+
Aa
-
like
comment

Bà Nguyễn Phương Hằng sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?

24/03/2022 20:09

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam – bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam vì tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.

Cách đây ít giờ, công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. VKSND cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Bị can Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan điều tra Công an TP.HCM – Ảnh: Công an TP.HCM

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là lý do vì sao bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt? Với tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân thì bà hằng có thể lãnh mức án bao nhiêu năm tù?

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015:

Điều 331: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Như vậy với tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân, bà Hằng có thể lãnh mức án cao nhất 7 năm tù. Tuy nhiên kết quả điều tra cuối cùng phải đợi cơ quan điều tra xác minh.

Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - ảnh 1
Xe của lực lượng chức năng đang có mặt tại nhà bà Nguyễn Phương Hằng trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM.

Theo Công an TP.HCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội tổ chức nhiều buổi livestream với nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác.

Trong đó, bà Hằng sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Quá trình điều tra, Công an TP.HCM cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung đông người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16-2-2022 đến ngày 29-4-2022.

Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - ảnh 2

Thời gian qua, bà Nguyễn Phương Hằng đã thu hút sự quan tâm của dư luận với một loạt sự kiện “nóng hổi” như “tố” ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, “gọi tên” nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, cho rằng họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020…

Bà Hằng khẳng định các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa… ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020.

Khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác minh và kết luận họ không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền và không khởi tố vụ án hình sự, bà Hằng tiếp tục livestream phản đối, nhục mạ họ.

Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - ảnh 3
Cơ quan chức năng có mặt tại nhà bà Nguyễn Phương Hằng

Bà Hằng cũng bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Vy Oanh, ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan… tố cáo về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - ảnh 4
Cổng nhà bà Nguyễn Phương Hằng mở cho ô tô chạy vào và đóng lại ngay. Ảnh: N.Y

luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá động thái của Công an TP.HCM khi áp dụng Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 để cáo buộc bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, là có căn cứ.

Theo luật sư, từ Hiến pháp đến hệ thống pháp luật của Việt Nam đều quy định mọi công dân ai cũng có quyền tự do ngôn luận, được nói những gì mình nghĩ. Tuy nhiên, tự do ngôn luận đó phải tuân thủ pháp luật.

“Hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thường được diễn ra trên không gian mạng, qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức tương đương”, luật sư phân tích.

Theo luật sư, đối tượng mà người có hành vi vi phạm các quy định của Điều 331 hướng đến thường đối với những không gian có đông người như mạng xã hội hoặc một sự kiện tập thể nên tạo ra sức lan truyền rất nhanh và khủng khiếp.

Luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh người bị cáo buộc phạm tội theo Điều 331 sẽ phải thỏa mãn hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

“Như vậy, khi một người có hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước hoặc những lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân thì có thể gây hậu quả rối loạn xã hội”, luật sư Tuấn Anh bổ sung.

Theo ông, việc bà Hằng bị khởi tố là hệ quả tất yếu sau hàng loạt sự kiện gây xôn xao mạng xã hội của nữ Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam. Luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh những sai phạm của bị can này.

Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - ảnh 5
Một số công an phường có mặt để đảm bảo an ninh trạt tự trước khu vực nhà bà Hằng. CSGT cũng có mặt yêu cầu đám đông giải tán bớt.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích những biểu hiện của hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện rất đa dạng.

Theo luật sư Cường, đó là các hành vi chửi bới, xúc phạm người khác; thu thập, sử dụng trái phép thông tin của cá nhân; bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; đe dọa, uy hiếp tinh thần ai đó. Những hành vi sẽ bị xem xét xử lý hình sự nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ông Cường dẫn chứng trong nhiều buổi livestream trên mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng từng bày tỏ các quan điểm, thái độ của bản thân và đưa ra rất nhiều thông tin gây bất ngờ. Nữ bị can còn lên mạng tố cáo nhiều cá nhân khi cho rằng họ ăn chặn từ thiện, có lối sống thiếu chuẩn mực.

“Một số nội dung đã được cơ quan chức năng kết luận là không đủ căn cứ. Nhiều người cũng gửi đơn thư tố cáo nữ doanh nhân này về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, sau khi khởi tố bị can và bắt tạm giam, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi cụ thể xảy ra ở thời gian, không gian nào; hành vi đó xâm phạm đến lợi ích nào của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức nào, cá nhân nào. Đồng thời, nhà chức trách sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại để xác định hành vi phạm tội và hậu quả.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều