Bách Khoa, Y, Luật… rồi ‘ai’ cũng tăng học phí, có trường tăng… gấp đôi
Năm học 2021-2022, các trường đại học tiếp tục tăng học phí theo lộ trình. Trong đó, nhiều trường bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính sẽ có mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước.
Theo đề án tuyển sinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) vừa công bố, mức học phí dự kiến năm học 2021-2022 cho ngành y khoa, dược học, răng hàm mặt là 32 triệu đồng/năm; các ngành khác là 28 triệu đồng/năm…
Gấp đôi năm trước
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo – cho biết từ khóa tuyển sinh năm 2021, trường xác định một mức học phí mới, dự kiến tăng với tất cả các ngành.
Theo đó, so với học phí hiện tại (khoảng 12 triệu đồng/năm), học phí mới chương trình đào tạo đại trà sẽ tăng cao gấp đôi, lên mức 25 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật ở mức 50 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng/năm. Hai chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ tăng 10% so với hiện nay.
Trong khi đó, đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường ĐH Y dược TP.HCM chưa công bố mức thu học phí dự kiến. Năm học trước, trường này thu học phí mức 30 – 70 triệu đồng/năm. Nhà trường cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.
Trường ĐH Luật TP.HCM áp dụng mức học phí năm học 2020-2021 như sau: lớp đại trà 18 triệu đồng, lớp tiếng Anh pháp lý 36 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành luật và ngành quản trị kinh doanh 45 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành quản trị – luật 49,5 triệu đồng.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có mức học phí năm học 2020-2021 chương trình đại trà bình quân là 20,5 triệu đồng/năm (có thể tăng mỗi năm 10%). Chương trình chất lượng cao bình quân từ 32 – 40 triệu đồng/năm (tùy theo chương trình đào tạo). Chương trình cử nhân tài năng bình quân khoảng 50 triệu đồng/năm…
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, học phí từ 24 triệu đến khoảng 34 triệu đồng/năm tùy ngành và chương trình đào tạo. Học phí chất lượng cao ổn định suốt quá trình học, học phí đại trà tăng tối đa 10% mỗi năm…
Học phí Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM từ 18,5 – 31 triệu đồng/năm tùy ngành và loại hình đào tạo đại trà hoặc chất lượng cao. Trường ĐH Tài chính – marketing học phí năm học 2020-2021 từ 18,5 – 36,3 triệu đồng/năm, riêng chương trình quốc tế 55 triệu đồng.
Các trường nói gì?
Nói về việc tăng học phí của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông Bùi Hoài Thắng cho biết: “Từ năm học tới, trường thực hiện cơ chế tự chủ. Với đề án đổi mới cơ chế hoạt động, sự tác động lớn nhất với người học là chính sách học phí cho sinh viên trúng tuyển năm 2021.
Chi phí đào tạo một kỹ sư có chất lượng đúng chuẩn đầu ra của nhà trường là khoảng 60 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí đào tạo được hỗ trợ từ doanh nghiệp, Nhà nước, giảng viên tham gia chuyển giao công nghệ. Việc thay đổi học phí là sự chia sẻ giữa người học với nhà trường”.
Đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết: “Học phí dự kiến áp dụng trong năm học 2021-2022 để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp ĐH.
Trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định”.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết trường hiện đã không còn được Nhà nước cấp ngân sách nên với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ.
“Nếu sinh viên nào thực sự khó khăn sẽ được nhà trường hỗ trợ học phí ngay trong năm đầu tiên. Những năm tiếp theo, không phải tất cả sinh viên diện này hiển nhiên được trường hỗ trợ tiếp mà sẽ được xét trao học bổng khuyến khích học tập và các nguồn học bổng khác. Sinh viên phải chứng tỏ được mình nghèo nhưng vượt khó học giỏi mới được nhà trường hỗ trợ” – ông Khôi nói.
ThS Lê Văn Hiểu – phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM – nói: “So với khóa tuyển sinh năm trước, học phí của trường năm nay tăng nhẹ từ 500.000 đồng đến 5,75 triệu đồng tùy lớp. Các năm tiếp theo trường sẽ thông báo ngay sau khi các cấp thẩm quyền phê duyệt lại đề án tự chủ của nhà trường…”.
Đại học tư: học phí từ 36 đến hơn 200 triệu đồng/năm
Học phí nhiều trường ĐH tư rất khác nhau tùy trường và nhóm ngành. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), học phí phần lớn các ngành từ 36 – 40 triệu đồng/năm. Riêng ngành dược 46 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng – cho biết học phí này tăng 5% so với khóa tuyển sinh 2020. Hằng năm học phí tăng có khoảng 5%. “Cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ học tập được nâng cấp thường xuyên để đảm bảo sinh viên có điều kiện học tập cũng như chất lượng đào tạo tương xứng” – ông Quốc Anh nói.
Trong khi đó, học phí tại Trường ĐH Văn Lang năm học này dao động từ 40 – 54 triệu đồng/năm tùy ngành. Riêng ngành răng hàm mặt có học phí dự kiến từ 160 – 180 triệu đồng/năm.
Ông Võ Văn Tuấn – phó hiệu trưởng – cho biết hằng năm các ngành đào tạo sẽ cung cấp thêm các khóa đào tạo kỹ năng, trang bị thêm trang thiết bị, bổ sung các dịch vụ tiện ích… nhằm bảo đảm giá trị tăng thêm cho sinh viên. Do đó, mức học phí của những năm sau có thể thay đổi nhưng sẽ tăng không quá 8% mức học phí tiêu chuẩn.
Tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, các ngành có học phí từ 50 – 55 triệu đồng/năm. Riêng ngành y và răng hàm mặt có học phí 182 triệu đồng/năm với chương trình tiếng Việt và 220 triệu đồng/năm với chương trình dạy bằng tiếng Anh.
M.GIẢNG
TRẦN HUỲNH