Bác sĩ tuyến đầu chia sẻ sáng tạo chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Cùng với những kinh nghiệm chống dịch sẵn có, Việt Nam áp dụng sáng tạo nhiều giải pháp để chống dịch Covid-19 và đã bước đầu thành công.
Kinh nghiệm sống còn học từ dịch SARS
Chia sẻ tại tọa đàm “Tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19” ngày 28/2, khi nói về kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đánh giá, có thể thấy Việt Nam có bản lĩnh chống dịch và được rèn luyện từ lâu.
Ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam, các hệ thống chống dịch đã được khởi động, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Khi dịch xâm nhập vào nước ta, khi khởi đầu có thể có một số điểm chưa ổn nhưng ngay lập tức được rút kinh nghiệm và được điều chỉnh từ công tác tổ chức cách ly, truyền thông nguy cơ đến công tác tổ chức hậu cần, nhân sự chống dịch….
“Cứ mỗi một mùa dịch, chúng ta đều triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các tuyến, cho nên càng ngày các năng lực của các tuyến tham gia vào quá trình chống dịch ngày càng tốt lên”, BS Cấp nhìn nhận.
Riêng dịch Covid-19, có rất nhiều điểm gần với dịch SARS do cùng họ coronavirus. Do đó, những kinh nghiệm từ dịch SARS cũng hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam khi phòng chống dịch Covid-19.
“Một trong những kinh nghiệm sống còn của dịch SARS là việc chúng ta không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở. Do vậy, việc cách ly và điều trị có thể đưa về địa phương và thậm chí có thể đưa về đến phòng khám khu vực như ở Vĩnh Phúc và vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt”, BS Cấp chia sẻ.
Hơn nữa, do làm tốt thông tin nội bộ nên việc điều trị mặc dù ở các tuyến khác nhau nhưng quy trình điều trị và kỹ thuật không khác nhau nhiều do có sự liên kết, chuyển giao kỹ thuật cũng như tăng cường của tuyến trên cho tuyến dưới. Đó là những cái chúng ta thu được qua nhiều vụ dịch.
Ngoài ra, theo BS Cấp, năng lực chống dịch của quốc gia tăng lên là nhờ sự tham gia của tất cả người dân. Có thể thấy, qua mỗi mùa dịch, nhận thức của người dân đều tăng lên rõ rệt như việc rửa tay, đeo khẩu trang…
“4 tại chỗ” phát huy hiệu quả
Về phác đồ điều trị, BS Cấp khẳng định, đến nay hầu hết kiến thức về bệnh Covid-19 tại Việt Nam thu nhận được từ các nghiên cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Vì vậy, phác đồ điều trị của Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hoàn toàn thống nhất với nhau, không có gì khác biệt. Tuy nhiên, khi áp dụng cụ thể trên thực tế, chúng có những điểm sáng tạo.
BS Cấp dẫn chứng, phương châm phòng dịch của Trung Quốc là áp dụng “4 sớm” và “4 tập trung”, gồm: “Phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm, điều trị sớm” và “tập trung người bệnh, tập trung chuyên gia, tập trung tài nguyên, tập trung cứu chữa”.
Trong khi đó, Việt Nam áp dụng 4 tại chỗ: Cách ly tại chỗ, điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ và vật tư tại chỗ.
“Không phải là cái nào ưu thế hơn cái nào mà “4 tập trung” phù hợp hơn với hoàn cảnh của Trung Quốc và “4 tại chỗ” phù hợp hơn với hoàn cảnh của Việt Nam”, BS Cấp nói.
Hay việc sử dụng các khu cách ly mở phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết của Việt Nam, nhưng với Vũ Hán, cách ly mở sẽ rất lạnh. Do đó Vũ Hán bắt buộc phải sử dụng phòng áp lực âm hoặc khu cách ly áp lực âm.
Đó chính là một vài áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam so với hướng dẫn và phác đồ của các nước lân cận.
Theo BS Cấp, kinh nghiệm trong việc điều trị 16 ca nhiễm Covid-19 đợt này cũng như trước kia với các ca điều trị dịch SARS hoặc các dịch bệnh khác đã từng xảy ra ở Việt Nam cho thấy ngành y tế Việt Nam có đủ năng lực để đối phó với những tình huống phức tạp cũng như các bệnh nhân nặng, khó.
Tuy nhiên, kinh nghiệm qua tất cả các mùa dịch vừa qua là việc khống chế thành công đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như của mọi người dân.
“Đến thời điểm hiện tại, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào năng lực dự phòng của toàn ngành y tế. Tuy nhiên mọi thành công cần phải có sự chung tay đóng góp của người dân”, BS Cấp nhấn mạnh.
BS Cấp khuyến cáo, với tình hình hiện tại, người dân có thể bình tĩnh, tự tin nhưng không được chủ quan khi dịch đã lan rộng tới hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Trung Quốc, chỉ 1 trường hợp trốn cách ly, đã phải giám sát 4.000 người, 1 bệnh nhân của Hàn Quốc không chấp hành cách ly đã lây ra vài chục người và có thể con số chưa dừng lại ở đó nên việc chung tay phối hợp của mọi người dân đặc biệt quan trọng.
Với những nỗ lực, thành công bước đầu, WHO và CDC Mỹ đánh giá rất cao các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị và bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với cộng đồng quốc tế.
Thúy Hạnh/IFN