+
Aa
-
like
comment

Ba lý do khiến Việt Nam đặc biệt trong chính sách của Nhật Bản

18/10/2020 06:33

Các chuyên gia đồng tình rằng ông Suga sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao của người tiền nhiệm Shinzo Abe, trong đó nhấn mạnh vai trò của ASEAN đối với sự ổn định của khu vực.

Thủ tướng Suga Yoshihide

Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ đến thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Chuyến thăm dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 21/10.

PV có cuộc trao đổi với các chuyên gia quốc tế về ý nghĩa sự kiện này đối với quan hệ Việt – Nhật cũng như thông điệp đến khu vực và thế giới.

Nhìn chung, các chuyên gia đồng tình rằng ông Suga sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao của người tiền nhiệm Shinzo Abe, trong đó nhấn mạnh vai trò của ASEAN đối với sự ổn định của khu vực. Hợp tác an ninh, bao gồm an ninh biển, dự kiến là một chủ đề quan trọng trong chuyến thăm, theo các chuyên gia.

Thông điệp của ông Suga

– Tokyo muốn gửi đi thông điệp gì khi Thủ tướng Suga chọn Việt Nam cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức?

Tiến sĩ Yasuyuki Ishida (nhà nghiên cứu phụ trách an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Nhật Bản – JIIA ở Tokyo): Việt Nam là chủ tịch ASEAN trong năm nay, vì vậy chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Suga thể hiện việc tiếp tục ủng hộ và duy trì quan hệ đối tác giữa Nhật Bản với ASEAN dựa trên đường lối ngoại giao của ông Abe và di sản của ông.

Thủ tướng Suga được bổ nhiệm làm thủ tướng mới sau ông Abe, người có chính sách đối ngoại và an ninh được lãnh đạo các cường quốc lớn và các quốc gia châu Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đánh giá cao. Thủ tướng Suga rất được ông Abe tin tưởng và ông Suga sẽ bước tiếp con đường chính sách của ông Abe với sự cố vấn của người tiền nhiệm.

Mọi người hầu như đều biết đến chính sách ủng hộ ASEAN của ông Abe, việc ông đi thăm toàn bộ các nước Đông Nam Á và nhiều sáng kiến hợp tác với ASEAN. Do không có kinh nghiệm làm ngoại trưởng, Thủ tướng Suga phải tạo ấn tượng rằng chính sách ngoại giao của ông chắc chắn sẽ đi theo đường lối của ông Abe.

Chuyến thăm Việt Nam, cũng như Indonesia, của Thủ tướng Suga có lẽ có ý nghĩa đặc biệt trong việc thể hiện lập trường rõ ràng của Nhật Bản kể từ khi học thuyết Fukuda ra đời. Đó là Tokyo ủng hộ ASEAN với tư cách một đối tác bình đẳng và thân thiện.

Ngoại giao Nhật Bản hiểu rõ mối quan tâm của các nước Đông Nam Á về Nhật Bản cũng như việc chúng tôi vươn lên về kinh tế sau những năm 1960. Vì vậy, Nhật Bản đã phát triển quan hệ đối tác bình đẳng và toàn diện với các nước Đông Nam Á thông qua các cơ chế tham vấn như Hội nghị cấp cao Nhật Bản – ASEAN, cũng như nhiều khuôn khổ khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, bên cạnh hợp tác song phương.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Aizawa Nobuhiro (giáo sư tại Đại học Kyushu, Nhật Bản, đồng thời là chuyên gia tại Trung tâm Wilson, Mỹ): Chuyến thăm của Thủ tướng Suga gửi thông điệp rõ ràng là Nhật Bản cam kết tiếp tục mối quan hệ lâu dài với Việt Nam. Việt Nam có 3 lý do để trở thành một đất nước đặc biệt với Nhật Bản.

Đầu tiên, trong số các đối tác lớn của Nhật Bản thì Việt Nam là nước có số người chuyển đến sống và làm việc tại Nhật Bản gia tăng nhanh nhất. Cho đến 2020, khoảng 420.000 người Việt đang sống tại Nhật.

Người Việt đã trở thành một cộng đồng quan trọng với xã hội Nhật Bản. Tác động của dịch Covid-19 khiến dòng dịch chuyển cư dân này tạm dừng, nhưng đó chỉ là về ngắn hạn. Chuyến thăm của Thủ tướng Suga đến Việt Nam chính là thông điệp là chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ lâu dài này.

Thứ hai, Việt Nam là một trong những điểm đến có tăng trưởng nhanh nhất đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản. Trong khi chuỗi cung ứng Nhật Bản đang tăng cường và củng cố mạng lưới ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị khu vực có nhiều biến động, chuyến thăm của Thủ tướng Suga sẽ thúc đẩy xu hướng này.

Thứ ba, chuyến thăm cũng là thông điệp chứng tỏ Nhật Bản xem ASEAN là nền tảng trong chiến lược ngoại giao của nước này. Nhật Bản tán thành về tính trung tâm của ASEAN và vai trò của khối như vũ đài quan trọng để đàm phán về những biến động trật tự khu vực.

Việc ông Suga chọn thăm Việt Nam phản ánh niềm tin và kỳ vọng của Tokyo vào những sang kiến của Việt Nam để tăng cường vai trò của ASEAN trong khu vực.

Hợp tác về an ninh biển

– Chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào đối với quan hệ Việt Nam – Nhật Bản?

Tiến sĩ Yasuyuki Ishida: Nhật Bản ủng hộ và hợp tác với Việt Nam trong vấn đề an ninh trên biển, đặc biệt là Biển Đông.

Ngay sau khi Thủ tướng Suga nhậm chức, ông đã điện đàm với lãnh đạo các đối tác hàng hải quan trọng: Mỹ, Australia và Ấn Độ. Thủ tướng Suga cũng bổ nhiệm ông Nobuo Kishi, em trai Thủ tướng Abe, làm bộ trưởng Quốc phòng – ông Kishi được biết là đến là chuyên gia quốc phòng ủng hộ Đài Loan.

Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc hợp tác thúc đẩy an ninh trên biển. Vì vậy, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Ông Suga (giữa) cùng ngoại trưởng các nước Bộ Tứ (từ trái qua: Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ) tại Tokyo hôm 6/10. Ảnh: AFP.

Giáo sư Zachary Abuza (chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh thuộc Đại học Quốc phòng, Mỹ): Tôi rất vui khi biết Thủ tướng Suga thông báo điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông là Việt Nam. Nhật Bản đã phát triển quan hệ với Việt Nam, bao gồm quan hệ hợp tác an ninh, trong nhiều năm.

Ông Suga từng là chánh văn phòng nội các dưới thời Thủ tướng Abe nên ông là một trong những nhân vật trung tâm phát triển chính sách hợp tác này. Ông sẽ tiếp tục những chính sách của người tiền nhiệm, bao gồm tạo điều kiện chuyển giao các tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển cho Việt Nam và Mỹ.

Tôi không nghĩ ra một nước nào khác mà Nhật Bản muốn xây dựng các quan hệ hợp tác quốc phòng ngoài Việt Nam, một quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á.

– Hợp tác an ninh, đặc biệt là an ninh biển, có vẻ sẽ là trọng tâm của chuyến thăm của Thủ tướng Suga?

– Tiến sĩ Yasuyuki Ishida: Chuyến thăm của Thủ tướng Suga sẽ tái khẳng định và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nhật Bản – Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Mối quan hệ song phương này đã nhanh chóng phát triển và ngày càng được củng cố.

Hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ vào năm 2023 và nhiều biện pháp khác nhau sẽ được thực hiện để tăng cường mối quan hệ.

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong lĩnh vực bảo vệ bờ biển và an ninh trên biển. Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của Nhật Bản cũng đang tăng lên. Giao lưu nhân dân và văn hóa ngày càng phát triển, bao gồm về số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ tái khẳng định hỗ trợ sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhu cầu kinh tế – xã hội khác của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Aizawa Nobuhiro: Một chủ đề làm việc chính trong chuyến thăm của Thủ tướng Suga đến Việt Nam là để ký kết với Hà Nội một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ và thiết bị. Đây là một trọng điểm trong hợp tác mở rộng Nhật – Việt.

Nhật Bản từng ký các thỏa thuận tương tự với Philippines và Malaysia. Và một thỏa thuận như vậy với Việt Nam là một cú hích để mở ra một giai đoạn quan hệ mới.

Giáo sư Zachary Abuza: Các tàu thuộc Lực lượng Tự vệ trên Biển Nhật Bản (MSDF) bắt đầu cập cảng Cam Ranh thường xuyên hơn kể từ năm 2016, khi cảng này “mở cửa” giao lưu với hải quân các nước. Đây là một tiến triển tốt đẹp đối với cả Việt Nam và Nhật Bản.

Ba tàu của MSDF vừa đến Cam Ranh để tiếp tế sau khi diễn tập trên Biển Đông. Tôi nghĩ cả Nhật Bản và Việt Nam đều có lợi ích chiến lược khi Nhật Bản tích cực tham dự nhiều hơn vào tình hình Biển Đông. Tôi cũng trông đợi những cuộc diễn tập chung giữa hai nước trong thời gian tới.

