
Nếu các quan chức giữ gìn sự liêm chính, coi việc nhận quà (dưới bất cứ hình thức nào) là trái đạo làm quan, họ sẽ không có ngày phải chịu nhục. Còn một khi coi 200.000 USD, số tiền tương đương khoảng 300 tháng lương bộ trưởng, chỉ là “quà mừng”, sẽ khó tránh được vòng xoáy của tội lỗi.
Người làm quan lấy đức thanh liêm làm gốc. Nếu các quan viên đánh mất đi cái gốc này, không biết xấu hổ trước khi đưa tay nhận quà, các quy định pháp luật có cứng rắn đến mấy, các nghị quyết, văn bản, lời kêu gọi có lay động đến bao nhiêu cũng không đủ sức phòng ngừa, đặc biệt là trong một xã hội tiêu dùng tiền mặt, các dòng chảy của vật chất rất khó kiểm soát như xã hội chúng ta.
Đương nhiên, cùng với việc tu rèn liêm chính của người làm cán bộ thì Nhà nước phải có chính sách dưỡng liêm, đồng thời với các biện pháp kiểm soát quyền lực, đòi hỏi trách nhiệm giải trình triệt để, với những cải cách, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đặc biệt là quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Nếu lương bộ trưởng chỉ bằng thu nhập của một người lái taxi thì họ không dễ tránh được các “viên đạn bọc đường”. Thế nên kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng trên thế giới đã đúc rút lại là thể chế phải đảm bảo để các công bộc không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng.
Để cán bộ, công chức “không thể tham nhũng”, pháp luật phải bịt được mọi lỗ rò, kẽ hở, kiểm soát được tài sản, thu nhập và kiểm soát được dòng tiền, buộc thanh toán qua tài khoản như nhiều nước đang áp dụng.
Để họ “không dám tham nhũng”, quyền lực phải bị giám sát, kiểm soát, mọi vi phạm, sai phạm phải bị xử lý nghiêm minh, chế tài phải đủ sức răn đe khiến người có ý định phạm tội phải khiếp sợ.
Để “không muốn tham nhũng”, chế độ đãi ngộ (lương, phụ cấp, thưởng) cho cán bộ, công chức phải xứng đáng (Singapore trả lương cao cho công chức là một ví dụ) để họ yên tâm làm việc, cống hiến.
Hi vọng rằng “tiền lệ án” này và những lời thú tội vọng ra từ phòng xét xử sẽ có tác dụng như một tấm gương soi, giúp các doanh nhân và quan chức nhìn lại mình, để làm quan thanh liêm và làm thương gia chân chính, để lại tiếng thơm cho đời.
LÊ KIÊN/TTO