Bác sỹ quên ăn cấp cứu 143 trẻ mầm non nghi bị ngộ độc
Hơn 6 tiếng đồng hồ căng mình cấp cứu cùng lúc cả trăm trẻ mầm non, đội ngũ y, bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống.
Ông Hà Hoàng Minh – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa (lãnh đạo buổi trực trưa ngày 23/12), sau khi vụ nghi ngộ độc thực phẩm của hàng trăm cháu trường mầm non Vườn Mặt trời tạm thời được xử lý ổn thỏa, vẫn còn phờ phạc do mất ngủ, căng thẳng.
“Đây là lần đầu tiên Bệnh viện tiếp nhận số lượng lớn các bệnh nhi nghi do ngộ độc thực phẩm nhất. Ban đầu là 60 cháu, sau đó con số tăng nhanh lên hơn 143 cháu trong tình trạng nôn mửa, đi ngoài, mất nước… Với tính chất nguy hiểm, khẩn cấp và sự quá tải về số lượng bệnh nhi cùng lúc khiến bản thân thực sự lo lắng”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, ngay sau khi tiếp nhận sự việc, lãnh đạo Bệnh viện đã ngay lập tức cử người xuống trường để nắm lại tình hình. Qua báo cáo sơ bộ tình hình, xác định nghi do ngộ độc thực phẩm. Để kịp thời cấp cứu cho các cháu, lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành cho các cháu nhập viện trước, làm hồ sơ thủ tục sau.
Cùng lúc một số lượng lớn bệnh nhi khiến Bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải, lực lượng y bác sỹ trực không đủ, phía lãnh đạo bệnh viện đã phải trực tiếp chỉ đạo huy động tổng lực các y bác sỹ tại các khoa khác tham gia, đồng thời cắt cử từng cán bộ liên hệ với đội ngũ y bác sỹ đang nghỉ trực ở nhà đến ứng cứu. Bên cạnh đó, việc cùng lúc phải huy động số lượng lớn vật tư y tế, thuốc men cũng khiến bệnh viện gặp khó khăn. Đơn cử, như việc huy động giường bệnh cho các cháu phía Bệnh viện đã phải huy động cả bàn ghế, giường chiếu của bảo vệ…
Song, Bệnh viện đã phản ứng nhanh chóng, kịp thời. Đến khoảng gần cuối giờ chiều thì cơ bản tình hình đã được kiểm soát. Đã phân loại được các cháu với các mức độ nặng nhẹ, thuyên chuyển tới các khoa khác nhau để theo dõi, điều trị.
Nói về tính chất nguy hiểm, ông Minh cho biết trước tình trạng các cháu mất nước nhiều phải truyền nước, bù dịch giải độc. Đối với trường hợp nặng phải hỗ trợ hô hấp, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Sức khỏe các cháu đã ổn định và đã xuất viện. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân. Trong thời gian chưa có kết luận nguyên nhân cuối cùng thì vẫn phải theo dõi các cháu. Phía Bệnh viện cũng khuyến cáo các gia đình nếu có biểu hiện lạ với các cháu thì ngay lập tức đưa tới viện.
Ông Minh cho biết thêm: “Từ lúc các cháu nhập viện (khoảng 10h30’ ngày 23/12) cho tới lúc tình hình tạm thời ổn định (16h cùng ngày), gần như đội ngũ y bác sỹ mới có chút thời gian để cắt cử thay nhau ăn trưa. Suốt trong quá trình từ lúc các cháu nhập viện hầu như chưa cán bộ y bác sỹ nào kịp ăn uống, nghỉ ngơi. Tất cả được huy động để túc trực, theo dõi”.
Nhớ lại khoảng thời gian cả tập thể bệnh viện gồng mình, căng thẳng ông Ngô Việt Hưng, trưởng Khoa hồi sức cấp cứu cho biết: “Khi tiếp nhận thông tin chúng tôi cử người, phương tiện qua trường sơ cứu, phân loại tại chỗ, đồng thời đưa các cháu nặng vào viện. Số bệnh nhân ngày càng gia tăng, chúng tôi phải huy động cả những bác sỹ không phải ca trực tổng 45 y, bác sỹ của khoa và rất nhiều bác sỹ tại các khoa khác tham gia cấp cứu.
Các bệnh nhân được đưa thẳng vào khoa cấp cứu không qua phòng khám, vừa thăm khám, vừa truyền nước giải độc, sau khi đánh giá mức độ của từng cháu chuyển lên các khoa sơ sinh, tiêu hóa, thần kinh…để không phải nằm một chỗ. Bệnh viện gặp phải một số khó khăn khi số bệnh nhân ồ ạt nhập viện, công việc phối hợp giữa các khoa vô cùng gấp gấp, khẩn trường. Lúc đó tận dụng được chỗ nào cho các cháu nằm là chúng tôi kê giường, ghép các cháu nằm cùng.
12 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên tiếp nhận cùng lúc đông bệnh nhân nhập viện, bác sỹ Hưng chia sẻ: “Lúc đó các cháu nhập viện ồ ạt, không khí vô cùng hoảng loạn, các cháu nôn, khóc, lả người phụ huynh hoang mang… Thời gian tiếp nhận các cháu gần giờ trưa nên không một ai kịp ăn uống gì, cũng không có thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống đến khoảng 16h, tình hình đã ổn định chũng tôi mới có thời gian nghỉ ngơi một lát, lúc đó mới cảm thấy thấm mệt, đói. Nhờ xử lý kịp thời, nên không một cháu nào nguy hiểm đến tính mạng. Đến ngày 24/12, 21 cháu còn lại đã xuất viện”
Trước đó, khoảng 10h30’ trưa 23/12, Trường Mầm non Tư thục Vườn Mặt Trời đưa hơn 10 cháu bé đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu với các dấu hiệu nôn ói, mệt mỏi nghi do ngộ độc thực phẩm. Tiếp sau đó, từ 12 giờ trưa đến 14 giờ chiều có thêm rất nhiều phụ huynh của trường đưa các trẻ đến khám với các biểu hiện tương tự. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tập trung tiếp nhận và cấp cứu cho các cháu. Theo số liệu thống kê vào cuối ngày 23/12, có 143 cháu nhập viện điều trị. Phần lớn các cháu sau khi thăm khám, sức khỏe ổn định nên đã được người nhà đưa về.
Ngọc Hưng/GD