+
Aa
-
like
comment

Bác sĩ Việt giữa tâm dịch Campuchia

26/04/2021 10:22

35 nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh (Campuchia) bị cách ly do liên quan đến các trường hợp nhiễm COVID-19. Giữa tâm dịch các bác sĩ vẫn đang gồng mình vừa chống dịch, vừa khám chữa bệnh, vừa tiêm vắc xin cho người dân.

Bác sĩ Việt giữa tâm dịch Campuchia - Ảnh 1.
Nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Campuchia – Ảnh: N.H

Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh vừa được Chính phủ Campuchia chọn là 1 trong 2 bệnh viện điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng. Đó là trách nhiệm nhưng cũng là niềm tự hào bởi sự ghi nhận và đánh giá cao về chuyên môn từ nước bạn.

TS Nguyễn Tri Thức

“Tình hình còn căng thẳng lắm khi mỗi ngày số ca mắc COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm, trong khi chính quyền đã làm tất cả những gì có thể”. Qua điện thoại, ông Tôn Thanh Trà, tổng giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh chia sẻ.

Hàng loạt nhân viên bị cách ly

Giữa sức nóng dịch bệnh ở Campuchia chưa có dấu hiệu giảm, TS Trà nói rằng đây là “thời khắc khó khăn nhất” khi tất cả nhân viên y tế của bệnh viện đều phải làm tăng ca để choàng gánh công việc cho nhau được thông suốt. Ông không là ngoại lệ, cũng như con thoi chạy qua chạy lại để vừa thực hiện nhiệm vụ điều hành bệnh viện, vừa làm các công tác chuyên môn điều trị cho các ca bệnh nặng.

Bác sĩ Trà cho biết dịch COVID-19 thực sự “ghé thăm” bệnh viện vào một ngày giữa tháng 4, từ một ca bệnh được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân không qua khỏi, kết quả xét nghiệm sau đó lại dương tính với COVID-19, buộc tám nhân viên khoa cấp cứu phải cách ly. Chỉ ít ngày sau thêm 11 điều dưỡng phải cách ly do liên quan đến hai bệnh nhân đến khám bệnh.

“Kíp trực cấp cứu có bốn tua thì mất hai tua phải cách ly, buộc các tua còn lại phải làm việc gấp đôi những ngày thường” – bác sĩ Trà nói.

Tưởng rằng số nhân viên cách ly sẽ dừng lại thì đến ngày 23-4 bệnh viện tiếp tục đón nhận tin buồn khi có thêm 16 nhân viên thuộc khoa nội tổng quát phải cách ly do trước đó có người đến nuôi bệnh nhiễm COVID-19. Với tình thế nguy hiểm này, bác sĩ Trà cho biết bệnh viện buộc phải phong tỏa khẩn cấp toàn bộ khoa nội tổng quát.

Như vậy từ “sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2” tại Campuchia đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh đã phải cách ly đến 35 nhân viên y tế. Đặc biệt số nhân viên y tế bị cách ly chủ yếu tập trung vào hai khoa trọng yếu là cấp cứu và nội tổng quát.

Bác sĩ Việt giữa tâm dịch Campuchia - Ảnh 3.
Ngoài điều hành bệnh viện, bác sĩ Tôn Thanh Trà tham gia làm công tác chuyên môn thăm khám cùng đồng nghiệp giữa lúc Campuchia đang là tâm dịch COVID-19 – Ảnh: N.H.

Được chọn là nơi điều trị bệnh nhân nặng

Trước đây khi Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh mới thành lập luôn có một lực lượng bác sĩ từ Việt Nam (khoảng 20 – 30 người) qua để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, duy trì các hoạt động chuyên môn. Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát việc đi lại khó khăn, nhiệm vụ nặng nề ấy được đặt lên vai của bác sĩ Tôn Thanh Trà và bác sĩ Lê Xuân Hằng.

Họ là những người được Việt Nam cử sang “cắm chốt” dài hạn điều hành mọi hoạt động của bệnh viện. Ngoài ra còn có gần 20 nhân viên y tế có quốc tịch Việt Nam làm việc, sinh sống tại đây.

Giữa tâm dịch Campuchia, bác sĩ Trà chia sẻ toàn bệnh viện đang nâng mức kiểm soát cao độ người bệnh ra vào ở hai cửa chính là khoa cấp cứu và khoa khám bệnh. Ngoài ra, bệnh viện đang triển khai quy trình xét nghiệm tầm soát COVID-19 sau quyết định cho phép của Bộ Y tế Campuchia. Điều khó khăn nhất hiện nay, theo ông, là vấn đề quản lý thân nhân.

“Chúng tôi đang hạn chế tối đa mỗi người bệnh chỉ có một thân nhân đi theo chăm sóc nhưng thói quen của người dân Campuchia thường đi cả gia đình, họ vẫn đi tới đi lui, khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao”, bác sĩ Trà nói.

Dù phải đối mặt với tình hình dịch bệnh căng thẳng nhưng các nhân viên y tế bệnh viện vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và tiêm vắc xin Sinopharm (Trung Quốc) ngừa COVID-19 cho người dân Campuchia (đến nay là ngày thứ tư của đợt tiêm vắc xin bảy ngày, đã có gần 2.000 người dân được tiêm).

Trong số nhân viên y tế người Việt ở Campuchia, bác sĩ Hằng là người nhiều tuổi nhất và cũng ít vướng bận chuyện gia đình nhất. Còn với bác sĩ Trà đã hơn một năm qua chưa một lần được gặp lại gia đình, cả hai đứa con nhỏ (một bé học lớp 9, một bé lớp 5).

Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết sau gần bảy năm đi vào hoạt động với sự chuyển giao đào tạo từ các chuyên gia Việt Nam, các bác sĩ Campuchia đã dần “cứng” tay nghề, có thể làm chủ được nhiều kỹ thuật. Và kể từ khi dịch xảy ra, phía Việt Nam luôn cử một tổng giám đốc và chuyên gia phụ trách khối nội, khối ngoại trực tiếp điều hành, đồng thời hội chẩn online liên tục khi có tình huống phức tạp hoặc ca bệnh khó.

“Các bác sĩ của Việt Nam giữa tâm dịch Campuchia không chỉ đảm nhiệm các công tác chuyên môn, còn mang ý nghĩa làm nghĩa vụ quốc tế cao cả” – bác sĩ Thức khẳng định.

HOÀNG LỘC

Bài mới
Đọc nhiều