‘Bà Chung tìm thấy chồng và con trai nhưng cả hai đều đã tắt thở’
Những câu chuyện đau lòng của gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn tàu hỏa hôm 2/4 vừa qua ở Đài Loan dần được hé lộ.
Ít nhất 51 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương sau khi tàu cao tốc Taroko 408 chở gần 500 hành khách đâm vào một phương tiện xây dựng và trật bánh khỏi đường ray trong ngày 2/4, theo Taiwan News.
Khi đảo Đài Loan trải qua bầu không khí tang tóc, một số người sống sót và lực lượng cứu hộ đã chia sẻ với BBC về trải nghiệm kinh hoàng vừa qua. Tai nạn tàu hỏa hôm 2/4 được coi là thảm kịch đường sắt nghiêm trọng nhất tại Đài Loan trong suốt nhiều thập kỷ.
“Chúng tôi không định lên tàu”
Gia đình của bà Chung Hui-mei không định lên chuyến tàu định mệnh ngày 2/4. Họ đã đặt vé cho một chuyến tàu sớm hơn song lại đến muộn. Do đó, họ phải mua vé đứng trên chuyến tàu kín chỗ Taroko 408.
Hôm đó, gia đình bốn người đang háo hức đến thành phố Hoa Liên nhân ngày Tảo mộ, một lễ hội truyền thống của Trung Quốc nhằm bày tỏ lòng thành kính với những người đã khuất.
Bà Chung kể lại rằng khi tàu gần đến ga Hoa Liên, bà nghe thấy tiếng còi của người lái tàu. Điều này được hiểu là “có một vật cản phía trước… nhưng người lái tàu đã không giảm tốc độ “, dẫn lời bà Chung.
Chính xác 6,9 giây sau, đoàn tàu đâm vào một chiếc xe tải có gắn cần cẩu. Phương tiện này bất ngờ lao vào đường ray khi đoàn tàu chỉ cách 250 m. Các nhà điều tra cho biết người lái tàu không kịp phản ứng và đã tử vong trong vụ tai nạn.
Ngay sau vụ va chạm, bà Chung bò quanh toa tàu, điên cuồng tìm kiếm những người thân yêu dưới đống đồ đạc và vali. Bà Chung tìm thấy chồng và con trai nhưng cả hai đều đã tắt thở. Sau khi tuyệt vọng gọi tên người con gái 20 tuổi, bà nghe tiếng đáp yếu ớt, phát ra dưới một khối kim loại: “Con ở đây”.
Bà Chung cố gắng di chuyển các mảnh kim loại nhưng buộc phải dừng lại vì nghe một tiếng nói khác: “Cô ơi, đừng làm vậy nữa được không? Nó làm tôi đau”.
Ngay sau đó, giọng nói cô con gái của bà Chung im lặng rồi tắt hẳn.
“Tôi ôm con thêm lần nữa được không”
Hôm 2/4, em học sinh 6 tuổi Yang Chi-chen đã lên tàu tốc hành Taroko Express 408 cùng với cha và người chị gái 9 tuổi. Cả gia đình nhỏ đi du lịch tới thành phố Đài Đông để ăn mừng dịp Tết Thiếu nhi.
Song em bé Yang Chi-chen đã không thể sống sót ra khỏi tàu.
Gia đình họ Yang được tìm thấy trong toa đầu tiên, cũng là một trong ba toa tàu chịu thiệt hại nặng nề nhất. Các nhân viên cứu hộ xúc động khi kể rằng họ tìm thấy ông Yang đầu tiên. Ông bố 42 tuổi khập khiễng bước ra khỏi toa tàu và nhân viên cứu hộ Damo Lee được giao nhiệm vụ chăm sóc nạn nhân.
Khi được ông Lee cõng trên lưng, ông Yang liên tục thì thầm: “Tôi vẫn còn hai cô con gái trên tàu, làm ơn hãy nhanh chóng đưa chúng ra ngoài được không?”.
Sau khi đưa ông Yang tới nơi an toàn, người cứu hộ viên quay lại đống đổ nát và nhìn thấy đồng nghiệp đang ôm thi thể một bé gái “không còn sức sống, mặt trắng bệch”. Em bé ấy chính là Yang Chi-chen, 6 tuổi.
Ông Yang sau đó đã hỏi: “Tôi có thể ôm con một lần nữa không?”.
Người con gái 9 tuổi của ông Yang sau đó được tìm thấy và đang điều trị trong bệnh viện. Cô bé may mắn sống sót song bị chấn thương sọ não và nứt hộp sọ.
Vào ngày 3/4, trong lễ tang được tổ chức tại nơi xảy ra tai nạn, ông Yang thổn thức chia sẻ với phóng viên: “Chúng tôi chỉ muốn có một chuyến đi vui vẻ… Tôi hy vọng con bé có thể làm con gái tôi thêm một lần nữa (trong kiếp sau)”.
“Anh ấy hy sinh để tôi được sống”
Li Jia-hsing và vợ luôn mong muốn được về thăm quê hương Đài Đông. Cặp vợ chồng làm việc trong ngành xây dựng ở phía bắc Đài Loan nên chỉ có thể thăm nhà trong những ngày nghỉ lễ.
Họ là hành khách vé đứng ở chính giữa đoàn tàu, tại một điểm nối giữa hai toa. Khi đoàn tàu trật bánh, ông Li lập tức ôm chặt lấy vợ và đẩy bà sang một bên, một nỗ lực nhằm bảo vệ bà khỏi cú va chạm.
Nỗ lực ấy đã thành công khi người vợ sống sót, nhưng ông Li đã ra đi mãi mãi.
“Anh ấy hy sinh để tôi được sống”, người phụ nữ họ Yang chia sẻ với báo giới khi đang nằm viện.
Trước khi xuất hành, ông Li đã gọi điện cho chị gái để người chị đi đón tại nhà ga. Trong buổi tang lễ hôm 3/4, người chị đã “đón” em bằng cách thu thập hài cốt. Người chị nói trong tang thương: “Chị đến đón em về nhà đây”.
“Cô gái Olaf”
Một câu chuyện khác đang thu hút sự chú ý của truyền thông là về một cô gái bí ẩn, được mệnh danh là “Cô gái Olaf”.
Cô gái này là một trong số các thân nhân tập trung tại lễ tang ở Hoa Liên hôm 3/4. Người ta thấy cô lặng lẽ ôm chặt một món đồ chơi nhồi bông quá khổ – người tuyết Olaf trong bộ phim hoạt hình Frozen của hãng Disney.
Cô gái từ chối trả lời phỏng vấn, song truyền thông địa phương cho biết con thú nhồi bông là món quà Ngày lễ Tình nhân từ vị hôn phu của cô, anh Su Yu-ming. Anh Su là một trong 51 nạn nhân thiệt mạng trong vụ đâm tàu.
Gia đình của anh Su cho biết cặp đôi đã hẹn hò được khoảng 3 năm và dự định kết hôn vào tháng tới.
Uyên Uyên