+
Aa
-
like
comment

Bác bỏ hoàn toàn phát ngôn cho rằng Việt Nam ‘chiếm đảo’ của Trung Quốc

13/11/2019 17:00

Việt Nam bác bỏ hoàn toàn phát biểu ngang ngược của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng Việt Nam “chiếm đảo” của nước này.

Ngày 13.11, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 8.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8.11.2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”.

“Về vấn đề này, phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này”, bà Hằng nêu rõ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng /// Ảnh Ngọc Thắng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Bà Hằng cũng khẳng định lại chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Việt Nam mong muốn Trung Quốc cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của quan hệ hai nước, duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Trước đó, ngày 8.11, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “Việt Nam có thể xem xét các lựa chọn pháp lý để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, phản ứng của Trung Quốc là gì?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược cho biết: “Cốt lõi của vấn đề Biển Đông là vấn đề lãnh thổ, liên quan đến sự chiếm đóng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc bởi Việt Nam và các nước khác có liên quan”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói rằng, “Việt Nam cần tránh các hành động có thể làm phức tạp vấn đề hoặc làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Thứ được gọi là “quần đảo Nam Sa” thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng yêu sách bất chấp thực tế lịch sử và bằng chứng pháp lý.

Với yêu sách phi lý này, cùng với thứ mà Trung Quốc gọi là “Tứ Sa” (bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam), suốt gần 4 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống khảo sát trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Vũ Hân/Thanh Niên

Bài mới
Đọc nhiều