Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói về cách xác định mình có phải F0 hay không?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chỉ khi nào bạn tuyệt đối không tiếp xúc với ai một thời gian dài, kể cả người thân, hoặc người thân của bạn đều mới xét nghiệm và âm tính hết sau lần tiếp xúc cuối, bạn mới có thể chắc chắn 100% mình không phải F0.
Cho dù bạn có nắm rõ mọi triệu chứng của bệnh Covid-19, vẫn phải nhớ trong căn bệnh này vẫn có thể có rất nhiều người mắc bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, lướt qua mà không hay, có thể chiếm tới 60%-70% các F0. Vì vậy, dù người đối diện bạn có khỏe mạnh tuyệt đối, cũng chưa chắc họ không phải là F0.
Cho nên thực tế là không có cách nào nhận diện chắc chắn ai là F0 trong một đám đông bạn bước vào, cũng như chính bạn cũng khó biết mình có phải là F0 hay không nếu vẫn ra ngoài, vẫn đi làm. Nếu bạn không tuân thủ chặt Chỉ thị 16, vẫn nói chuyện với hàng xóm, vẫn giao tiếp với bạn bè, qua nhà họ hàng thăm viếng…, nguy cơ bạn là F0 hay tiếp xúc với F0 càng cao.
Nếu vẫn phải đi làm, phải ra đám đông, bạn cần làm gì?
Đầu tiên là 5K đúng, trong đó ngoài khẩu trang nên thêm kính che giọt bắn. Nếu bạn đang thực hiện các công việc thiện nguyện, phải đi vào khu vực nguy hiểm, nhớ bảo hộ đúng, tuân thủ đúng các thao tác được ngành y tế hướng dẫn. Tất cả vừa bảo vệ bạn khỏi nguy cơ từ cộng đồng, vừa bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ từ bạn.
Nếu phải ra ngoài, khi về nhà, nên hạn chế tiếp xúc với người thân, nhất là khi nhà bạn có đối tượng nguy cơ: cha mẹ già, người có bệnh nền. Tạm thời mỗi người một mâm cơm riêng, vì khi ăn chung rất dễ lây, hạn chế tham gia mọi sinh hoạt cùng gia đình. Về đến nhà nên rửa tay, tắm rửa, thay quần áo trước, rồi làm gì thì làm.
Ngược lại nếu bạn sống một mình hoặc cả gia đình bạn không ai ra ngoài đã lâu, khi nhận hàng bảo đảm nguyên tắc người giao đặt ở một vị trí trung gian, họ đi rồi bạn mới ra lấy, có đeo khẩu trang, rửa tay cẩn thận sau khi chạm vào món hàng…; đừng vội hoảng hốt nếu tự dưng người mệt mệt.
Mọi xét nghiệm âm tính đều chỉ có giá trị vào thời điểm đó, cho bạn biết từ lúc đó trở về trước, bạn chưa bệnh hoặc bệnh mà đang ủ, chưa lây được cho ai. Nên nếu như chỉ ở nhà thì không cần lo lắng mua cả mớ xét nghiệm về làm liên tục, còn nếu đã ra ngoài thì cho dù xét nghiệm rồi vẫn nên tự nhắc nhở mình là người có nguy cơ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM)