+
Aa
-
like
comment

Ba chuyến kiểm tra ở tâm dịch và phép thử của Thủ tướng

28/08/2021 10:30

Tự lựa chọn điểm đến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mình vào vị trí của người dân để kiểm tra hệ thống y tế và hỗ trợ an sinh khẩn cấp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Thu tuong Pham Minh Chinh anh 1

Sau khi đảm nhận vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính lập tức đến 3 tâm dịch lớn nhất cả nước là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Tại mỗi địa phương, đoàn công tác của Thủ tướng chia thành nhiều tổ để cùng lúc thị sát các địa bàn khác nhau.

Trong 2 ngày làm việc, Thủ tướng đã tới 9 cơ sở để kiểm tra, đánh giá kết quả chống dịch. Nhiều điểm đến của Thủ tướng không nằm trong lịch trình được lên kế hoạch sẵn. Người đứng đầu Chính phủ tự lựa chọn khu dân cư cần kiểm tra để test nhanh độ nhạy của “pháo đài” chống dịch.

“Dân gọi, xã phường phải đáp”

“Khi thiếu ăn, cần hỗ trợ y tế có biết gọi ai không?”, Thủ tướng hỏi người dân ở tất cả những khu dân cư mà ông tới.

Trước câu hỏi của Thủ tướng, nhiều hộ dân ở khu trọ trên phường Cát Lái, TP Thủ Đức, chia sẻ rằng khi khó khăn họ không biết hỏi ai, gọi ai. Trước tình trạng này, người đứng đầu Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo phường.

Ông Phạm Minh Chính sốt sắng yêu cầu địa phương cung cấp số điện thoại và đề nghị người dân thử gọi vào các đường dây nóng để yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp về y tế hoặc gói an sinh. Ông sẵn sàng cùng người dân chờ đến khi yêu cầu này được đáp ứng.

Tại 3 địa phương, người dân đều được đáp ứng yêu cầu sau khoảng 10 phút kể từ khi cơ sở tiếp nhận thông tin. Thế nhưng, việc kết nối liên lạc mỗi nơi một khác.

Tại phường Cát Lái (TP Thủ Đức), người dân không biết số điện thoại đường dây nóng của phường mà chỉ biết Tổng đài 1022. Do đó, khi tổng đài này quá tải, người dân lúng túng không biết gọi ai.

Tại Bình Dương, người dân được thông tin về danh sách số điện thoại các đường dây nóng với hàng chục đầu mối để liên lạc khi cần. Tuy nhiên, phải gọi đến lần thứ 4, các số điện thoại này mới có người nhấc máy. Còn tại Đồng Nai, người dân chỉ có một kênh để liên hệ khi khó khăn là Tổng đài 1022.

“TP.HCM có 10 triệu dân, chỉ cần cùng lúc 1 triệu người gọi vào Tổng đài 1022 thì đáp ứng thế nào? Như vậy sẽ không kịp hỗ trợ người dân, tận dụng giờ vàng. Đó là lý do phải đưa xuống tận phường”, Thủ tướng nói và khẳng định nếu Tổng đài 1022 còn ách tắc tức là “pháo đài” chưa làm được việc, nên người dân mới phải gọi lên thành phố.

Dẫn chứng việc cửa hàng bán gas, vé số dán số điện thoại khắp các ngõ hẻm, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM cần dán số điện thoại ở nhiều nơi để người dân biết. Đường dây nóng của địa phương phải có người ứng trực 24/24. “Người dân gọi, xã phường phải đáp”, Thủ tướng giao nhiệm vụ và chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phải phân tầng, phân lớp lại Tổng đài 1022 sao cho người dân đều có thể gọi điện phản ánh.

Phải đảm bảo cho người dân không thiếu ăn, thiếu mặc

Chủ trương lấy xã, phường là “pháo đài” chống dịch có đúng đắn không? Đó là câu hỏi của Thủ tướng cho các y bác sĩ mỗi khi đến một cơ sở thu dung, điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19 từ tầng 1 tới tầng 3 trong hệ thống điều trị. Ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, Thủ tướng đều nhận được một câu trả lời chung rằng đây là chủ trương đúng đắn.

Ông Phạm Minh Chính giải thích việc lấy xã, phường làm “pháo đài” là để thực hiện sự chỉ huy, lãnh đạo thống nhất tại phường, xã. Địa phương chủ trì, chỉ huy để quản lý giãn cách thật nghiêm theo đúng Chỉ thị 16. Nhưng khi “ai ở đâu ở đó”, dân không được ra khỏi nhà thì xã, phường phải đảm bảo cho người dân không thiếu ăn, thiếu mặc.

Hệ thống chính trị ở xã, phường là nơi sát dân nhất, hiểu dân nhất và có thể đáp ứng nhanh nhất những nhu cầu của người dân. Do đó, thay vì tập trung vào tỉnh, thành phố hay quận, huyện, quyền điều phối, chỉ đạo chống dịch phải phân tán về cơ sở.

Thu tuong Pham Minh Chinh anh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi ý kiến y bác sĩ về sự đúng đắn của chủ trương lấy xã phường làm “pháo đài” chống dịch. Ảnh: Thuận Thắng.

Nhấn mạnh chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, Thủ tướng phân tích người dân vừa là trung tâm để cấp ủy chính quyền phục vụ, vừa là chủ thể tham gia phòng chống dịch. Đây là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và góp phần phát triển đất nước.

Thủ tướng chỉ ra 4 việc một “pháo đài” phải làm. Đó là vận động nhân dân tham gia chống dịch; đảm bảo an sinh xã hội mọi lúc mọi nơi; đảm bảo tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân.

Ông giao bí thư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác phòng chống dịch. Chủ tịch phải là thủ trưởng trung tâm chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã và nơi này phải ứng trực, tiếp nhận thông tin của người dân 24/24.

Xã, phường phải linh hoạt trên các nguyên tắc cơ bản để làm sao thực hiện nhanh nhất mục tiêu đề ra. Quá trình thực hiện, địa phương phải tăng cường giám sát theo nguyên tắc tỉnh giám sát huyện; huyện giám sát phường, xã, thị trấn, xí nghiệp, nhà máy.

Không “chập chờn” trong xét nghiệm diện rộng

Nhấn mạnh chủ trương chống dịch đã đúng hướng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 86 và công điện 1099, công điện 1102 của Thủ tướng.

Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt lưu ý việc thần tốc xét nghiệm diện rộng cần thực hiện một cách khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ông Phạm Minh Chính nhắc nhở đây là chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và yêu cầu các địa phương “không chập chờn”, không để bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

“Để giảm tử vong trước hết phải giảm F0. Muốn giảm F0 phải giảm nguồn lây, muốn giảm nguồn lây thì phải phát hiện ra nguồn lây thật nhanh. Muốn vậy thì lâm sàng không phát hiện được mà phải xét nghiệm”, Thủ tướng lý giải chỉ đạo xét nghiệm diện rộng.

Với những khu vực đông dân cư tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, Thủ tướng đều dẫn chứng kinh nghiệm của Bắc Giang về đề nghị các địa phương nghiên cứu sơ tán dân ở khu vực đông đúc. Có thể tận dụng các vùng xanh để giãn cách.

“Thậm chí nhờ quân đội di dời doanh trại lên khu vực khác để nhường chỗ. Tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn phải nắm tình hình chỗ nào cần di chuyển, sơ tán. Lúc nào cần thì vận dụng linh hoạt, sáng tạo để sơ tán dân bớt ra”, Thủ tướng nói.

Thu tuong Pham Minh Chinh anh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những khu nhà trọ, khu dân cư đông đúc cần được sơ tản để giãn dân. Ảnh: Thuận Thắng.

Về vấn đề vaccine, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại khẩu hiệu: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, đừng kén chọn vaccine. Ông khẳng định sẽ ưu tiên phân bổ vaccine cho cả 3 tâm dịch này để cố gắng phủ vaccine càng nhanh càng tốt. Riêng với TP.HCM, Thủ tướng lưu ý cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, nếu không phải chuyển sang tỉnh khác vì nhiều nơi cũng đang cần.

Thời gian qua, Thủ tướng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều rất tích cực ngoại giao vaccine nhưng tình hình rất khó khăn do vaccine khan hiếm toàn cầu.

“Nhiều nơi tôi vận động để nhượng lại vaccine và cho vay vaccine. Nhưng chủng Delta này biến đổi nhanh quá, mạnh quá. Nhiều nơi người ta dừng lại để tiêm mũi 3 cho người dân”, Thủ tướng nói và cho biết dự kiến tháng 9, lượng vaccine về nhiều hơn.

Để tăng nguồn lực chống dịch, Thủ tướng đề nghị các tỉnh cắt giảm tối đa chi thường xuyên, nhất là chi đầu tư. Các địa phương phải rà soát ngân sách, nhất là các nguồn khác, dự án đầu tư công chưa làm được… và đề xuất HĐND xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Chính phủ cũng đang rà soát và sẵn sàng hỗ trợ.

“Ta còn nhiều việc phải chi như an ninh quốc phòng, độc lập chủ quyền, phòng chống bão lũ, an sinh xã hội và người nghèo trên cả nước. Chính phủ sẽ cố gắng, không bỏ rơi các đồng chí nhưng trên tinh thần hợp lý, lo cái này còn phải lo cái khác”, Thủ tướng chia sẻ.

Thu Hằng

Bài mới
Đọc nhiều