Bài học đắt giá khi Trung Quốc đổ tiền vào Campuchia
Campuchia có lẽ là nơi mà ảnh hưởng của sức mạnh đồng tiền từ Bắc Kinh thể hiện rõ nhất. Và những câu chuyện từ đây cũng là bài học về mặt trái của đầu tư Trung Quốc cho cả thế giới.
Kimkong Heng là nhà nghiên cứu thuộc Viện hợp tác và hòa bình Campuchia (Cambodian Institute for Cooperation and Peace) chuyên các vấn đề về chính sách đối ngoại và giáo dục. Kimkong Heng có bằng tiến sĩ tại Đại học Queensland (Australia). Đây là quan điểm của ông và cộng sự Sovida Po về những hệ luỵ của đầu tư Trung Quốc vào Campuchia:
“Người Trung Quốc đã lấy mất thành phố của tôi. Và giờ đây mọi thứ đều đắt đỏ”, Sono, một người lái xe tuktuk ở thành phố Sihanoukville (Cambodia), than phiền vào năm 2018. Ông phải trả 150 USD tiền thuê nhà mỗi tháng, so với chỉ 50 USD trước đó.
“Tôi lo lắng cho tương lai của người Campuchia ở Sihanoukville. Sớm muộn chúng tôi sẽ không đủ tiền sống ở đây nữa”, người đàn ông này kết luận.
Những con số che đi mặt trái
Trong giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc mỗi năm rót trung bình 1 tỷ USDvào Campuchia, là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại đất nước chùa tháp.
Thay đổi chóng mặt nhất diễn ra ở Sihanoukville, nơi đã “trải thảm đỏ” cho Trung Quốc đổ tiền vào bất động sản và sòng bạc. Làn sóng đầu tư, kéo theo du khách và di dân, khiến Sihanoukville “lột xác” từ thị trấn biển tẻ nhạt thành “phố Tàu” hay “Macau số 2”. 78.000 người Trung Quốc nhập cư đang sống ở đây, gây áp lực lớn lên 150.000 dân địa phương.
Nhân lực nói tiếng Trung Quốc có mức lương vượt trội (700-1200 USD mỗi tháng) so với trung bình. Chẳng hạn, công nhân xưởng may kiếm được 170 USD, còn công chức là 250 USD mỗi tháng. Chủ bất động sản là người lãi nhất. Họ có thể kiếm 5.000-7.000 USD mỗi tháng từ việc cho người Trung Quốc thuê mặt bằng, thay vì 500-1.000 USD trước kia.
Đầu tư Trung Quốc gắn liền với tham nhũng, và người Trung Quốc không thượng tôn luật pháp càng lộng hành ở Campuchia.
Về lý thuyết, tiền thuế dồi dào sẽ giúp cải thiện trường học, đường xá, bệnh viện cho mọi người dân. Thế nhưng, các con số trên đã che đi nhiều mặt trái từ chính trị, văn hóa, môi trường đến kinh tế xã hội.
Nhiều học giả cho rằng đầu tư Trung Quốc gắn liền với tham nhũng và người Trung Quốc không thượng tôn luật pháp càng lộng hành ở Campuchia.
Hacker Trung Quốc cũng thực hiện nhiều vụ đột nhập trang web các bộ ngành đến mức chính phủ đã phải trục xuất 1.133 hacker Trung Quốc từ 2011-2017. Điều này làm dấy lên lo ngại Campuchia trở thành nơi “tập kết” cho tội phạm mạng tấn công các nước khác.
Bất an và xa lạ trong chính đất nước mình
Dân nhập cư Trung Quốc cũng gây ra những vụ phạm tội chấn động. Trong năm 2018, số vụ bắn súng, bạo lực ở Sihanoukville và các thị trấn khác ở Campuchia liên quan tới người Trung Quốc tiếp tục tăng. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm được thả, chỉ kèm theo lời cảnh cáo.
Nhà phân tích chính trị Vannarith Chheang nhận định dân nhập cư Trung Quốc thời nay khác với tổ tiên của họ: không hòa nhập, chung sống với dân bản địa, không hứng thú tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa Khmer.
Thậm chí, người Campuchia tin rằng đa số dân nhập cư Trung Quốc ở Sihanoukville không có giáo dục hoặc từng là tù nhân, tội phạm, nên mới hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa.
Người Campuchia tin rằng đa số dân nhập cư Trung Quốc ở Sihanoukville không có giáo dục hoặc từng là tù nhân, tội phạm, nên mới hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa.
Tiến sĩ Pheakdey Heng (Viện chính sách Enrich) nhận xét: “Dù đầu tư Trung Quốc đem lại sự giàu có đến Campuchia, nhưng chỉ dành cho cộng đồng người Hoa. Dân Trung Quốc mua hàng Trung Quốc, ăn cơm Trung Quốc, ở khách sạn Trung Quốc”. Nhiều tiệm bán hàng địa phương, lâu đời phải đóng cửa.
