+
Aa
-
like
comment

Bài học từ Mỹ hiện tại: đừng so sánh với Việt Nam

Tifosi - 05/06/2020 14:51

Những ngày Hong Kong loạn lạc, thì loại người này bắt đầu khóc thuê, hậm hực, rồi đem ra so sánh với Việt Nam, nào là người Hong Kong đấu tranh vì tự do, người Hong Kong chống Trung Quốc giúp đỡ người Việt. Người Việt cần phải lên tiếng, phải ủng hộ Hong Kong, phải biểu tình chống Trung Quốc như người Hong Kong. À quên, cần phải “PrayForHongKong” trên mạng xã hội nữa.

Trong những ngày như hiện tại, khi nước Mỹ đang bạo loạn, thì loại người này lại chia làm hai nửa nhưng vẫn giữ một tâm thế hèn như trước.

Một nửa thì chọn giải pháp im ru, không đả động, không ý kiến và tảng lờ không biết. Vậy mà thường nhật, nhóm người này rất hay so sánh Mỹ với Việt Nam, rồi Mỹ thế này, Mỹ thế kia. Nhưng khi Mỹ đang trải qua những ngày tháng tồi tệ còn Việt Nam thì ngược lại. Đáng nhẽ ra, những lúc này, điều họ cần làm là tiếp tục so sánh, như cách họ đã làm ở khoảng thời gian trước đó cho nó giống với khái niệm “thông tin đa chiều” mà họ tự đặt ra mới phải.

Một nhóm khác, so sánh rằng việc người Mỹ sẵn sàng phản kháng trước chính quyền, còn người Việt thì không, rồi cho rằng người Việt thờ ơ với chính trị. Đúng là nhiều người Việt còn thờ ơ về chính trị thật, nhưng phản kháng bằng cách đập phá, cướp bóc hàng hóa trong các cửa tiệm, đốt xe cộ và công trình thì đó không còn là “phản kháng” nữa, mà trở thành “bạo loạn” rồi. Những hình ảnh thế này, người Việt đã được tường tận chứng kiến từ những vụ việc ở Bình Dương và Bình Thuận và chẳng muốn tái diễn nữa.

Những người biểu tình Hong Kong dường như đã “việt vị”, khi người Mỹ đang dần ghét những hành động cướp bóc, phá hoại của một bộ phận người biểu tình. Chính Trung Quốc, đang khá hả hê vì chính người Mỹ – những người từng ủng hộ những người biểu tình ở Hong Kong đang lại phải chịu những hậu quả từ những vụ biểu tình, bạo loạn tương tự như vậy.

Hai quốc gia với trình độ phát triển khác nhau, chế độ khác nhau, nhận thức con người khác nhau, lịch sử cũng khác nhau nốt, văn hóa lại càng khác biệt. Nước Mỹ có những vấn đề của nước Mỹ, Việt Nam cũng có những vấn đề ở Việt Nam. Có một vấn đề đặt ra thế này, tại sao có một loại người luôn luôn lấy Mỹ để so sánh với Việt Nam?

Muốn so sánh Mỹ thì phải so sánh với những quốc gia tương đồng nhất định hoặc có sự phân cách không mấy về thu nhập, kinh tế, trình độ, thể chế như Phần Lan, Đức, Đan Mạch hay Anh Quốc chẳng hạn. Còn nếu muốn Việt Nam ở một phía, thì phía còn lại là Philippines, Pakistan, Bangladesh hoặc một quốc gia gần như tương đương mới phải chứ? Mà tốt hơn hết là hạn chế so sánh, hoặc nếu có so sánh, thì đừng đặt hai đối tượng quá khập khiễng cạnh nhau.

Mỹ, hay bất cứ quốc gia nào, kể cả những quốc gia phát triển ở phương Tây hay phương Đông cũng có những mặt không ổn nhưng chẳng qua là những mặt không ổn ấy không được bộc lộ ra hoặc bị che giấu quá tốt. Nói vui một chút, có khi chính chúng ta “nợ” Covid-19 một lời cám ơn vì đã “giúp” phơi bày ra những mặt trái đó ấy.

Ví dụ như câu chuyện dân chủ và độc tài, nhiều người muốn Việt Nam áp dụng “dân chủ kiểu Mỹ”, nhưng nền dân chủ của Mỹ đã xây dựng trong mấy trăm năm mà còn vẫn có những bất ổn, trong khi Việt Nam mới thoát khỏi chiến tranh mấy chục năm, làm sao mà “dân chủ kiểu Mỹ” ngay được? Và có chắc là thứ “dân chủ” ấy phù hợp với Việt Nam hay không?.

