+
Aa
-
like
comment

“Bài giảng” ba phải và nực cười của RFA về người đứng đầu Quốc hội Việt Nam

Hoàng Chung - 23/11/2021 17:23

Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, được phân công thực hiện quyền lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân cùng với Viện kiểm sát nhân dân được phân công thực hiện quyền tư pháp. Mỗi cơ quan có vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, công tác lập pháp của Quốc hội giữ vai trò quan trọng, chi phối đến các mặt công tác khác của Nhà nước. Đứng trước bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhiều thế lực thù địch đã đẩy mạnh xuyên tạc, bôi nhọ nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng này của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ngày 21/11, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Thách thức lập pháp và cơ hội của ông Vương Đình Huệ”. Bài viết có nhiều nội dung bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ của Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Qua đó, chúng cố tình phản ánh sai về hệ thống pháp luật Việt Nam.

Bài viết sặc mùi xuyên tạc của RFA.

RFA đã xuyên tạc một trong những vai trò quan trọng của Quốc hội đó chính là lập pháp. Chúng lặp đi lặp lại luận điệu rằng “mối quan hệ giữa chế độ chính trị chủ nghĩa xã hội mâu thuẫn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chúng xấc xược viết “kiểu lãnh đạo này đã không còn phù hợp trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường”, rồi “sự những tương phản giữa ý thức hệ chủ nghĩa xã hội – nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản độc quyền và những gì đang thay đổi trong thực tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường với các giá trị thường mâu thuẫn với ý thức hệ chính thống”. Mục đích bịa đặt về “mâu thuẫn tồn tại giữa chế độ chính trị CNXH và nền KTTT định hướng CNXH” của RFA ẩn chứa âm mưu xuyên tạc đường lối, chính sách Đảng và con đường phát triển của đất nước. Chúng cho rằng đó là những thách thức, khó khăn của Quốc hội phải đối diện. Qua đó, gián tiếp xuyên tạc nhiệm vụ và quyền hạn “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật” của Quốc hội.

Sau khi đưa ra những luận điệu xuyên tạc vai trò lập pháp của Quốc hội, RFA tiếp tục xuyên tạc hệ thống pháp luật của Việt Nam. Từ năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19- KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV (2021-2026). Điều đó cho thấy Đảng ta đã không né tránh mà dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng và khách quan, nêu lên hạn chế của hệ thống và công tác lập pháp, những điểm chưa đáp ứng thực tiễn, những thiếu sót cần được sửa đổi, bổ sung. Ngày 03/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận số 19Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tất cả đã chứng minh quyết tâm xây dựng hệ thống pháp luật của cả hệ thống chính trị và những nỗ lực, cố gắng của Quốc hội.

RFA còn ngang nhiên phán xét một số luật, bộ luật ở Việt Nam như: Hình sự, Dân sự, Công đoàn, Đất đai, Doanh nghiệp, Đầu tư, Lao động… Sau đó còn phiến diện đánh giá “tính chuyên nghiệp, tính đại diện, tính độc lập của Quốc hội nói chung và các nghị sĩ cũng ‘cải thiện’ một cách chậm chạp”. Chẳng phải sự linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Quốc hội là điều RFA đã tự thừa nhận ngay từ đầu bài viết đó sao: “dịch COVID-19 khiến Quốc hội phải thay đổi hình thức họp kết hợp online và tập trung trong hai đợt”. Hơn thế nữa, dễ dàng thấy rõ Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính đại diện cho cử tri, tính độc lập qua các Kỳ họp của Quốc hội. Có thể kể đến các phiên chất vấn thành viên Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin tại nghị trường, họp online…

Từ trước đến nay, Đảng luôn quan tâm đến công tác cán bộ, vì đây là một trong những công tác trọng yếu của Đảng. Lựa chọn cán bộ có đủ đức, đủ tài, năng lực đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ phải có thời gian và quy trình cụ thể. Để lựa chọn được một Chủ tịch Quốc hội xứng đáng quả thật không phải đơn giản, cần có thời gian thử thách trên những cương vị quan trọng. Năm 2012, ông Vương Đình Huệ được bổ nhiệm làm Trưởng ban Kinh tế trung ương. Khi ông là Uỷ viên Bộ Chính trị khóa XII đã được luân chuyển giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Quá trình thử thách đó đã chứng minh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người có đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhận chức vụ quan trọng. Trọng trách của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong nhiệm kỳ 2021-2026 là rất lớn trong việc chỉ đạo các hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động xây dựng pháp luật.

Tóm lại, bài viết của RFA chẳng có gì ngoài những luận điệu sặc mùi xuyên tạc vai trò lập pháp của Quốc hội, xuyên tạc hệ thống pháp luật Việt Nam. Bằng những luận điệu phiến diện, chủ quan và sai sự thật, RFA đã cố tình phủ nhận những nỗ lực, cố gắng trong xây dựng hệ thống pháp luật của Quốc hội. Cần phải cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch như RFA. Tin tưởng với nỗ lực của Quốc hội, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, góp sức của Nhân dân thì hệ thống pháp luật của nước ta sẽ ngày càng chuyên nghiệp, đồng bộ, phù hợp với thực tế.

Hoàng Chung

Bài mới
Đọc nhiều