Bác sĩ Hà Nội cảnh báo về dấu hiệu lạ trên móng tay của bệnh nhân Covid-19
Theo TS.BS Tuấn, các F0 khỏi bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng như vị giác kém, mất ngủ, đau đầu… Ngoài ra, một triệu chứng khác có thể xuất hiện trên móng tay của người bệnh, đặc biệt là trong thời gian hồi sức.
‘Móng tay Covid’
Nhắn tin bày tỏ sự lo lắng với TS.BS Hoàng Thanh Tuấn là một người phụ nữ ở TP.HCM. Chị chia sẻ, con chị sau khi khỏi Covid-19, trên tay xuất hiện những vết lạ. “F0 mới khỏi bệnh, xuất hiện vết sọc trên móng tay có nguy hiểm không?”, chị hỏi bác sĩ.
Đó chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân hỏi TS.BS Tuấn chia sẻ về dấu vết lạ trên móng tay sau khi khỏi Covid-19. Theo TS.BS Tuấn, các F0 khỏi bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng như vị giác kém, mất ngủ, đau đầu… Ngoài ra, một triệu chứng khác có thể xuất hiện trên móng tay của người bệnh, đặc biệt là trong thời gian hồi sức.
Khi xuất hiện dấu vết trên móng tay, các bệnh nhân vô cùng lo lắng. Đây có thể được xem như tác dụng phụ “còn sót lại”, hoặc là cách cơ thể đối phó với sự lây nhiễm virus ở mức độ lớn.
Theo TS.BS Tuấn, dấu hiệu “móng tay Covid” xuất hiện trong một số ngày, kéo dài vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng sau khi F0 chiến đấu với căn bệnh. Dấu hiệu này thể hiện cơ thể người bệnh đã trải qua quá trình chống lại tình trạng nhiễm khuẩn, phá hủy mạch máu, nguy cơ đông máu cao.
Bác sĩ Tuấn cho biết, có 3 dạng hình thái “móng tay Covid”, gồm các đường kẻ ngang, lõm ngang móng; các hình “nửa vầng trăng đỏ”; móng có đường Mees (dạng vân) ngang hoặc dọc.
Hiện tượng này có thể xuất hiện không chỉ ở móng tay mà còn cả ở ngón chân. Dấu hiệu đặc trưng nhất của hiện tượng này là các “rãnh”, thường có màu trắng, chạy dọc trên móng tay của người bệnh.
“Móng tay Covid” không tồn tại mãi nên mọi người không phải lo ngại, nó sẽ phục hồi dần sau khoảng 6 tháng. Dấu hiệu này cũng không nguy hiểm. Mọi người có dấu hiệu “móng tay Covid” nên dưỡng móng nhiều và hạn chế sử dụng hóa chất”, TS.BS Tuấn hướng dẫn.
Trên thế giới, hiện tượng này cũng được ghi nhận và được xem là do tác dụng phụ của Covid-19. Nó có thuật ngữ y học riêng, được gọi là “đường Beau”.
Tuy rằng nguyên nhân cụ thể của việc xuất hiện các đường Beau ở bệnh nhân Covid-19 vẫn chưa được xác định rõ, các chuyên gia tin rằng việc trải qua căng thẳng hoặc bệnh tật gây nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng của móng tay.
Rụng tóc sau khi khỏi Covid-19
Cũng theo TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, rụng tóc cũng là một biểu hiện dễ gặp ở người bệnh khỏi Covid-19.
“Khoảng 20% hoặc hơn số người nhập viện vì Covid-19 có triệu chứng rụng tóc 3 đến 6 tháng sau khi xuất viện. Một số nghiên cứu cho thấy rằng với những người có triệu chứng nhẹ hơn, rụng tóc sau Covid-19 thậm chí còn thường gặp hơn”, TS.BS Tuấn nói.
TS.BS Tuấn phân tích, có nhiều lý do dẫn đến việc bị rụng tóc, stress là một nguyên nhân thường gặp. Nó thường xuất hiện 3 tháng sau khi có một sự kiện gây stress không mong muốn và triệu chứng rụng tóc này có thể kéo dài đến 6 tháng. Nhiễm Covid-19 có thể ảnh hưởng tới mọi người bằng nhiều cách thức khác nhau. Nhiễm Covid-19 có thể gây stress về mặt cảm xúc và thể chất, dẫn đến sự tiến triển của các kết quả xấu khácrụng tóc.
“Chưa có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 trực tiếp gây ra tình trạng rụng tóc. Rụng tóc không liên quan đến điều trị Covid-19, đúng hơn là, rụng tóc gây ra bởi stress khi nhiễm bệnh”, BS Tuấn chia sẻ.
Vậy làm thế nào để phát hiện mình đang mắc chứng rụng tóc, BS Tuấn cho biết: “Mỗi ngày người bình thường rụng 100 sợi tóc. Ở những người tiến triển rụng tóc, có thể rụng hơn 300 cọng tóc mỗi ngày hoặc hơn và tiến triển sau nhiều tháng. Bạn cần chú ý những sợi tóc có thể rơi ra khi chải răng hoặc khi gội đầu. Bạn có thể phát hiện mái tóc của bạn mỏng dần đi”.
Trong vòng 2-3 tháng sau sự kiện gây stress, tóc bắt đầu rụng. Tóc sẽ mọc lại sau khi chúng ta trải qua tình trạng rụng tóc (telogen effluvium), thường mất 3-6 tháng để mọc lại. Để ngăn ngừa rụng tóc do stress, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng tốt, kiểm soát stress và chăm sóc tóc.
“Tóc cần dinh dưỡng tốt để phát triển và khỏe mạnh, đặc biệt protein và các vitamin, khoáng chất. Cho dù sử dụng thực phẩm bổ sung hay thông qua bữa ăn, bạn cần có đủ các chất: Protein, Sắt, Vitamin D, Vitamin C, Kẽm, Acid Folic và Vitamin B12”.
Stress có thể gây những triệu chứng về mặt thể chất và cảm xúc, rất khó để học kiểm soát stress. Bệnh nhân nên tập thể dục, thiền; Ngủ sâu từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và trao đổi với bác sĩ về cách kiểm soát stress…
TS.BS Tuấn cũng khuyên nên tránh kiểu tóc gây co kéo sợi tóc như buộc tóc đuôi gà hoặc tết tóc quá chặt. Đồng thời, bạn cũng nên tránh nhiệt độ quá mức hoặc sử dụng quá nhiều hóa chất lên tóc.
“Bạn cần kiên nhẫn và chờ đợi, tóc sẽ quay trở lại nhưng sẽ mất thời gian. Nếu tóc rụng kéo dài hơn 6 tháng, có các triệu chứng như rụng tóc thành mảng, ngứa ngáy và các kích thích khác bạn nên đến gặp bác sĩ”, TS.BS Tuấn khuyên.
Ngọc Trang