Trật tự dựa trên luật lệ

– Vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tokyo tại khu vực?

Tiến sĩ Yasuyuki Ishida: Sự hội nhập và đoàn kết của ASEAN là điều không thể thiếu để duy trì ổn định và trật tự khu vực ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việt Nam đóng vai trò quan trọng với vai trò chủ tịch ASEAN trong năm nay, và là quốc gia chủ chốt của khu vực Đông Dương/Mekong.

Nhật Bản là quốc gia biển hướng tới hòa bình, nên quan hệ đối tác chặt chẽ với Việt Nam, ASEAN và các đối tác khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an ninh, các tuyến hàng hải, ngoại giao và kinh tế của Nhật Bản.

Vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ Đông Á và trật tự khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhật Bản kỳ vọng hợp tác với Việt Nam và các đối tác cùng chí hướng khác như Mỹ và Ấn Độ nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Thủ tướng Abe tại Hà Nội năm 2017. Ảnh: Tiến Tuấn.

– Việc Nhật Bản vừa tổ chức hội nghị “Bộ Tứ” rồi Thủ tướng Suga sắp đi thăm hai nước Đông Nam Á cho thấy Tokyo kỳ vọng điều gì về tương lai khu vực?

Tiến sĩ Yasuyuki Ishida: Tokyo đã tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng Nhật Bản – Mỹ – Australia – Ấn Độ (được biết đến là nhóm “Bộ Tứ” – PV) lần thứ hai. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên ở cấp ngoại trưởng tại Nhật sau khi Covid-19 bùng phát.

Nhật Bản đã khởi xướng cái gọi là đối thoại an ninh “Bộ Tứ” để tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), cũng như an ninh hàng hải ở khu vực.

Nhật Bản và các đối tác khác không muốn thấy bất cứ xung đột trực tiếp nào xảy ra. Dù vậy, trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở dựa trên luật lệ phải dựa trên cân bằng quyền lực vững chắc và hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn, bao gồm quan hệ đối tác Nhật Bản – ASEAN và các cơ chế khu vực của nó.

Trong những năm gần đây, Việt Nam và ASEAN trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế Nhật Bản, bao gồm cả đầu tư trực tiếp (FDI) và thương mại.

Giáo sư Zachary Abuza: Nhật Bản chắc chắn sẽ muốn các quốc gia Đông Nam Á hành động nhiều hơn về an ninh hàng hải, song song với cải thiện năng lực của mỗi nước. Đến nay Tokyo chỉ mới tiến hành một số cuộc diễn tập trên biển song phương với từng đối tác trong khu vực.

Nhìn chung, năng lực hàng hải của các nước Đông Nam Á vẫn còn hạn chế. Chính họ phải đi đầu trong việc bảo vệ vùng biển và lãnh thổ của mình.

Nhật Bản đang thể hiện trách nhiệm ở Đông Nam Á. Tôi nghĩ Tokyo sẽ dần tăng cường hoạt động, viện trợ và diễn tập trong khu vực.

Tiến sĩ Aizawa Nobuhiro: Chuyến công du của ông Suga gửi thông điệp rõ ràng là Đông Nam Á là một đối tác vô cùng quan trọng với Nhật Bản. Trong khi một số nước xem Đông Nam Á như một vũ đài để cạnh tranh để đối đầu, thì chính sách đối ngoại của Tokyo xem Đông Nam Á như là vũ đài để hợp tác.

Sự hợp tác cũng diễn ra không chỉ với các nước Đông Nam Á, mà với những cơ chế đa phương khác.

– Những vấn đề nào dự kiến được đưa vào chương trình nghị sự tại Hà Nội trong chuyến thăm của ông Suga?

Tiến sĩ Yasuyuki Ishida: Đến nay tôi có không nhiều thông tin về việc này. Song một số vấn đề sau đây có thể nằm trong chương trình nghị sự.

Một là các vấn đề khu vực bao gồm Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hai là việc tái khẳng định sự tương trợ lẫn nhau giữa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) của Nhật Bản và AOIP.

Ba là hợp tác trên biển và hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như nâng cao năng lực ở Biển Đông với sự hợp tác cùng các đối tác khác.

Bốn là sự ủng hộ của Nhật Bản đối với ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Mekong vào mùa thu này.

Và cuối cùng là việc Nhật Bản hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam như nâng cao năng lực, giáo dục và chăm sóc sức khỏe để đối phó với Covid-19.

Vũ Mạnh – C.Toàn/ZN

Bài mới
Đọc nhiều