+
Aa
-
like
comment

Bài học cho Việt Nam về hành động chủ quan trong cách ly xã hội dịch COVID-19

Đinh Lực - 10/04/2020 23:36

Hà Nội, tại ngày thứ 9 thực hiện cách ly xã hội (9/4) đã cho thấy đường phố Hà Nội lại trở lại đông đúc phương tiện lưu thông, tại các ngã tư lại xuất hiện tình trạng chen chúc.

Hà Nội xuất hiện tình trạng “bất tuân” cách ly xã hội

Không ít hàng quán đã mở cửa lại buôn bán, xung quanh công viên, vườn hoa vẫn có nhiều người dân tập thể dục, thậm chí là có những người vẫn lơ là, không đeo khẩu trang khi ra ngoài và thiếu trách nhiệm trong cách ly xã hội.

Theo báo chí ghi nhận 7h ngày 9-4, các trục đường giao thông tại cửa ngõ thành phố, các tuyến đường gom ven vành đai 3 như: Đường 32, Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy; Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển; Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh – Văn Cao… đã tấp nập người, xe qua lại. Lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên đường đông không kém những ngày chưa có “lệnh” cách ly toàn xã hội.

Hình ảnh một đường phố Hà Nội trở nên đông đúc sau ngày thứ 9 cách ly xã hội

Ngay sau vấn đề này, vào chiều cùng ngày Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã có cuộc họp bất thường. Trong nội dung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nhân dân cả nước không được chủ quan với dịch COVID-19, vì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn cao. Vì vậy, mọi người dân hãy nghiêm túc thực hiện cách ly, giãn cách xã hội để phòng bệnh cho chính mình và gia đình.

Trong 8 ngày qua, thế giới đã ghi nhận thêm 600.000 trường hợp COVID-19, đưa số người mắc căn bệnh này trên toàn cầu lên hơn 1,5 triệu người. Trong khi đó tại Hà Nội việc thực hiện cách ly và giản cách xã hội thì Việt Nam chỉ ghi nhận 40 trường hợp mắc mới, tức chỉ bằng khoảng một nửa so với tuần cuối tháng 3 và ⅔ số này đều được phát hiện trong khu cách ly tập trung.

Thủ tướng đề nghị Việt Nam phải tiếp tục kiên định thực hiện chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và điều trị hiệu quả, với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Do đó, sau ngày 15/4 dựa trên tình hình diễn biến dịch bệnh của cả nước thì Thủ tướng sẽ quyết định có kéo dài thời gian giãn cách xã hội hay không.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang có kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cấp cho những người Việt Nam ở nước ngoài vì dịch COVID-19 mà gặp phải hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chính phủ sẽ xem xét đưa ra các tiêu chí và tổ chức các chuyến bay thương mại để đưa các công dân Việt Nam có nhu cầu về nước, nhất là học sinh dưới 18 tuổi, người lớn tuổi, người đi chữa bệnh, người đi du lịch hay thăm thân nhưng đã hết hạn thị thực nhập cảnh hay bị mắc kẹt tại các sân bay.

Không được chủ quan, không được lơ là, mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, không bỏ qua bất kỳ khả năng nào; thậm chí phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tìm ra người có nguy cơ để thực hiện cách ly.

Chủ quan khi cách ly xã hội trong thời dịch bệnh vẫn đang tăng cao là bài học mà Việt Nam nhất định phải xem xét vào thời điểm này. Khi mà có những ca nhiễm cộng đồng vẫn chưa phát hiện được nguồn lây và bài học ở các nước về nguồn lây cũng là điều mà Việt Nam càng phải cảnh giác cao.

Bài học cho Việt Nam về hành động chủ quan chống dịch COVID-19

Bài học về Singapore cho thấy, nếu tính đến đầu tháng 3 quốc gia này được thế giới xem như hình mẫu về kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, với việc chỉ ghi nhận 100 ca nhiễm. Thế nhưng đến tháng 4, số ca nhiễm của quốc gia này đã chạm mốc 1.000. Cụ thể đến ngày 8/4 Singapore ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này là 1.481 ca, trong đó có 6 ca tử vong.

