+
Aa
-
like
comment

Bác Hồ trong lòng đồng bào Tây Nguyên

19/05/2020 06:40

Chiến tranh chia cắt hai miền Nam – Bắc nên đồng bào Tây Nguyên chưa được đón Bác Hồ về thăm buôn làng của mình. Mặc dù vậy, trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, vẫn có nhiều người con của buôn làng Tây Nguyên được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện, dặn dò. Trong tâm trí của họ và đồng bào Tây Nguyên, Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là già làng kính yêu nhất của tất cả buôn làng giữa đại ngàn hùng vĩ.

Ông Lê Chí Quyết giới thiệu về tấm ảnh ông được chụp với Bác Hồ.

Ảnh Bác là kỷ vật thiêng liêng

Trong căn phòng khách của gia đình, ông Lê Chí Quyết (Hồ Miên), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, chọn những vị trí trang trọng nhất để lưu giữ những kỷ vật về Bác Hồ. Trong đó, kỷ vật mà ông trân quý nhất là tấm ảnh ông đứng cạnh Bác Hồ. Tấm ảnh được chụp năm 1966, lúc ấy ông Lê Chí Quyết 33 tuổi, là cán bộ chủ chốt tỉnh Đắk Lắk, được cho ra Bắc chữa bệnh và nghỉ dưỡng để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu lâu dài ở miền Nam.

“Lúc Đoàn cán bộ miền Nam mới đến nhà khách nghỉ ngơi thì hay tin Bác Hồ sẽ gặp để thăm hỏi tình hình miền Nam. Ai cũng háo hức, chuẩn bị tinh thần để báo cáo với Bác. Bản thân tôi cũng chuẩn bị để báo cáo với Bác về tinh thần chiến đấu của Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Nhưng không ngờ khi gặp, Bác chỉ hỏi đời sống của đồng bào Tây Nguyên thế nào? Bà con có đủ cơm ăn, áo mặc không? Có thiếu muối không? Bác nói: “Tình hình trên các chiến trường thì Bác nắm rồi, thông qua các cháu, Bác muốn tìm hiểu thêm về đời sống của bà con thôi”. Điều đó làm cho chúng tôi càng xúc động nghẹn ngào, không ngờ một người lãnh tụ đất nước thời chiến, trăm công nghìn việc, lại quan tâm đến cơm ăn, áo mặc của người dân như thế. Sau này tôi mới nghiệm ra, chính những điều đơn sơ, gần gũi, giản dị như thế đã làm nên một con người Hồ Chí Minh vĩ đại” – ông Quyết bồi hồi nhớ lại.

Trở về quê hương Đắk Lắk công tác, tình cảm của Bác, sự quan tâm, lo lắng của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên được ông kể lại với bà con, đưa hình ảnh của Bác đến gần hơn với buôn làng, củng cố thêm niềm tin của bà con với Đảng, với cách mạng. Bức ảnh chụp chung với Bác đã cùng ông Quyết đi khắp các chiến trường.

Còn với bà H’Yiêng Đak Chắt (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), tấm ảnh chụp với Bác Hồ như một kỷ vật thiêng liêng nhất của cuộc đời. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xã Đắk Phơi, quê hương bà H’Yiêng Đak Chắt là vùng căn cứ kháng chiến kiên cường của tỉnh Đắk Lắk. Trong hoàn cảnh đó, H’Yiêng Đak Chắt đã sớm tham gia cách mạng, trở thành cô giao liên dũng cảm, băng rừng, lội suối làm nhiệm vụ thông tin, liên lạc, dẫn đường cho cán bộ, bộ đội… Năm 1963, trong một lần gùi hàng tiếp tế cho bộ đội ngoài rừng, H’Yiêng Đak Chắt bất ngờ bị địch phục kích, trúng 3 phát đạn, bị thương nặng. Rất may là bà được ứng cứu, chữa trị kịp thời nên giữ được tính mạng. Sau đó H’Yiêng Đak Chắt được đưa ra miền Bắc để tiếp tục điều trị và học tập.

Ở Hà Nội, H’Yiêng Đak Chắt được học văn hóa cùng nhiều học sinh miền Nam khác. Tháng 3-1964, trong một buổi học, H’Yiêng Đak Chắt được nhà trường thông báo chuẩn bị đi gặp Bác Hồ. “Từ bé mình đã mơ ước được gặp Bác Hồ nhưng mình nghĩ đó chỉ là mơ ước thôi vì Bác ở xa quá. Vì thế khi nghe tin được gặp Bác, mình hồi hộp lắm. Khi thấy Bác bước ra cửa, ai nấy đều ùa đến vây quanh, muốn được đứng gần Bác. Thấy mình mặc đồ thổ cẩm, Bác biết mình đến từ Tây Nguyên. Bác ân cần hỏi han về đời sống đồng bào Tây Nguyên và dặn dò mình phải học thật giỏi để sau này về xây dựng buôn làng” – bà H’Yiêng Đak Chắt vừa kể vừa chỉ tay vào tấm hình mà bà được chụp chung với Bác. Rồi bà bảo rằng, tấm ảnh là tài sản quý nhất của mình.

Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên

Trong những người con của buôn làng Tây Nguyên, có lẽ nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê K’Đăm là một trong những người có nhiều dịp gặp Bác nhất. “Tôi là người Êđê của buôn làng Tây Nguyên nhưng sinh ra ở chiến khu Việt Bắc. Bố tôi là đại biểu Quốc hội (ông Y Ngông Niê K’Đăm – Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IX – PV), được sống và làm việc gần Bác Hồ, được Bác rất quan tâm chăm lo nên từ nhỏ tôi cũng thường xuyên được gặp Bác. Lúc đó tôi không nghĩ Bác là lãnh tụ của đất nước. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ sống xa quê hương như tôi thì Bác giống như ông nội của mình” – nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê K’Đăm nhớ lại.

Sau Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954, trở về Hà Nội, bà Linh Nga Niê K’Đăm học tại Trường Học sinh miền Nam. Bác Hồ cũng hay đến thăm, nói chuyện với học sinh, nên bà cũng có nhiều cơ hội được gặp Bác. Những kỷ niệm về Bác vẫn còn in đậm trong trí nhớ của bà: “Bác đến thăm trường, Bác không chỉ nghe lãnh đạo nhà trường báo cáo, không chỉ thăm hỏi tình hình sức khỏe, tâm tư, tình cảm của học sinh mà còn xuống tận nhà ăn, vào tận bếp để căn dặn các cô cấp dưỡng là phải lo cho các cháu ăn no để các cháu học tập tốt, sau này phục vụ đất nước”.

Bà Linh Nga Niê K’Đăm nhớ nằm lòng những lời căn dặn của Bác trong đó bà ấn tượng nhất là việc Bác nhắc nhở các học sinh dân tộc thiểu số phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thực hiện lời dạy của Bác, sau này trong suốt quá trình công tác, dù ở vai trò nào thì bà cũng hướng tới mục tiêu là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bên cạnh lĩnh vực văn học, báo chí, bà còn để lại dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa với nhiều công trình khoa học về nghệ thuật truyền thống của người dân tộc thiểu số, trường ca và sử thi… Riêng với âm nhạc, nhạc sĩ Linh Nga Niê K’Đăm là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Niềm tin trong tôi, Bình minh rừng cao su, Tình ca cao nguyên, Mưa cao nguyên…

Có thể thấy, sau khi được gặp Bác Hồ, những người con của núi rừng Tây Nguyên càng hiểu hơn tấm lòng của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên, đối với sự nghiệp cách mạng ở miền Nam; mỗi lời dặn dò của Bác đã tiếp thêm niềm tin, động lực để họ học tập, lao động, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Hơn thế nữa, những người may mắn được gặp Bác cũng làm tốt vai trò cầu nối, đưa những lời căn dặn, tình cảm yêu thương của Bác đến với đồng bào khắp các buôn làng Tây Nguyên. Tình yêu của Bác đối với Tây Nguyên như ngọn lửa truyền hơi ấm trong mỗi mái nhà Tây Nguyên, như mạch suối nguồn bền bỉ lan thấm mà dạt dào vô biên giữa lòng đại ngàn, tạo nên nguồn năng lượng mãnh liệt trong mỗi trái tim người con Tây Nguyên, góp phần cùng cả nước làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đúng như lời bài hát “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của nhạc sĩ Lê Lôi:

“Này chim có hay rằng ai thương ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên/ Bác Hồ sống mãi bên ta trong mỗi nhà bên nương rẫy thân yêu trong điệu sáo tiếng đàn T’rưng”.

Quốc Bảo/HNM

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều