+
Aa
-
like
comment

Bãi bỏ những quy định bất hợp lý chính là tạo động lực để phát triển xã hội

Đỗ Mạnh - 30/11/2020 18:17

Cách đây mấy năm cô em họ khi thi tuyển làm giáo viên mầm non với yêu cầu là phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Lúc đó, tôi đã rất ngạc nhiên hỏi em là văn bản nào quy định như vậy. Cô em họ không ngần ngại đưa cho tôi bản sao Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6.6.2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên có giá trị sử dụng.

Cô em tôi trượt là đương nhiên dù tiếng anh và trình độ tin học cũng không đến nỗi kém, chỉ tội không có chứng chỉ. Sự vô lý là ở chỗ đó, người ta đã không quan tâm đến trình độ thực của người dự tuyển mà chỉ tin vào cái chứng chỉ vô hồn mà ở thời buổi đồ giả mua đâu cũng được. Mặt khác trên nhu cầu thực tế giáo viên mầm non và tiểu học có nhất thiết phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay không? Dạy ai? Câu hỏi này đã được rất nhiều người hỏi Bộ GDĐT nhưng đã không nhận được lời giải thích xác đáng. Quy định là thế và đương nhiên khi ai đó không có sẽ không được tuyển chọn, không được xét nâng bậc.

Như vậy, hơn 10 năm trời sau khi Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT được ban hành vô tình trở thành rào cản mà rất nhiều giáo viên trung thực, tử tế không thể vượt qua. Điều đáng nói đây lại là cơ hội rất tốt cho những kẻ cơ hội, lươn lẹo dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe để vượt qua. Điều ngạc nhiên nữa là Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT đã tồn tại bao nhiêu năm với sự vô lý trói buộc của nó mà qua mấy đời Bộ trưởng mà vẫn không được điều chỉnh sửa đổi hay bãi bỏ. Quyết định  này thực sự đã gây rất nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên, mặc dù trong số họ có rất nhiều người được đào tạo rất bài bản và tâm huyết với nghề đã phải từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng.

Bức xúc hơn là chính quyết định này lại là mảnh đất tốt cho một thị trường ngầm hoạt động sôi nổi với mục đích mua bán chứng chỉ giả. Ngay tại thời điểm này chỉ cần gõ vài dòng trên google sẽ thấy xuất hiện hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lời chào mời mua bán chứng chỉ ngoại ngữ tin học như bán rau muống ngoài chợ. Có người còn đặt câu hỏi vấn đề vô lý này liệu Bộ trưởng Bộ GĐĐT, các Thứ trưởng, Vụ trưởng các chuyên gia đầu ngành có biết không? Và câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng có một điều lạ vì một điều gì đó mà không ai dám lên tiếng. Sự im lặng của ngành giáo dục trong suốt 12 năm, dù có một chút tích cực là buộc giáo viên phải tự học nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ dù biết chẳng để làm gì ở một số cấp.

Nhiều giáo viên cho rằng yêu cầu phải có bộ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ  tồn tại bao nhiêu năm đã thực sự trở thành một cái vòng kim cô đeo trên đầu mỗi giáo viên và những người dự định thi tuyển vào ngành giáo dục. Nay nghe tin Bộ GD ĐT tuyên bố bỏ bộ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tầng lớp giao viên thở phào nhẹ nhõm. Họ cảm thấy như vừa tháo được cái gông đã đeo nặng trên cổ bao nhiêu năm. Có người còn thốt lên là thà muộn còn hơn không? Nhưng có người thì cay cú cho rằng cán bộ ngành giáo dục đã rất quan liêu không biết lắng nghe.

Ai cũng hiểu quá trình phát triển xã hội là quá trình giải quyết mâu thuẫn để ngày một tiến bộ. Song nếu quá trình đó diễn ra chậm thì vô tình lại trở thành vật cản cho sự phát triển xã hội. Trong quá trình vận động phát triển, không riêng gì ngành giáo dục mà còn rất nhiều ngành khác trong hoạt động sẽ không tránh khỏi những sai sót trong quy trình ban hành văn bản pháp luật. Vấn đề người dân mong đợi ở các cơ quan chức năng là phải biết lắng nghe và dám sửa chữa những điều bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đó. Văn bản pháp luật, thậm chí là các bộ luật đều do các cơ quan có chức năng soạn thảo và trình Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, nghiên cứu phê chuẩn. Tất cả những văn bản đó mặc dù đã được ban hành nhưng trong quá trình thực thi, nếu gặp phải những vấn đề vô lý không phù hợp với tình hình thực tế, bất lợi trong quá trình đưa vào áp dụng thực tế thì đều có thể được điều chỉnh, bổ sung và trình phê duyệt lại sao cho có lợi nhất cho dân, cho đất nước.

Sửa luật và các Nghị định dưới luật đòi hỏi phải có thời gian và phải đợi Quốc hội nghiên cứu ban hành, song với những quyết định thuộc quyền hạn của các Bộ thì việc sửa đổi các quyết định nếu trong quá trình thực thi, nếu phát hiện những điều bất hợp lý thì đòi hỏi tiến độ điều chỉnh phải nhanh hơn mới không gây thiệt hại, bức xúc trong nhân dân, chứ đừng để một quyết định kéo dài hơn 10 năm mới nhận thấy thiếu sót thì là một sai lầm.

Dư luận cho rằng việc Bộ GDĐT nhưng quyết định bão bỏ bộ chứng chỉ là rất hợp lý, đồng bộ với việc Bộ Nội vụ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức.

Thiết nghĩ các Bộ, ngành của Việt Nam cần khẩn trương thành lập những nhóm chức năng chuyên theo dõi phản ứng, lắng nghe dư luận về những văn bản ban hành của mình để kịp thời điều chỉnh xử những vấn đề bất hợp lý. Có như vậy mới khơi thông được sức mạnh, nguồn lực trong xã hội, trong nhân dân phục vụ đắc lực cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều