+
Aa
-
like
comment

Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu trẻ em mắc Covid-19 chuyển nặng

18/02/2022 11:32

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông thường khi trẻ mắc COVID-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, tỷ lệ rất nhỏ trẻ phải vào viện khám. Trẻ em là F0 khi chuyển nặng sẽ có biểu hiện dưới đây. 

Trẻ ở thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa oxy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…

Dấu hiệu chuyển nặng của trẻ là thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, đầu chi, chi lạnh tái, nổi vân tím…

Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu trẻ em mắc COVID-19 chuyển nặng. Ảnh minh họa.

Trẻ chăm sóc tại nhà gồm 2 nhóm chính. Thứ nhất là trẻ mắc bệnh đã được điều trị tại cơ sở y tế, được ra viện theo dõi tiếp tại nhà, dù vẫn còn dương tính (nhóm này ngày càng nhiều). Thứ hai là trẻ mới mắc bệnh, mức độ nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ diễn biến bệnh nặng.

“Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện; điều trị các triệu chứng thông thường giống như cảm cúm, sốt virus và tránh lây nhiễm chéo trong gia đình”, BS Hiếu nói.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo phụ huynh trong trường hợp cần đưa con đến bệnh viện hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để trẻ được thăm khám kịp thời. Cha mẹ cần tránh tình trạng “lựa chọn bệnh viện” không cần thiết vì Bộ Y tế đã giao các bệnh viện/ viện nhiệm vụ thăm khám, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

Dấu hiệu trẻ em mắc COVID-19 chuyển nặng - 1
Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại Việt Nam.

Trẻ khi mắc COVID-19 thường có bệnh cảnh nhẹ hơn người lớn, song vẫn xuất hiện một số nguy cơ gây tăng nặng. Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất là trẻ thở nhanh, kém ăn, thậm chí vẫn ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 tụt ở mức 94-95% khi thở khí trời.

Theo đó, trẻ mắc COVID-19 dễ bị nặng nếu như gặp các vấn đề như trẻ sinh non, cân nặng thấp, mắc tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì, bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản co thắt, bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, HIV, điều trị corticoid kéo dài, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh hồng cầu hình liềm…

“Đây là những yếu tố nguy cơ có thể làm bệnh nặng lên, còn lại nhiều trường hợp phải căn cứ vào triệu chứng và xét nghiệm lâm sàng để quyết định có cần cho trẻ nhập viện hay không”, PGS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Quỳnh Anh 

Bài mới
Đọc nhiều