Ba kịch bản cho tam giác quân sự Mỹ – Trung – Nga
Sau cuộc chiến Nga-Ukraine, Trung Quốc sẽ duy trì, mở rộng hay thu hẹp hợp tác quân sự với Nga?
Mặc dù quan hệ quân sự Trung-Nga được mở rộng trong những năm gần đây nhờ nhận thức chung về mối đe dọa từ Mỹ và đồng minh, nhưng việc Nga xâm lược Ukraine và phản ứng sau đó của cộng đồng quốc tế vẫn phủ bóng đen lên mối quan hệ đối tác chiến lược này.
Những dấu hiệu của sự hợp tác quân sự song phương có vẻ đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc tại thời điểm các quốc gia trên thế giới đang kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng đối với Nga để chấm dứt xung đột. Sự phát triển của mối quan hệ quân sự song phương này trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp đến khả năng của cả Nga và Trung Quốc trong việc hiện đại hóa quân đội, đối phó hiệu quả với kẻ thù và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bài viết này sẽ phân tích ba kịch bản có thể xảy ra đối với hợp tác quân sự Trung-Nga như sau:
Kịch bản 1: Hiện trạng được giữ nguyên
Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine là chất xúc tác thúc đẩy những thay đổi đáng kể trong hệ thống quốc phòng phương Tây (từ việc Đức tăng chi tiêu quốc phòng đến việc Phần Lan và Thụy Điển tái cân nhắc gia nhập NATO), nhưng nó vẫn không ảnh hưởng đến tổng thể mối quan hệ quân sự Trung-Nga. Việc nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột, dù là thông qua đàm phán hòa bình hay việc Nga chủ động rút quân, có thể làm giảm áp lực quốc tế buộc Bắc Kinh phải hạn chế quan hệ với Moskva.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin duy trì quyền lực cũng có thể đảm bảo sự ổn định của mối quan hệ quân sự song phương, vì sự bền chặt của mối quan hệ chiến lược này một phần nhờ vào mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giống như quan hệ hợp tác song phương trong những năm gần đây, mối quan hệ quân sự Trung-Nga trong tương lai có thể chứng kiến việc hai bên duy trì hoặc từng bước mở rộng những nỗ lực hiện tại, bao gồm:
– Hợp tác kỹ thuật thông qua hoạt động mua bán vũ khí trong những lĩnh vực như động cơ máy bay và hợp tác phát triển các phương tiện vận chuyển như máy bay trực thăng hạng nặng. Những nhân tố có thể hạn chế sự phát triển trong lĩnh vực này bao gồm mối quan ngại của Nga về việc Trung Quốc sao chép công nghệ, sự tranh giành các hợp đồng mua bán vũ khí trên thị trường nước ngoài và việc Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu từ Nga;
– Các cuộc tập trận song phương như tập trận “Biển chung” (diễn ra gần đây nhất vào tháng 10/2021) và tập trận phòng không “An ninh hàng không vũ trụ” và phòng thủ tên lửa (diễn ra lần lượt vào năm 2016 và 2017). Những cuộc tập trận như vậy có thể tiếp tục được tiến hành với tần suất, độ phức tạp và phạm vi địa lý ngày càng tăng;
– Các cuộc tuần tra chung, như một số cuộc tuần tra trên biển và trên không mà lực lượng quân đội Trung Quốc và Nga đã tiến hành ở khu vực gần Nhật Bản từ năm 2019;
– Các cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo chủ chốt, bao gồm các cuộc gặp trực tiếp và trực tuyến giữa các lãnh đạo quốc phòng và lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc.
Trung Quốc dường như sẽ là bên được lợi nhất từ việc duy trì quan hệ quân sự với Nga. Trung Quốc đã thu mua từ Nga những phương tiện và thiết bị tối tân có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Và binh lính Trung Quốc được cho là đã học hỏi được nhiều từ những cuộc diễn tập với binh lính Nga (những người có kinh nghiệm thực chiến gần đây).
Mặc dù Nga chủ yếu chỉ thu được lợi ích kinh tế từ hợp tác quân sự song phương, song Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu vũ khí quan trọng trong bối cảnh kinh tế Nga đang gặp khó khăn dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Về phía mình, Mỹ sẽ không muốn quan hệ quân sự Trung-Nga được duy trì, nhưng họ cũng sẽ không ngạc nhiên đến mức nhanh chóng thay đổi chiến lược của mình (như khi Nga tấn công Ukraine).
Kịch bản 2: Mối quan hệ suy giảm đáng kể
Sự đảo ngược của những nhân tố ở kịch bản trên có thể dẫn tới sự suy yếu của hợp tác quân sự Trung-Nga. Nếu xung đột Nga-Ukraine không sớm chấm dứt. Nếu phương Tây vẫn hợp sức đối phó với Nga và nhất là nếu phương Tây đe dọa kinh tế Trung Quốc vì nước này ngấm ngầm ủng hộ hành động của Nga, thì Trung Quốc có thể ngày càng cảm thấy bị ép phải công khai xa lánh Nga.
Vốn quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh tích cực của mình, Trung Quốc có thể cắt giảm một số lĩnh vực trong quan hệ đối tác chiến lược với Nga, bao gồm cả những khía cảnh dễ nhận thấy trong quan hệ quân sự song phương, mà công chúng nước ngoài cho là dấu hiệu của việc nước này ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine.
Bên cạnh đó, nếu Tổng thống Putin bị buộc phải từ nhiệm, thì Chủ tịch Tập Cận Bình có thể cần thời gian để làm quen và tạo dựng lòng tin với nhà lãnh đạo mới của Nga, điều có thể dẫn đến việc Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận cẩn trọng hơn trong hợp tác quân sự song phương tại giai đoạn chuyển giao này.
Trạng thái suy yếu của quan hệ quân sự Trung-Nga có thể được biểu hiện ở những thay đổi trong các hoạt động song phương như sau:
– Giảm bớt hợp tác kỹ thuật, bao gồm cả việc Trung Quốc cắt giảm mua sắm vũ khí của Nga và đóng băng một số dự án hợp tác phát triển;
– Giảm cường độ các cuộc tập trận, với việc Trung Quốc tìm cách tuyên truyền rằng các cuộc tập trận chung về bản chất ít mang tính đối kháng. Một phương án khả dĩ là nhấn mạnh các chủ đề không gây tranh cãi như viện trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai. Các cuộc tập trận chung cũng có thể được “đa phương hóa” (thông qua các khung hợp tác sẵn có như hoạt động tập trận chống khủng bố “Nhiệm vụ hòa bình” của Tổ chức hợp tác Thượng Hải);
– Đình chỉ các cuộc tuần tra chung trên biển hoặc trên không gần khu vực các đồng minh của Mỹ – hoặc ít nhất tạm dừng việc trao đổi thông tin giữa hai bên về các hoạt động liên quan;
– Giảm tần suất trao đổi giữa các lãnh đạo chủ chốt và giảm thông tin công khai về các cuộc gặp đã diễn ra.
Mỹ sẽ là bên được lợi nhất nếu quan hệ quân sự Trung-Nga suy yếu. Sự sa sút về lòng tin và sự quen thuộc về cách thức hành động giữa quân đội Nga và Trung Quốc có thể làm giảm khả năng điều phối các hoạt động quân sự xâm hại lợi ích của Mỹ và đồng minh.
Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự thu hẹp hợp tác quân sự song phương, vì quân đội nước này sẽ mất một số cơ hội sở hữu các vũ khí tối tân và tập luyện cùng những binh lính Nga dày dạn kinh nghiệm tác chiến. Tuy nhiên, những tác động này có lẽ sẽ ít ảnh hưởng đến tiến trình hiện đại hóa và tái cơ cấu lực lượng quân đội của Trung Quốc (một phần vì ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc ngày càng tự chủ).
Bên bị thiệt hại nhiều nhất sẽ là Nga, vì sự cắt giảm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc sẽ khiến kinh tế Nga thêm khó khăn giữa vòng vây các lệnh trừng phạt – mà Putin cho là giống như lời tuyên chiến với Nga – từ phương Tây. Việc Trung Quốc giảm bớt mức độ công khai trong việc bày tỏ sự ủng hộ đối với Nga có thể khiến Putin càng có cảm giác bị cô lập và thúc đẩy ông triển khai nhiều hành động nguy hiểm hơn – bao gồm cả việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Kịch bản 3: Hợp tác song phương được tăng cường rõ rệt
Không giống hai kịch bản trên, sự tăng cường hợp tác quân sự Trung- Nga trong tương lai theo kịch bản thứ ba có lẽ phụ thuộc vào nhận thức của Trung Quốc về các mối đe dọa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hơn là diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo đó, Mỹ và các đồng minh sẽ tăng cường phối hợp trong lời nói và hành động để gây sức ép với Trung Quốc sau khi nước này đưa ra yêu sách tại các khu vực như Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Trung Quốc có thể tìm thấy lợi ích từ việc tăng cường quan hệ quân sự với Nga nếu họ tin rằng nguy cơ xung đột tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang gia tăng và hợp tác quân sự với Nga có thể củng cố thông điệp về sự răn đe đối với Mỹ và đồng minh.
Sự thắt chặt quan hệ quân sự Trung-Nga có thể được biểu hiện ở việc:
– Tăng cường hợp tác kỹ thuật, bao gồm cả việc Trung Quốc tăng cường mua sắm khí tài và mở rộng các dự án hợp tác phát triển về các phương tiện tích hợp công nghệ then chốt của Nga (như tàu ngầm). Trong khi mở rộng hợp tác ở lĩnh vực này, Trung Quốc có thể tìm cách gây sức ép buộc Nga phải cắt giảm việc bán vũ khí cho các nước mà Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, như Ấn Độ và Việt Nam;
– Mở rộng các cuộc tập trận chung với tần suất, quy mô và độ phức tạp lớn hơn. Các cuộc tập trận chung có thể tiếp tục chú trọng vào các chủ đề liên quan đến các cuộc chiến gây tốn kém (như cuộc chiến chống tàu ngầm hay tàu mặt nước) và tiến tới huy động sự tham gia của nhiều lực lượng quân sự khác nhau;
– Gia tăng các cuộc tuần tra chung có mục tiêu, bao gồm cả các cuộc tuần tra trên biển và trên không xung quanh Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ. Trong những năm gần đây, các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thể hiện được khả năng hoạt động ở phạm vi rộng hơn thuộc khu vực Thái Bình Dương;
– Tăng tần suất trao đổi giữa các nhà lãnh đạo chủ chốt để đưa ra những nhận định chung về môi trường an ninh và tỏ rõ quyết tâm ủng hộ lợi ích của nhau. Hai bên sẽ tiếp tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích Mỹ và đồng minh gây bất ổn địa chiến lược từ Đông Âu đến châu Á.
Ở thời điểm nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang cùng nhau phản đối cuộc chiến của Putin, Nga sẽ có thể là bên nhiệt tình nhất trong việc tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc. Việc thắt chặt quan hệ quân sự có thể bao gồm cả việc Trung Quốc tăng cường mua sắm vũ khí của Nga nhằm giúp xoa dịu phần nào nỗi đau kinh tế mà nước này đang phải gánh chịu.
Đây cũng có thể là tín hiệu để thế giới (trong đó có người Nga) biết rằng Trung Quốc vẫn ủng hộ sự lãnh đạo của Nga trong khu vực. Trung Quốc có lẽ mong muốn thắt chặt quan hệ quân sự với Nga để đối phó hiệu quả với Mỹ và đồng minh, đẩy nhanh tốc độ thu mua các công nghệ then chốt mà nền công nghiệp quốc phòng nước này chưa thể sao chép và nâng cao tính thực tế của hoạt động tập trận.
Việc Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ quân sự đến mức có thể tiến tới một liên minh chính thức sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với Mỹ. Vì điều này sẽ làm tăng khả năng Nga và Trung Quốc phối hợp gây sức ép trên cả hai mặt trận hoặc thậm chí phát động chiến tranh trong tương lai. Một viễn cảnh như vậy sẽ khiến chiến lược “răn đe tích hợp” của Lầu Năm Góc – sử dụng tất cả các công cụ quyền lực của Mỹ và đồng minh – trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Bảo Trâm (Theo Diplomat)