Mỗi quốc gia đều có đặc trưng xã hội riêng, không phải những gì diễn ra ở Mỹ đã thành công là có thể áp dụng cho Việt Nam được. Nhìn sang bài học của người Philippines xem, quốc gia này đã “sao chép” hệ thống chính trị của nước Mỹ và áp dụng vào quốc gia của họ. Và hệ quả là từ một quốc gia đứng hàng đầu châu Á những năm 1960 và bây giờ còn lại gì? Nhật Bản từng có một cuộc cách mạng dưới thời Thiên Hoàng Minh Trị, nhưng Thiên Hoàng nhận định rõ, học theo phương Tây chứ không phải trở thành phương Tây. Hay như Ukraina, cách mạng màu theo phương Tây đó, có tốt không? Hay từ một quốc gia phát triển hàng đầu Đông Âu giờ phải “chạy theo” Việt Nam.

Việt Nam có rất nhiều mặt xấu, đó là tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm chẳng hạn, nhưng Việt Nam cũng có những mặt tốt. Quá tập trung vào mặt xấu thì thành ra bất mãn và tự nhục, nhưng nhìn nhiều vào mặt tốt thì thành ra tự cao, tự đại.

Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận những gì Việt Nam đã làm được, điều này thì chúng ta có thể càng thấy rõ hơn sau đại dịch – lại một lần nữa, mình nhấn mạnh là phải cám ơn Covid-19. Rõ ràng có những kẻ ăn tàn phá hại, nhưng rõ ràng là quốc gia nào cũng vậy, cứ đổ lỗi hay sợ hãi thì sẽ chẳng làm được gì cả, đứng nhìn và chỉ ra vấn đề thì dễ, nhưng làm thế nào để thoát khỏi vấn đề đó mới khó.

Không phải ngẫu nhiên, mà trong khoảng 4 – 5 năm trở lại đây và nhất là sau đại dịch, nhiều người Việt định vị lại được vị thế của Việt Nam, hóa ra, nước Việt không nhỏ bé và nhược tiểu như họ vẫn nghĩ. Thậm chí, nhiều người còn nói vui là người Việt có thể “khè ra lửa” và “gáy bẩn” ở khắp nơi. Nhưng, phải nhìn vào, dù cho có những điều tươi mới ấy, thì bản chất chúng ta vẫn là kẻ đi sau, nhưng hiện tại đi sau không có nghĩa là vĩnh viễn đi sau. Không phải tự nhiên một vài lần đi tắm trắng, thẩm mỹ là đã có thể “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” được.

Lắm kẻ cứ phải bôi cái mặt xấu ở Việt Nam ra cho thế giới thấy mới chịu được. Họ nghĩ rằng điều đó sẽ khiến họ thượng đẳng trong mắt những người nước ngoài à? Giúp vị thế của họ tăng cao à? Giúp họ sớm trở thành những con người Tây Phương à?

“Thời của chúng mày, sướng hơn thời của bọn tao nhiều” – Câu nói nửa đùa, nhưng lại có một phần sự thực. Vì rõ ràng, câu nói đó biểu thị cho sự phát triển. Ngay đến chúng ta, những thế hệ trẻ, cũng đang nghĩ rằng thế hệ sau này đầy đủ hơn, giàu có hơn và sự thực là như thế thật.

Mình vẫn tin là Việt Nam vẫn đang đi lên, và ngay cả khi thế giới đi lùi, chúng ta vẫn bước tiếp được. Bất cứ ước mơ nào, niềm tin nào đều cần phải cố gắng, chứ ngồi so sánh, rồi tự nhục, rồi sợ hãi, chửi bới, kích động thì vẫn sẽ chẳng thay đổi được gì. Ngay cả khi cơ hội thoát bẫy trung bình và trở nên giàu mạnh chỉ là 1%, thì con số ấy vẫn cao hơn con số 0% khi chúng ta mặc kệ và không làm gì cả.

Chốt lại, so sánh thì không ai cấm, nhưng so sánh phải đúng như mình đã nói ở trên, hoặc kể cả so sánh khập khiễng thì sau đó, vẫn phải bắt tay vào làm, phải “thăm ngàn”, phải “kẹp ngần”, phải “đai liền”, phải “chui lửa”.

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều