+
Aa
-
like
comment

Bài học đắt giá từ những vụ án oan sai

Diệu Hương - 24/06/2020 13:24

Không đặt vấn đề và cũng không khẳng định bị cáo Hồ Duy Hải có phải chịu án oan hay không? Nhưng, những vụ án oan sai gây bức xúc dư luận trong những năm qua đều xuất phát từ một nguyên nhân là trong quá trình điều tra, truy xét vụ án, các cơ quan tư pháp khi đó cũng đã mắc phải nhiều sai lầm vô cùng nghiêm trọng khiến cho kết quả điều tra sai lệch căn bản, điển hình là đã không tuân thủ nguyên tắc của Luật Tố tụng hình sự.

Ảnh: Toàn cảnh Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải

Điều 15 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”. Đúng vậy, xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ là một nguyên tắc cơ bản trong điều tra hình sự. Ấy vậy mà đã có những lúc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã bỏ qua nguyên tắc này, dẫn đến những vụ án oan sai gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.

Có rất nhiều vụ án oan sai nối sóng dư luận những năm qua, nhưng trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nêu hai vụ án điển hình của ông Huỳnh Văn Nén và ông Nguyễn Thanh Chấn. Lý do, họ đều bị bắt, bị cáo buộc, bị kết án tù; gia đình, người thân bị mang tiếng, rồi những chuỗi ngày dài đằng đẵng kêu oan, được giải oan, được đền bù tiền tỷ. Điều đáng nói họ được giải oan nhưng không phải do các cơ quan tố tụng phát hiện oan sai.

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Năm 2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Sau một thời gian truy tìm hung thủ, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt ông Chấn và kết án chung thân với tội danh giết người. Riêng ông Nén nổi tiếng với biệt danh “người tù xuyên thế kỷ”, ngồi biệt giam hơn 17 năm, mang hai tội danh giết người trong hai vụ án. Bắt đầu từ chuyện bông phèng bên chén rượu rằng, mình là kẻ giết bà Bông, ông Nén đã bị bắt. Kết cục, cả hai trường hợp này đều là án oan và đều có những sai phạm giống nhau:

Về lời khai, dư luận không thể quên, cả hai ông Nén và ông Chấn có một điểm rất chung: Cùng nhận tội giết người, cùng mô tả đầy đủ các chi tiết hoàn toàn phù hợp với hiện trường, dù thực tế, cả hai ông đều không phạm tội đó.

Về mặt chứng cứ, chỉ riêng dấu chân ở cả hai vụ án này cũng có điểm chung. Trong vụ án ông Nén, dấu chân ở hiện trường nhưng không được điều tra viên đem so sánh, đối chiếu!? Nhưng khi vụ án được lật lại mới thấy, dấu chân ở hiện trường khác xa dấu chân của ông Nén. Đâu là lý do các cán bộ tiến hành tố tụng bỏ qua dấu chân, đến nay vẫn là ẩn số. Cũng là dấu chân, trong vụ án ông Chấn, giữa dấu chân của ông Chấn và hiện trường chỉ gần giống nhau, nhưng cơ quan điều tra vẫn coi đó là bằng chứng.

Thực tế, không ít những chứng cứ không thuyết phục, mâu thuẫn trong hai vụ án này, nhưng chỉ riêng chứng cứ dấu chân đã cho thấy, dù là trọng án, nhưng những cán bộ tham gia tiến hành tố tụng đã ẩu đến mức khó hiểu. Điều đó cho thấy, hai vụ trọng án này, nguyên tắc tối thiểu “trọng chứng hơn trọng cung” đã không được tuân thủ.

Trở lại với vụ án Hồ Duy Hải, tại Báo cáo số 239/BC-UBTP, ngày 4/11/2016 về việc Báo cáo kết quả nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” ở Long An. Nội dung báo cáo chỉ rõ: Vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án, thể hiện ở vi phạm nghiêm trọng về khám nghiệm hiện trường và quy định về thu thập, đánh giá chứng cứ, thiếu sót trong trưng cầu giám định. Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án. Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ dẫn đến kết luận trong bản án về thời gian Hồ Duy Hải có mặt ở Bưu điện Cầu Voi là chưa thuyết phục. Kết luận trong bản án sai với kết luận giám định. Bản án phúc thẩm phản ánh không đúng về phiên tòa sơ thẩm. Một điểm nữa, theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp là cơ quan điều tra, cơ quan chức năng đều lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội, mà không phản ánh trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Từ đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra kiến nghị: Đây là vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, bản án lại đưa đến việc tước đoạt mạng sống của một con người, cần xem xét lại một cách thật thận trọng, để có thể hoàn toàn yên tâm có đủ căn cứ kết tội.

Tóm lại, một trong những nguyên tắc quan trọng là, nếu không có những chứng cứ chắc chắn, những người tiến hành tố tụng phải “suy đoán vô tội”, chứ không thể diễn ra theo hướng “suy đoán có tội”. Nếu những nguyên tắc này được tuân thủ thì chắc chắn sẽ không lọt tội phạm và càng không dẫn đến những án oan kiểu như ông Nén, ông Chấn. Tất nhiên, chúng ta không được đem oan sai của hai vụ án nói trên để áp đặt vào vụ án Hồ Duy Hải. Nhưng chúng ta có thể điều tra xem xét cặn kẽ tất cả các chi tiết vụ án, tôn trọng sự thật khách quan, đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều