Bác sĩ nói gì về nỗi sợ tiêm vắc xin Covid-19?
Nhận thấy nhiều người trong đó có bạn trẻ lo lắng đến mất ăn mất ngủ và thậm chí không dám tiêm vắc xin Covid-19, các bác sĩ trẻ và giảng viên ngành y khuyên “hãy đi tiêm, đừng sợ!”
Các bác sĩ đưa ra lời khuyên về tiêm chủng vắc xin Covid-19 và chia sẻ suy nghĩ về các biện pháp phòng chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp tại TP.HCM.
Hãy tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi có cơ hội
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long Quân (29 tuổi) đang làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhận xét: “Việt Nam đang áp dụng khá tốt các biện pháp chống dịch, kết hợp với tiêm vắc xin thì sẽ sớm ổn thôi. Chúng ta đã có chiến lược phòng chống dịch đúng đắn ngay từ đầu, không để mất kiểm soát như một số nước”.
“Giai đoạn tiếp theo, quan trọng nhất vẫn là vắc xin. Nếu mọi người được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ và tiếp tục áp dụng linh hoạt cách phòng chống dịch thời gian qua thì sẽ ổn”.
Trước các thông tin về việc tiêm vắc xin sẽ xảy ra những biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong, nhiều người dân, trong đó có bạn trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và e dè.
“Tất nhiên, tiêm bất cứ loại vắc xin nào cũng có thể xảy ra biến cố từ nặng đến nhẹ. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy được lợi ích của vắc xin mang lại và không nên vì tỷ lệ rất thấp các biến chứng mà từ chối tiêm khi có cơ hội”, bác sĩ Võ Thành Nghĩa, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM – công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nói.
Bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh tiêm chủng để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng nên mọi người hãy đi tiêm vắc xin ngay khi có cơ hội và “đừng sợ hãi”.
“Khi có một biến cố xảy ra ở một người sau tiêm vắc xin, chúng ta cần bình tĩnh đánh giá xem có liên quan đến vắc xin hay không. Có trường hợp đột quỵ không may xảy ra trùng vào thời điểm sau tiêm chứ không liên quan đến vắc xin Covid-19”, bác sĩ Nghĩa lưu ý.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đặt phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó và đã có kinh nghiêm xử lý các ca có phản ứng phụ nên khả năng đảm bảo an toàn càng cao.
“Vắc xin giúp chúng ta giảm tỷ lệ nhập viện, giảm triệu chứng nặng nếu mắc bệnh chứ không phải hoàn toàn bảo vệ chúng ta khỏi bệnh. Do đó, mọi người vẫn phải đảm bảo 5K sau khi chích ngừa vắc xin”, bác sĩ Nghĩa nói.
Đồng quan điểm trên, NCS-Ths Phạm Minh Nhựt, giảng viên Bộ môn Cấp cứu ngoại viện, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khuyên người dân hãy tiêm vắc xin Covid-19 ngay khi có cơ hội.
“Hiện nay, vắc xin là một trong những biện pháp và là lá chắn giúp người dân TP.HCM chiến thắng dịch Covid-19. Những trường hợp có bệnh nền, tiền sử dị ứng… sẽ được khám sàng lọc và tiêm tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện về hồi sức cấp cứu ban đầu. Các điểm tiêm luôn có đội ngũ y bác sĩ túc trực, kịp thời xử lý các tình huống sau tiêm, nên mọi người hoàn toàn có thể yên tâm”, bác sĩ Nhựt nói.
Có nên tự uống thuốc giảm đau hạ sốt trước khi tiêm?
Theo thạc sĩ Phạm Minh Nhựt, tự uống thuốc giảm đau, hạ sốt và thuốc kháng dị ứng trước khi tiêm để giảm việc bị tác dụng phụ của vắc xin là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tầm soát sàng lọc trước khi tiêm, bao gồm khó xác định triệu chứng mắc Covid-19. Do đó, người dân không nên tự ý uống thuốc mà hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi đi tiêm.
“Sống chung với dịch” chỉ có thể thực hiện được khi đại đa số hoặc tất cả người dân đã được tiêm vắc xin và người dân vẫn phải luôn có ý thức tuân thủ quy tắc 5K, theo thạc sĩ Nhựt.
Bên cạnh đó, thạc sĩ Nhựt kêu gọi người dân hãy chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ cho các người mắc Covid-19, không nên kỳ thị mà và cần có sự hiểu biết đúng đắn để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cách ly F1 tại nhà: Cần ý thức cao của người dân
Bác sĩ Võ Thành Nghĩa cho rằng số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở TP.HCM như hiện nay và nếu số lượng người thuộc diện F1 ngày càng tăng thì điều này sẽ gây quá tải đối với y bác sĩ cũng như các lực lượng hỗ trợ.
“Chính vì thế, cách ly F1 tại nhà là một chủ trương rất phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, khi số F1 ngày càng nhiều. Điều này làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có, giảm gánh nặng lên lực lượng tổ chức cách ly và ngành y tế, giảm ngân sách của nhà nước”, bác sĩ Nghĩa nhìn nhận.
Việc cách ly F1 tại nhà, theo bác sĩ Nghĩa, nếu ý thức của người dân không cao thì nguy cơ rất lớn. “Thời gian qua có nhiều F1 trốn khỏi khu cách ly, có người trèo tường ra ngoài mua đồ mà không nghĩ đến hậu quả cũng như sự vất vả của đội ngũ y tế. Do đó, tự cách ly tại nhà đòi hỏi ý thức của người dân rất lớn và cần có sự giám sát của lực lượng chức năng tại địa phương”, bác sĩ Nghĩa lưu ý.
Bác sĩ Nghĩa đề xuất áp dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng giám sát, chẳng hạn dùng công nghệ định vị trường hợp F1. “Trường hợp F1 cần phải ký cam kết tuân thủ cách ly tại nhà. Nếu không đảm bảo quy định thì họ sẽ bị chuyển sang khu cách ly có thu phí và bị phạt kịch khung, bồi thường kinh phí chống dịch nếu có”, bác sĩ Nghĩa gợi ý.
Trong khi đó, bác sĩ Kim Phúc Thành (32 tuổi), đang làm việc tại Bệnh viện Q.Thủ Đức, cho rằng: “Tôi không thực sự tin tưởng về biện pháp cách ly tại nhà vì chỉ cách ly tập trung mới có thể giám sát F1. Chúng ta không thể đảm bảo F1 có ở yên trong nhà và thực hiện đúng quy định cách ly hay không và không thể kiểm soát 24/24. Nếu F1 trở thành F0 và đi lung tung thì nguy cơ vỡ trận là rất lớn”.
Riêng các trường hợp F0 thì vẫn phải nhập viện theo dõi và chữa trị, không thể để tự chữa trị tại nhà vì nếu họ không tuân thủ việc cách ly thì việc lây nhiễm còn lan rộng hơn, dẫn đến không thể kiểm soát dịch bệnh, theo bác sĩ Nghĩa.
Mỹ Quyên