+
Aa
-
like
comment

Bắc Kinh dường như đang run rẩy: Oằn mình trong nắm đấm của Samurai

05/04/2021 14:47

Nỗi lo sợ lớn nhất của Trung Quốc đang thành hiện thực. Bắc Kinh dường như đang run rẩy – TFI nhận định.

Trung Quốc thị uy khả năng cô lập Đài Loan nếu xung đột

Theo các nhà phân tích tại Bắc Kinh và Đài Bắc, Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống Mỹ và Nhật Bản can dự vào cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan. Gần đây, Bắc Kinh đã tổ chức nhiều cuộc tập trận bằng máy bay chiến đấu quanh đảo Đài Loan nhằm thị uy khả năng cô lập hòn đảo này từ những nguồn tương trợ bên ngoài.

Trong khi đó, Nhật Bản đang thể hiện rằng họ tích cực hỗ trợ về ngoại giao, quân sự và khuyến khích các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trỗi dậy chống lại sự hiếu chiến của Trung Quốc. Vài ngày trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ trong trường hợp nổ ra giao tranh quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục không công nhận và tôn trọng các vùng lãnh thổ, cũng như vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, Tokyo không muốn duy trì tâm thế chỉ phòng thủ nữa.

Thứ Ba tuần trước, tờ Global Times của Trung Quốc thông báo, quân đội Trung Quốc (PLA) đang “tiếp tục nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bằng cách thực hiện các cuộc tập trận thường xuyên với mức độ phức tạp và thực tiễn cao hơn, đồng thời tính đến các tình huống có sự can thiệp của Mỹ-Nhật”.

Theo giới quan sát, các cuộc tập trận này dường như cho thấy Đài Loan đang bị bao vây ở 3 phía, đồng thời đây cũng là lời cảnh báo trực diện tới chính quyền Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ.

Một quan chức quốc phòng cấp cao tại Đài Bắc lưu ý tới “lập trường hung hăng” thể hiện trong cuộc tập trận sau khi 10 máy bay quân sự của Trung Quốc, trong đó có các chiến đấu cơ và trinh sát cơ, bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong ngày 29/3.

Quan chức quốc phòng Đài Loan Chang Che-ping cho biết, đội hình máy bay này là một phần trong “chiến dịch kết hợp” giữa lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc.

Sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo rằng, có thêm hai máy bay chiến đấu của PLA đi qua Hoa Đông và eo biển Miyako nằm giữa các đảo do Nhật Bản kiểm soát, Bắc Kinh đã thực hiện một đường bay giống như gọng kìm xung quanh Đài Loan.

Sau đó, một chiếc máy bay bay về hướng Tây Nam trước khi quay sang hướng Bắc và bay song song với bờ biển phía đông Đài Loan.

Một nghiên cứu từ Bắc Kinh cho hay, các chuyến bay tăng cường ở phía đông nhằm phô diễn năng lực tấn công của PLA vào đông Đài Loan, đồng thời “khóa chặt hòn đảo này, không để các lực lượng Mỹ-Nhật có cơ hội can thiệp”.

Trung Quốc xù lông vì nỗi sợ lớn nhất dần thành hiện thực: Oằn mình trong nắm đấm của Samurai - Ảnh 1.
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập hôm 26/2 (Nguồn ảnh: China Military Online)

Càng “xù lông”, Trung Quốc càng sợ?

Theo nhà phân tích an ninh cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc phòng & an ninh Đài Loan Su Tzu-yun, các cuộc xâm nhập gần đây của máy bay chiến đấu Trung Quốc vào vùng không phận đang được bảo vệ của Đài Loan chính là “tín hiệu chính trị” của Bắc Kinh.

Cuộc tập trận hôm 29/3 của Trung Quốc diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của một nhà ngoại giao Mỹ tới Đài Bắc. Trao đổi với tờ Newsweek, ông Su cho biết, sau khi hiệp ước bảo vệ bờ biển được ký kết giữa Mỹ-Đài vào ngày 26/3, Bắc Kinh đã “thể hiện sự giận dữ” bằng cách điều 20 máy bay chiến đấu về phía Đài Loan.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của “chiến dịch gọng kìm” mà Trung Quốc thi triển trong ngày 29/3, với sự tham gia của các máy bay chống tàu và chống ngầm, ông Su nhận định, thông qua cách thức đó, PLA muốn thể hiện khả năng cô lập Đài Loan nếu Mỹ và Nhật Bản có ý định hỗ trợ Đài Bắc trong tình huống bất ngờ xảy ra ở eo biển Đài Loan.

Trung Quốc xù lông vì nỗi sợ lớn nhất dần thành hiện thực: Oằn mình trong nắm đấm của Samurai - Ảnh 2.
Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan bay sát một máy bay ném bom H-6 của không quân Trung Quốc vào ngày 10/2 (Nguồn ảnh: Reuters)

Vị chuyên gia nói thêm rằng, việc máy bay do thám Trung Quốc xuất kích ở eo biển Bashi, phía nam Đài Loan cũng là một phần trong chính sách “chống tiếp cận/chống xâm nhập” nhằm ngăn Hải quân Mỹ tiến vào khu vực này từ Tây Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của ông Su, động thái đó cũng là tín hiệu tới Nhật Bản, bởi theo hiệp ước phòng thủ chung, Tokyo sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ Mỹ nếu Washington can thiệp vào cuộc xung đột ở Đài Loan.

Ông Su lưu ý rằng các máy bay của PLA đã bay qua những đảo nhỏ do Nhật Bản kiểm soát nằm dưới quyền quản lý của tỉnh Okinawa, qua đó Trung Quốc muốn chứng minh rằng họ cũng có thể “bao vây” các đảo của Nhật Bản.

Theo lộ trình bay của PLA do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố hôm 29/3, một trong các trinh sát cơ của Trung Quốc đã thực hiện đường bay quanh đảo Yonaguni của Nhật Bản, cách bờ biển phía đông Đài Loan chưa đầy 70 dặm.

Bắc Kinh nếm trái đắng: Sẽ không còn ai chịu mua vũ khí “đồng nát” của Trung Quốc?

Theo tờ Yomiuri Shimbun của Tokyo, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc phương án tăng cường sự hiện diện của quân đội Nhật Bản trên hòn đảo gần 1.700 dân này, trong bối cảnh căng thẳng quân sự ở khu vực đang gia tăng.

Trang tin TFI nhận định, Trung Quốc càng hung hăng, càng cho thấy nỗi sợ hãi bên trong của họ. Việc phải đối đầu với quân đội Nhật Bản trên đảo Đài Loan sẽ khiến Trung Quốc “lạnh sống lưng”.

Sự hình thành liên minh Mỹ-Nhật nhằm chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan cho thấy Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với một Nhật Bản đầy tự tin và mạnh mẽ, không chỉ tự bảo vệ mình mà còn dõi theo bất cứ động thái quá khích nào của Trung Quốc.

TFI cho rằng, cuộc tập trận quân sự mới đây nhất cho thấy Trung Quốc đang run rẩy trước những nỗi lo sợ mà Nhật Bản mang lại cho họ.

QS

Bài mới
Đọc nhiều