Điều khiến quốc gia này có số lượng nhiễm tăng cao trong tháng 4 bởi do trong cuộc chống dịch lần 2 này đã không thể kiểm soát được các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và các ca không rõ nguồn gốc, người ta thường gọi là mất dấu F0.

Khi đợt bùng phát dịch thứ 2, Singapore phải thay đổi kế hoạch và lập tức áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như: Cấm toàn bộ người từ bên ngoài nhập cảnh vào quốc gia này, đóng cửa tất cả các địa điểm vui chơi về đêm, ban bố lệnh phong tỏa một phần…

Một trong bài học về công tác chống dịch nữa đó chính là Tây Ban Nha, quốc gia này ghi nhận trong 5 ngày ca nhiễm và tử vong giảm liên tiếp do Covid-19. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi sang ngày thứ 6 quốc gia này ghi nhận sự đột biến về số ca nhiễm và tử vong. Hiện số ca dương tính với Covid-19 tại Tây Ban Nha đã là 140.000 người và hơn 14.000 ca tử vong.

Các chuyên gia y tế cộng đồng của nước này đã phân tích rằng số ca nhiễm tăng cao là do chủ quan khi những biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, dịch Covid-19 sẽ có cơ hội bùng phát trở lại.

Thậm chí, với Trung Quốc lúc này mặc dù đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong phạm vi nước mình, nhưng vẫn có thể tái xâm nhập từ quốc gia khác nếu quốc gia này chủ quan.

Một bài học “xương máu” tại Hàn Quốc chính là minh chứng rõ nét nhất, khi hơn 30 ca nhiễm đợt 1 của quốc gia này đều được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vì chủ quan nên “bệnh nhân số 31” trở thành thời điểm bùng nổ dịch COVID-19 của nước này khi cách ly xã hội không được thực hiện, bệnh nhân lại có hoạt động tôn giáo tại giáo phái Tân Thiên Địa.

Hàn Quốc là quốc gia rõ nét cho thấy công tác phòng dịch đợt mới chủ quan, việc này đã “châm ngòi” dẫn tới dịch Covid-19 lại bùng nổ tại quốc gia này. Đẩy Hàn Quốc vào cuộc khủng khoảng và cách ly xã hội đặc biệt nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, bài học phong tỏa 21 ngày đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi được xác định có nguy cơ trở thành tâm dịch của cả nước là điều chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm và không được chủ quan. Chiến thắng trong công tác chống dịch tại Sơn Lôi là bài học kinh nghiệm về “thời kỳ vàng” và cách ly của Việt Nam.

Tiếp đến câu chuyện về bệnh nhân số 17 của Việt Nam là tiếng chuông cảnh tỉnh với những ai còn chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh. Chính vì thế chúng ta trong cuộc chiến đợt 2, khi số ca nhiễm tăng cao, số lượng người mất dấu F0 xuất hiện, lây nhiễm cộng đồng tăng cao, thì chúng ta càng phải tỉnh táo và cảnh giác cao độ.

Quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân luôn được đặt ưu tiên hàng đầu,trong tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của nhân dân”. Chính vì thế Việt Nam càng cần phải cảnh giác cao, cùng chung tay vượt qua khó khăn này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh: “Hiểu rõ việc cách ly để nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian cách ly chính là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp của người cần được cách ly trong công tác chống dịch. Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, những điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng. Nhiều điều tốt thành thói quen tốt, nhiều thói quen tốt, xã hội văn hóa lên, đẩy lùi cái xấu”.

Điều quan trọng nhất của chúng ta lúc này chính là rút ra bài học chung về trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội là yêu cầu cấp thiết, mặc dù phải đối mặt với khó khăn, nhưng chúng ta sẽ làm được nếu chúng ta đoàn kết trước chỉ đạo của Chính phủ.

Giữ vững tinh thần cảnh giác, đoàn kết chắc chắn chúng ta có đủ khả năng chiến thắng “giặc dịch”.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều