Baghdad rung chuyển vì khủng bố: Ông Biden rốt ráo trở lại vòng chiến, phá tan thành quả nhiệm kỳ Trump?
Con trai cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “trở lại vòng chiến ngay trong ngày làm việc trọn vẹn đầu tiên”.
Thủ đô Baghdad của Iraq rung chuyển bởi vụ tấn công khủng bố kép ngày 21/1 làm ít nhất 32 người thiệt mạng cùng 110 người bị thương. Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.
Con trai cựu Tổng thống Trump, ông ông Donald Trump Jr., ngày 21/1 (giờ miền Đông) lên Twitter chỉ trích tân Tổng thống Joe Biden sau khi xuất hiện báo cáo nói rằng chính quyền mới của Mỹ có thể coi các vụ đánh bom mới đây là tiền đề để mở rộng trở lại sự hiện diện quân sự Mỹ tại Iraq.
“Trở lại vòng chiến ngay trong ngày làm việc trọn vẹn đầu tiên,” ông Trump Jr. viết, đăng tải kèm đường link báo cáo của tờ Jerusalem Post (Israel), trong đó mô tả các cuộc tấn công khủng bố tại Baghdad có thể “đem tới cho chính quyền Biden một trong những nguy cơ đầu tiên ở nước ngoài” và cung cấp “một cơ hội sớm để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Iraq”.
Điều phối viên chính sách Trung Đông được ông Trump bổ nhiệm, Brett McGurk, nhiều khả năng “quan tâm sâu sắc đến việc giải quyết các vấn đề sau vụ đánh bom” – theo JP.
Một số nhân vật được ông Biden đề cử vào nội các, bao gồm ứng viên Ngoại trưởng Antony Blinken, đã nêu lên sự cần thiết phải duy trì lực lượng Mỹ tại các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Blinken cũng là một trong những người ủng hộ hàng đầu cho các cuộc tham chiến của Mỹ tại Iraq, Libya và Syria, cũng như nói về việc tăng cường nỗ lực nhằm “đối đầu” Nga và Trung Quốc.
Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, ông Donald Trump đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Christopher C. Miller – nhân vật thân cận với ông – để thúc đẩy việc giảm lực lượng Mỹ ở Afghanistan và Iraq xuống 2.5000 quân tại mỗi nước.
Trong thông điệp giã từ ngày 20/1, Trump nói ông “đặc biệt tự hào khi là Tổng thống [Mỹ] đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua không khởi đầu cuộc chiến nào”.
Washington bắt đầu xúc tiến rút quân khỏi Iraq từ đầu năm ngoái sau khi thực hiện vụ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani – người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran. Vụ ám sát là động lực khiến Quốc hội Iraq kêu gọi chính phủ nước này yêu cầu Mỹ rút quân.
Mỹ rời Iraq vào năm 2011 nhưng đã trở lại từ năm 2014 theo đề nghị của chính phủ Iraq để dẫn dắt liên minh chống IS. Mỹ đào tạo và huấn luyện khoảng 250.000 quân Iraq với sự hỗ trợ của các thành viên liên minh – gồm nhiều nước châu Âu. Mỹ cũng hỗ trợ đào tạo và trang bị cho lực lượng Peshmerga của người Kurd ở miền bắc Iraq.
Trong khi Mỹ rút hầu hết binh lực khỏi Iraq trong năm 2020, lực lượng ở lại được tái bố trí đến các địa bàn của người Kurd – nơi có thiện cảm dành cho Mỹ nhiều hơn.
(Theo DNTT)