Hệ quả, du khách các nước phương Tây không đến đây nữa, vì họ muốn ăn đồ ăn đậm chất Campuchia, mua các sản vật địa phương, hay trải nghiệm văn hóa truyền thống. Giáo sư Vannarith Chheang tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) dự đoán chủ nghĩa bài Trung sẽ gây bất ổn xã hội giống thời Suharto ở Indonesia.
Người Campuchia đang cảm thấy bất an, xa lạ và lo sợ bạo lực. Họ cũng không còn đến du lịch Sihanoukville, dù nơi đây từng là địa điểm hút khách.
Còn người đang sống ở Sihanoukville thì phải chuyển đi. Nhiều người bị chủ nhà đuổi đi để cho người Trung Quốc thuê nhà với giá gấp 10 lần: 2.000-3.000 USDthay vì 200-300 USD.
Sau ảnh hưởng về chính trị và tội phạm, tác hại về môi trường từ cộng đồng người Trung Quốc có nhiều điều phải bàn. Các đập thủy điện dùng vốn Trung Quốc ở Campuchia minh chứng cho điều đó.
Các dự án này, như đập Kamchay, gây tác hại như phá hủy rừng, đe dọa động vật quý hiếm, ô nhiễm nước và phá hủy kế sinh nhai của cộng đồng bản xứ.
Đặc biệt ở Sihanoukville, người Trung Quốc hầu như không quan tâm tới môi trường sống. Vấn đề vệ sinh, nạn xả rác đều tệ đi ở những nơi họ đến đầu tư. Các sòng bạc, nhà máy điện, giàn khoan dầu xả thải trực tiếp ra biển. Các khu resort chặt phá rừng, đe dọa đa dạng sinh học.
Trên toàn thế giới, chủ đầu tư Trung Quốc cũng thường không quan tâm tới lợi ích người dân thường, chỉ “chăm chăm” có đồng lời và không mảy may tính đến xã hội, văn hóa, môi trường.
Công ăn việc làm hay cơ sở hạ tầng cho địa phương là những lợi ích thường được nhà đầu tư Trung Quốc mang ra quảng bá.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra những quốc gia nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc trong thời gian dài như 44 nước châu Phi phía nam sa mạc Sahara đều chỉ nhận được lợi ích “không đáng kể”: Lương không tăng nhiều, học hỏi chuyên môn ít, kết nối kinh tế giữa nhà đầu tư Trung Quốc và công ty bản địa ở mức giới hạn.
Các dự án Trung Quốc mang lại lợi ích lớn cho tầng lớp giàu có, quyền lực, nhưng gây hại về xã hội, môi trường cho người dân quanh dự án.
Trong bối cảnh đó, làm thế nào để cứu Sihanoukville, và tương tự, các nơi khác ở Campuchia khỏi tác hại của dự án Trung Quốc, cũng như những mâu xã hội tiềm tàng do chủ nghĩa bài Trung ngày một gay gắt?
Hai nước phải giáo dục người Trung Quốc tôn trọng pháp luật Campuchia, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục địa phương. Họ phải “nhập gia tùy tục”.
Kinh nghiệm của thế hệ trước cho thấy người Hoa hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với dân bản xứ, hòa nhập với xã hội. Muốn vậy, dân nhập cư ngày nay cần học thêm về ngôn ngữ và văn hóa Khmer.
Hai nước buộc phải dập tắt được tội phạm, trong đó việc chia sẻ thông tin có vai trò tối quan trọng.
Campuchia cần quyết tâm vực dậy nền pháp quyền. Một khi không thể tin tưởng pháp luật, chủ nghĩa bài Trung dâng cao, bạo lực dường như là cách giải quyết trong mắt người dân, như các cuộc bạo động chống Thái Lan ở Phnom Penh năm 2003.
Campuchia có lẽ là nơi mà Trung Quốc tạo nhiều dấu ấn nhất trong chiến lược đầu tư ra thế giới. Đây cũng có lẽ là nơi mà ảnh hưởng của sức mạnh đồng tiền từ Bắc Kinh được thể hiện rõ nhất.
Thế nhưng, dựa chủ yếu vào đầu tư Trung Quốc sẽ gây hại cho Campuchia về lâu dài. Thay vào đó, Campuchia nên xích lại gần hơn với châu Âu, tận dụng tối đa đầu tư từ ASEAN.
Câu chuyện của Campuchia, mà điển hình là tỉnh ven biển Sihanoukville, cũng là bài học cho cả thế giới về những mặt trái của đầu tư Trung Quốc.
(Theo Vietnamnet)