Bà Harris: Trung Quốc đe dọa chủ quyền các nước ở Biển Đông
Phó tổng thống Mỹ cho rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp và đe dọa chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.
Trong bài phát biểu sáng 24/8 tại Singapore, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho rằng Bắc Kinh đang tiếp tục cưỡng ép, đe dọa và đưa ra yêu sách chủ quyền với phần lớn Biển Đông, và đây là những yêu sách phi pháp.
“Các tuyên bố phi pháp đã bị bác bỏ bởi phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi trước những mối đe dọa này”, bà Harris nói trong bài phát biểu.
“Tôi muốn làm rõ rằng cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là không chống lại bất kỳ quốc gia nào, cũng không phải để khiến bất kỳ ai phải lựa chọn giữa các quốc gia”, bà Harris tiếp tục. “Thay vào đó, cam kết của chúng tôi là nhằm thúc đẩy một tầm nhìn lạc quan đối với các hoạt động và quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực”, phó tổng thống Mỹ nói thêm.
Thế kỷ 21 là “tại đây”Cũng trong bài phát biểu tại Singapore, phó tổng thống Mỹ nêu lên thực tế là thế giới đang liên kết với nhau hơn và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Và để đón nhận kỷ nguyên mới này, các quốc gia phải sẵn sàng cùng nhau đương đầu với những thách thức và cùng nhau tạo ra cơ hội.
“Đó là lý do tại sao các mối quan hệ đối tác của chúng tôi tại Singapore, trong khu vực Đông Nam Á và trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Mỹ… Khu vực này cực kỳ quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của quốc gia chúng tôi”, bà Harris nhấn mạnh. “Từ lâu, Mỹ đã đưa ra một tầm nhìn về hòa bình và ổn định, cam kết tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và thừa nhận rằng chúng ta có lợi ích chung, chứ không phải xung đột lợi ích (zero sum – PV)”.
“Tôi ở đây để khẳng định lại cam kết của chúng tôi đối với tầm nhìn đó, để củng cố nó, và để đảm bảo tầm nhìn này giải quyết được những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ đầu tư thời gian và sức lực để củng cố các mối quan hệ đối tác chính của chúng tôi, bao gồm cả với Singapore và Việt Nam”, phó tổng thống Mỹ cho biết.
Bà Harris nhấn mạnh mối quan hệ đối tác của Mỹ sẽ dựa trên nền tảng thẳng thắn, cởi mở, hòa nhập, lợi ích chung và các bên cùng có lợi.
Phó tổng thống Mỹ khẳng định sẽ theo đuổi một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, thúc đẩy lợi ích của Mỹ, của các đối tác và đồng minh, cũng như làm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương thân thiết. Mỹ cũng sẽ hợp tác đa phương thông qua các thể chế lâu đời như ASEAN, vốn là trung tâm của khu vực này, và các nhóm hợp tác mới chú trọng kết quả như Bộ Tứ (Quad – PV) và quan hệ đối tác Mỹ – Mekong.
“Tôi tin rằng khi lịch sử của thế kỷ 21 được viết ra, phần lớn lịch sử đó sẽ tập trung ngay tại đây, ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mong muốn của Mỹ là tăng cường quan hệ đối tác và củng cố tầm nhìn chung của chúng ta, để Mỹ với các đối tác có thể cùng nhau, tiếp tục định hình lịch sử đó”, bà Harris nói.
23 triệu liều vaccine đã đến Đông Nam ÁPhó tổng thống Harris cho rằng đại dịch là vấn đề “không biên giới”. Do đó, Mỹ chủ trương đóng góp cho công cuộc đẩy lùi đại dịch trên phạm vi toàn cầu.
“Sau khi nhậm chức, tôi và Tổng thống Biden không chỉ quyết tâm tiêm chủng cho nước Mỹ mà còn kỳ vọng trở thành kho vaccine an toàn và hiệu quả cho thế giới”, bà Harris nói.
“Cho đến nay, trong số 110 triệu liều vaccine mà chúng tôi gửi cho thế giới, có 23 triệu mũi đã được vận chuyển đến các nước Đông Nam Á”, Phó tổng thống Harris lưu ý. “Đây là những khoản đóng góp miễn phí, không ràng buộc. Vì đối chúng tôi, vấn đề này liên quan đến chuyện cứu người và đây rõ ràng là chuyện nên làm”.
“Hướng về tương lai, tầm nhìn của chúng tôi là một thế giới có nền an ninh y tế toàn cầu được tăng cường và chúng tôi có thể phát hiện cũng như xử lý sớm các chủng virus mới”, bà Harris nói thêm. “Chúng tôi đang thực hiện từng bước một để biến tương lai đó thành hiện thực”.
Hương Ly