Bãi hỏa táng hé lộ ‘tảng băng chìm’ trong dịch Covid-19 ở Ấn Độ
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy số ca tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ cao hơn nhiều so với số liệu chính thức được chính phủ nước này công bố.
New York Times đã cử phóng viên đến các bãi hỏa táng trên khắp Ấn Độ và thấy rằng số ca tử vong do Covid-19 cao hơn số liệu chính thức. Theo các chuyên gia, các chính trị gia và giới chức y tế Ấn Độ bỏ sót nhiều ca bệnh, cả vô tình lẫn hữu ý. Gia đình nạn nhân cũng góp phần che giấu tình trạng dịch bệnh của người đã qua đời, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
“Đây là thảm họa về số liệu”, nhà dịch tễ học Bhramar Mukherjee từ Đại học Michigan nhận xét. “Từ tất cả mô hình tính toán đã thực hiện, chúng tôi tin rằng số ca tử vong thực sự cao từ 2 đến 5 lần so với thông báo”.
Thực trạng bãi hỏa tángTrong một bãi hỏa táng ở thành phố Ahmedabad, thủ phủ bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, lửa được thắp bất kể đêm ngày để phục vụ nhu cầu hỏa táng người chết. Ông Suresh Bhai, một nhân viên tại đây, cho biết ông chưa bao giờ thấy nhiều người chết như vậy.
Tuy nhiên, ở mục nguyên nhân tử vong trong hồ sơ, ông không điền Covid-19.
“Ốm, ốm, ốm, ốm…”, ông Suresh nói. “Đó là điều chúng tôi viết”.
Ông Suresh nói rằng mệnh lệnh này được ban bố bởi cấp trên. Những người này từ chối bình luận về vụ việc.
Hỏa táng là một phần quan trọng trong nghi lễ tiễn biệt người chết của đạo Hindu. Đây được coi là hành động giúp hồn được giải phóng khỏi thân xác.
Những nhân viên làm việc ở bãi hoả táng nói rằng họ cảm thấy kiệt sức. Những nhân viên này cũng chia sẻ rằng họ chưa bao giờ thấy quá nhiều người chết trong cùng thời điểm như hiện nay.
Ở thành phố công nghiệp Surat, bang Gujarat, một số khung sắt dùng để hỏa thiêu đã bị tan chảy do sử dụng quá nhiều.
Ở thành phố Kanpur, bang Uttar Pradesh, giới chức phải tận dụng cả công viên để hỏa thiêu thi thể.
Cái giá của sự chủ quan Cách đây không lâu, Ấn Độ dường như đi đúng hướng trong phòng chống đại dịch Covid-19, khi số ca nhiễm và số ca tử vong được kiềm chế. Trước thành quả này, cả quan chức lẫn người dân Ấn Độ tỏ ra chủ quan và không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch. Nhưng điều tồi tệ nhất mới chỉ bắt đầu.
Con số hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vượt quá khả năng phục vụ của ngành y tế Ấn Độ. Các giường bệnh quá tải trầm trọng. Một giường bệnh có tới hàng chục người xếp hàng để được sử dụng. Đã có thời điểm các bệnh viện ở thủ đô New Delhi chỉ có đủ oxy để sử dụng trong vài giờ.
Vô số người Ấn Độ đang phải lên mạng xã hội cầu xin có được giường bệnh, thuốc men và oxy để thở. Các bãi hỏa táng đỏ lửa bất kể ngày đêm. Có những thời điểm hàng chục thi thể được hỏa táng một lúc.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine của Ấn Độ đang gặp trục trặc. Chỉ có 10% người dân nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine, dù Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới. Theo Washington Post, tỷ lệ người đã tiêm đủ hai mũi ở Ấn Độ chỉ có 1,4%.
Các chuyên gia y tế cho rằng một phần nguyên nhân đến từ chủng virus đột biến B.1.617. Đây được gọi là chủng “đột biến kép”, khi mang gen đột biến của 2 loại virus đột biến khác. Điều này khiến B.1.617 vừa có khả năng lây lan nhanh, vừa khó kiểm soát hơn virus thông thường.
“Các bãi hỏa táng chưa từng đông đúc như vậy”- Cư dân thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, nói răng các bãi hỏa táng chưa từng đông đúc như vậy.
Giới chức Bhopal ghi nhận 41 ca tử vong liên quan đến dịch Covid-19 trong 13 ngày giữa tháng 4. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên New York Times tại bãi hỏa táng và nghĩa trang nạn nhân Covid-19 của thành phố, số người chết lên tới hơn 1.000 trong cùng khoảng thời gian đó.
“Nhiều ca tử vong không được ghi nhận. Con số này đang gia tăng”, Tiến sĩ G.C.Gautam, một bác sĩ chuyên khoa tim ở Bhopal, cho biết. Theo ông, chính quyền làm vậy vì không muốn tạo nên làn sóng hoảng sợ trong dân chúng.
Tình trạng tương tự được ghi nhận ở Lucknow và Mirzapur, các thành phố chính của bang Uttar Pradesh. Ở bang Gujarat, tờ báo địa phương Sandesh chỉ ra số ca tử vong mỗi ngày là khoảng 610, cao hơn nhiều lần so với con số 73-121 mà chính quyền công bố.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Về chủ quan, theo nhà dịch tễ học Bhramar Mukherjee từ Đại học Michigan, một số gia đình không muốn phải mai táng người thân với quy trình xử lý thi thể ngặt nghèo của bệnh nhân Covid-19.
Về khách quan, một số bang được cho là đã nhận yêu cầu từ chính quyền trung ương, theo đó họ phải giảm nhẹ số liệu so với thực tế.
Ngoài ra, kể cả trong những năm trước đại dịch, chỉ có khoảng một phần năm số ca tử vong được giám định pháp y. Điều này đồng nghĩa với việc nguyên nhân qua đời của đa số người dân Ấn Độ không được ghi nhận trong hồ sơ chính thức.
Về phần mình, ông Suresh Bhai tiếp tục cần mẫn với công việc.
“Mỗi ngày, nghĩa trang của tôi phải xử lý 15-20 bệnh nhân Covid-19 qua đời”, ông nói giữa tiếng bập bùng của những ngọn lửa nơi đây.
Việt Hà