+
Aa
-
like
comment

Ba yếu tố khiến ‘Chiến tranh Lạnh’ Mỹ – Trung Quốc có thể thành ‘nóng’

04/06/2020 15:03

Thời gian qua, “Chiến tranh Lạnh” diễn ra dữ dội giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều mặt trận. Nếu một bên tính lầm, cuộc chiến đó có thể biến thành nóng.

Ngày nay, mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ là một mối đe dọa địa chính trị lớn. Nhiều cơ chế “tháo ngòi” căng thẳng đã vô tác dụng. Những cuộc chiến dữ dội đã diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, đầu tư, chuỗi cung ứng, báo chí, và kể cả đại dịch Covid-19. Giới ngoại giao của 2 nước nhiều khi dùng các lời lẽ nặng nề, phi ngoại giao để chỉ trích lẫn nhau. Thái độ của công chúng 2 nước cũng xấu đi đột ngột. Trong các chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ, chủ đề Trung Quốc thường được lôi ra tranh luận và chủ đề này hiện đang tiếp tục trở thành vấn đề trung tâm trong cuộc chiến giữa các ứng viên tổng thống Mỹ 2020.

ba yeu to khien "chien tranh lanh" my-trung quoc co the thanh "nong" hinh 1
Quốc kỳ Mỹ (trái) và Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg Quint.

Nhiều người Mỹ có vẻ quen với trạng thái “bình thường mới” về thế đối đầu gay gắt Mỹ-Trung Quốc nên có thể họ sẽ không ý thức về các rủi ro địa chính trị kéo dài và đang lớn dần giữa 2 nước, tương tự như đại dịch Covid-19 đã được cảnh báo qua dịch bệnh SARS trước đó nhưng nước Mỹ vẫn bị bất ngờ với số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng cao kỷ lục.

Vậy 3 điểm nóng địa chính trị có thể làm “nóng” cuộc “Chiến tranh Lạnh” hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc là gì?

Hong Kong

Quốc hội Trung Quốc mới đây đưa ra dự luật để “bảo vệ an ninh quốc gia” ở Hong Kong, đặt ra ngoài vòng pháp luật các hành động “ly khai, lật đổ hoặc can thiệp từ nước ngoài”.

Năm 2019 một dự luật tương tự cho phép dẫn độ từ Hong Kong về Trung Quốc đại lục đã kéo theo các cuộc biểu tình vào mùa hè và mùa thu. Trước các cuộc biểu tình này, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, đe dọa trừng phạt Trung Quốc, đồng thời gắn quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Hong Kong với mức độ tự trị cao.

Trong vấn đề Hong Kong, Bắc Kinh gia tăng sự quyết tâm và Washington cũng tỏ ra không kém. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhanh chóng cảnh báo rằng Mỹ sẽ trả đũa. Vào ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố quyết định của mình về việc rút Hong Kong khỏi quy chế kinh tế đặc biệt – một động thái mà nếu được thực thi đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới sự tồn tại và cạnh tranh của Hong Kong với tư cách một trung tâm tài chính tự trị cao.

Biển Đông

Chiến thuật “lấn từng bước” của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng việc đưa ra tuyên bố (phi lý, phi pháp – ND) rồi xây dựng các cơ sở (trái phép – ND) ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND) đã phá hoại các nỗ lực của cộng động quốc tế trong việc ngăn cản Trung Quốc xác lập chủ quyền phi pháp ở vùng Biển Đông.

Trong 3 năm qua, hai nước Mỹ và Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở khu vực này. Mỹ đã tăng tần suất và mức độ công khai trong các hoạt động tự do hàng hải của họ trong 4 tháng đầu tiên của năm 2020. Về phần mình, cũng trong thời gian đó, Trung Quốc đã ngang nhiên đâm chìm một tàu cá của Việt Nam, tuyên bố (phi pháp – ND) việc lập các quận hành chính ở hầu hết Biển Đông, và triển khai nhóm tàu sân bay tới đây để diễn tập.

Sau vụ Trung Quốc bắn hạ một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ vào năm 2001, hai bên đã thúc đẩy đối thoại chiến lược cấp cao và các mối quan hệ giữa quân đội 2 nước để phòng ngừa sự cố. Tuy nhiên trong 3 năm qua, các đối thoại và mối liên hệ này đã xấu đi khiến hai chính phủ mất đi các công cụ ngăn ngừa và kiểm soát khủng hoảng.

Đài Loan

Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) là giao điểm giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Đối với nhiều người ở Mỹ, Đài Loan có tầm quan trọng biểu tượng. Đối với nhiều người khác, Đài Loan là công cụ để họ “quấy rối” Trung Quốc.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Đài Loan có ý nghĩa vô cùng lớn. Việc đặt Đài Loan trên con đường “tái thống nhất” là chìa khóa cho “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” (học thuyết của ông Tập) và việc củng cố quyền lực của ông Tập.

Nhưng tình hình Đài Loan có nhiều diễn biến bất lợi cho Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn của Đài Loan đã tái đắc cử và bà này ủng hộ phe biểu tình ở Hong Kong và phản đối công thức đề xuất của Trung Quốc về “nhất quốc lưỡng chế” (1 quốc gia, 2 chế độ) để giải quyết vấn đề Đài Loan. Việc Đài Loan xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả một cách ấn tượng càng làm tăng thêm uy tín của vùng lãnh thổ này.

Mỹ đã có nhiều động thái ủng hộ Đài Loan như bán vũ khí cho vùng lãnh thổ này. Việc công bố thông tin nhà sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan sẽ xây một nhà máy chế tạo chất bán dẫn hiện đại trị giá 12 tỷ USD ở Arizona (Mỹ) diễn ra đồng thời với việc công bố một quy định không cho phép hãng Huawei (của Trung Quốc) được tiếp cận các thiết bị thiết yếu trong việc sản xuất chip. Cũng có các tin đồn cho rằng giới chức Mỹ đang tính đến các bước đi chưa từng có tiền lệ như là đưa tàu hải quân Mỹ ghé thăm các hải cảng Đài Loan hay triển khai thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên tới đây.

Trung Hiếu/ VOV

Bài mới
Đọc nhiều