Bác sỹ trong 221 người nghỉ việc ở BV Bạch Mai lên tiếng
Nhiều bác sĩ chia sẻ, họ quyết định nghỉ việc không phải do thu nhập giảm mà do mô hình quản lý có nhiều thay đổi không hợp lý.
Một tiến sĩ nghỉ việc cho biết, các lý do bệnh viện đưa ra chưa thật hợp lý. Bác sĩ này cho hay, khi có Covid-19, tất cả bệnh viện đều bị ảnh hưởng, không riêng Bạch Mai.
“Bệnh viện nói khó khăn tài chính nhưng vẫn tuyển thêm người ồ ạt với 506 người, trong khi chỉ có 221 người nghỉ. Bệnh viện cũng xây dựng bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan mới, thay đổi hạ tầng, sửa sang, đập đi xây lại rất nhiều hạng mục như khu vực sân phía sau, khu vực mặt tiền, khu vực nhà lưu trú, xây lại miếu thờ…”, bác sĩ phân tích.
Vị bác sĩ cũng cho rằng, nhiều bác sĩ ra đi vì thấy mô hình quản lý mới có nhiều điểm không phù hợp. Trước đây, lãnh đạo bệnh viện từng ký quyết định yêu cầu nhân viên khu khám bệnh đi làm từ 5h sáng, nhưng sau đó đã rút lại.
Tiến sĩ vừa nghỉ việc nói lý do rời Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện Bạch Mai thời điểm tháng 3/2020 phải phong toả do Covid-19. Ảnh: Trần Thường
“Các bác sĩ mong muốn có môi trường làm việc chuyên nghiệp, phát triển các chuyên khoa học thuật, không phải môi trường chỉ thích đánh bóng, phô trương, hát hò”, bác sĩ nói tiếp.
Đặc biệt trong mô hình quản lý mới, bệnh viện yêu cầu từng khoa phòng phải báo cáo kiểm điểm, đánh giá nhận xét, chấm điểm thi đua từng cá nhân.
“Bệnh viện học theo mô hình tư nhân, quản lý nhân sự của tư nhân nhưng đãi ngộ với anh em không hợp lý, lương giảm kinh khủng. Các quy trình, cơ chế đánh giá cũng không rõ ràng, dẫn đến câu chuyện soi mói, thù hằn cá nhân trong việc đánh giá. Cuối cùng, mọi người đều trong tâm thế đề phòng, rất mệt mỏi”, vị bác sĩ nêu.
Một bác sĩ làm việc hàng chục năm tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã nghỉ việc từ cuối năm 2020. Anh chia sẻ, bản thân nghỉ việc do môi trường không còn phù hợp.
Vị bác sĩ phân tích, bác sĩ làm vì nghề là chính, kế đó là vì học trò, anh em tuyến dưới, cuối cùng mới đến thu nhập. Bệnh viện Bạch Mai là thương hiệu lớn, ai cũng muốn gắn bó nhưng khi bệnh viện thay đổi mô hình, anh không còn được làm nghề đúng nghĩa nên xin nghỉ.
“Với tôi, thu nhập, dịch bệnh Covid-19 không phải lý do. Tôi được yêu cầu chuyển sang bộ phận khác không phù hợp chuyên môn, nếu tôi chuyển, người trong ngành, học trò sẽ nghĩ gì. Việc sử dụng người không hợp lý khiến tôi và nhiều bác sĩ cảm thấy không phù hợp nên mọi người chọn cách ra đi”, vị bác sĩ nói.
Theo nam bác sĩ, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, dù tự chủ nhưng không thể biến thành doanh nghiệp tư nhân, quản lý theo mô hình tư nhân.
“Chúng tôi làm khoa học, đào tạo, làm chuyên môn nhưng hàng tuần lại yêu cầu lên kế hoạch công việc, cuối tuần báo cáo kiểm điểm. Nếu báo cáo để rút kinh nghiệm thì không sao, nhưng báo cáo kiểu này khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, hình thành tình trạng sát phạt nhau”, bác sĩ tâm tư.
Anh chia sẻ bản thân thấy tiếc cho thương hiệu Bạch Mai khi để xảy ra những lùm xùm thời gian qua. Theo anh, thay đổi là tốt nhưng phải phù hợp, phải lấy con người làm trung tâm.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai xác nhận vụ việc nhiều nhân lực của bệnh viện thời gian qua nghỉ việc và chuyển công tác tại nơi khác.
Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tổng số cán bộ, nhân viên nghỉ việc có người mang hàm phó giáo sư, tiến sĩ nhưng nghỉ là để chuyển sang nơi khác có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, không phải tất cả số nhân sự nghỉ đợt này đều có trình độ cao, cũng có nhân lực nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm do bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19 nên lượng bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai giảm nhiều. Trước đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6.000 đến 7.000 bệnh nhân và điều trị cho khoảng hơn 5.000 người bệnh nội trú. Nay do dịch, có thời điểm bệnh viện chỉ còn hơn 1.000 bệnh nhân nội trú.
Năm 2020, nguồn thu của bệnh viện cũng giảm tới 2.000 tỷ đồng (gần 30% so với 2019). Đây chính là nguyên nhân khiến thu nhập của nhiều cán bộ, nhân viên trong bệnh viện bị giảm thấp.
“Có lẽ vì áp lực công việc trong khi thu nhập giảm, nhiều người được các cơ sở y tế khác mời chào về làm việc với mức thu nhập cao, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng, một số bác sĩ xin chuyển công tác. Việc dịch chuyển là tất yếu, bệnh viện không thể giữ được. Hoạt động luân chuyển như vậy không có gì bất thường, không phải là chảy máu chất xám”, ông Thành nói.
Ngoài ra, bệnh viện cũng giải thể một số đơn vị hoạt động không hiệu quả, hoặc sáp nhập, nên nhiều lao động phải nghỉ việc.
Trước thông tin một số người lao động xin nghỉ việc vì bệnh viện nợ lương, chậm lương, ông Thành khẳng định “không chính xác”. Bởi năm 2020, bệnh viện trích 140 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ gần 4.300 cán bộ, nhân viên chức và người lao động.
T/h