+
Aa
-
like
comment

Bác sĩ tuyến đầu với những sáng kiến kiểu ‘du kích’ cứu sống nhiều bệnh nhân COVID-19

16/10/2021 16:35

Do nhu cầu về trang thiết bị, vật tư y tế chưa thể được đáp ứng kịp thời và đầy đủ trong đợt dịch bùng phát mạnh trong thời gian vừa qua ở TP.HCM, nhiều bác sĩ tuyến đầu đầu đã có những sáng tạo “thiết kế” nhiều thiết bị mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị cho bệnh nhân.

Sử dụng 1 bình oxy cho nhiều bệnh nhân

Thông thường 1 bình oxy di động và 1 đồng hồ chỉ có thể hỗ trợ được một bệnh nhân, do vậy thực trạng thiếu oxy trong quá trình cấp cứu bệnh nhân COVID-19 diễn ra tại các bệnh viện dã chiến tại TP HCM. Để tiết kiệm nguồn lực, bác sĩ Phan Trung Hiếu (công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 6) đã đưa ra sáng kiến tận dụng 1 bình oxy cấp cứu được cho nhiều người và lập tức tạo hiệu quả tích cực cho công tác điều trị.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 sử dụng chung một bình oxy. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Hiếu chia sẻ, chỉ cần 1 đồng hồ đo áp lực oxy bể cá, 1 bộ chia khí với 6 – 10 đầu được gắn vào bình oxy di động, bình oxy có thể cùng lúc cung cấp oxy cho 6 – 10 bệnh nhân mắc COVID-19 đang bị suy hô hấp có đủ oxy sử dụng.

Sáng kiến kiểu “du kích” với kỹ thuật cải tiến khá đơn giản này dễ vận hành nhưng mang lại hiệu quả rất lớn trong việc điều trị bệnh nhân suy hô hấp.

Chia đôi 1 máy ECMO cho 2 người bệnh

Trong khi đó, Bệnh viện Quân y 175 cũng đã thực hiện thành công sáng tạo mới trong kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) khi cho hai bệnh nhân cùng chạy một máy, cứu sống sản phụ COVID-19 nguy kịch. Với sáng tạo thành công này, các y bác sĩ hi vọng sẽ cứu chữa được nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng cần đến kỹ thuật oxy hóa máu qua màng cơ thể.

Trước đó, ngày 8/8, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận bệnh nhân nữ 33 tuổi, thai 33 tuần mắc COVID-19 được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ phẫu thuật bắt em bé.

Qua hội chẩn, ekip Trung tâm điều trị chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nguy kịch, mặc dù trước đó, bệnh nhân đã được xử lý các tình huống cứu chữa ban đầu bài bản theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng đáp ứng của người bệnh rất kém.

Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia, bệnh nhân được chỉ định thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Nếu không dùng kỹ thuật ECMO bệnh nhân tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên, Trung tâm chỉ có 2 máy và đã cho 2 bệnh nhân trước đó sử dụng.

Ekip các bác sĩ cứu sống bệnh nhân bằng cách chia đôi 1 máy ECMO cho 2 bệnh nhân.

Do đó, ekip do Thượng úy Nguyễn Cảnh Chung, bác sĩ điều trị; Thiếu tá Diệp Hồng Kháng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Trung tâm; Thượng tá Vũ Đình Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và vừa, đã tham vấn các chuyên gia về máy và các kỹ sư hàng đầu Khoa Trang bị Bệnh viện Quân y 175 quyết định thực hiện Kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể cho bệnh nhân thứ 2 sử dụng cùng 1 máy ECMO với bệnh nhân trước đó .

Sau hơn 1h chuẩn bị và 30 phút thực hiện kỹ thuật, tình trạng của cả 2 bệnh nhân được đảm bảo, bệnh nhân trước đó không bị ảnh hưởng. Chỉ số Sp02 của sản phụ được cải thiện rõ rệt, trước khi thực hiện là 80% sau khi thực hiện kỹ thuật đã tăng 96-98%.

Sáng kiến theo dõi bệnh nhân tại trạm cấp cứu ngoại viện COVID-19

Sau khi tiếp nhận F0 và sơ cấp cứu, Trạm cấp cứu ngoại viện COVID-19 sẽ phân tầng bệnh nhân để chuyển lên các tuyến phù hợp. Mỗi F0 có mức độ bệnh khác nhau và đòi hỏi mức độ theo dõi khác nhau. Một mô hình hỗ trợ công tác theo dõi sát bệnh nhân với tiêu chí bảo vệ nguồn lực tối đa nhất là hết sức cần thiết. Sáng kiến dùng máy Sp02 mini theo dõi bệnh nhân qua Cloud ra đời trong hoàn cảnh này.

Trạm cấp cứu ngoại viện khó có đầy đủ nhân lực và cơ sở vật chất như ở bệnh viện và các F0 nặng cần có phương tiện theo dõi liên tục để kịp thời can thiệp khi có dấu hiệu xấu. Để giải bài toán này, các bác sỹ tại Trạm cấp cứu ngoại viện COVID-19 trong Mô hình chăm sóc F0 ở cộng đồng của Đại học Y Dược ĐHYD TP HCM triển khai “Hệ thống theo dõi oxy máu (SpO2) theo thời gian thực trên bệnh nhân COVID-19 nặng trong hoàn cảnh thiếu thốn”.

Thay vì tốn kém vài chục triệu đồng cho hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân nặng thường quy tại các bệnh viện, hệ thống monitor dã chiến này đã tiết kiệm kinh phí đáng kể khi chỉ cần trang bị cho mỗi bệnh nhân nặng một máy SpO2 (giá thành khoảng 200.000 đồng, chạy bằng 2 viên pin AAA) có khả năng kết nối bluetooth.

Một điện thoại đóng vai trò là “trạm” kết nối tất cả các dữ liệu từ tất cả các máy SpO2 này thông qua một phần mềm riêng.

Nhận xét về mô hình này, bác sĩ Trần Ngọc Nguyên – Bộ môn Lao và Bệnh phổi, Đại học Y Dược TP HCM, Quản lý Trạm cấp cứu Ngoại viện COVID-19 tại Sân khấu C30 Hoà Bình (quận 10) cho biết: “Bất kỳ ai cũng được hưởng lợi từ sáng kiến này: Bệnh nhân, người quản lý, bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên tình nguyện… Dựa trên đặc tính công việc tại trạm thì những nơi tương tự (bệnh viện dã chiến, đơn vị cấp cứu bệnh viện thu dung, khoa cấp cứu tại các bệnh viện tầng 1 theo mô hình 3 tầng…) đều có thể dễ dàng ứng dụng mô hình này.

Các bệnh nhân được theo dõi sát sao và liên tục, tiếp đó là bảo toàn nhân lực ngành y tế (tránh nguy cơ lây nhiễm và giảm tải khối lượng công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu). Có những ngày bệnh nhân đông, thì các bác sỹ vòng ngoài vẫn có thể hỗ trợ cho ca trực bên trong thông qua hệ thống này”.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều