Bà chủ Panorama Mã Pì Lèng: Công trình sau cải tạo ‘được làm theo đúng quy trình thiết kế’
Bà chủ công trình Panorama Mã Pì Lèng Vũ Thị Ánh khẳng định, công trình đã được cải tạo, sửa chữa theo đúng quy trình thiết kế được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt.
Sáng 25/12, chia sẻ với PV bà Vũ Thị Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang, chủ đầu tư công trình Panorama Mã Pì Lèng) cho hay, toàn bộ việc cải tạo, sửa chữa công trình đã được bà thực hiện theo đúng quy trình thiết kế được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư trong buổi làm việc hồi tháng 3/2020.
“Công trình đã được làm theo đúng quy trình thiết kế. Tuy nhiên, phải nói rõ công trình của tôi là công trình cải tạo, sửa chữa chứ không phải xây mới, do đó một số điểm, kết cấu sẽ không thể giống 100% mà phải phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn.
Sau khi cải tạo xong, người dân, du khách vào đều chấp nhận, đồng tình và ủng hộ phương án này”, bà Ánh nói.
Cụ thể, theo bà Ánh, bà đã tiến hành phá dỡ, thu gọn lại tầng 1, mở rộng phần kính để quan sát dễ dàng hơn.
Riêng về chiều cao sau cải tạo có cao hơn so với công trình cũ vài chục cm do thay đổi kết cấu chuyển làm thêm mái lợp ngói.
Chủ công trình Panorama Mã Pì Lèng cũng nhấn mạnh, nhiều thông tin trên mạng xã hội, báo chí phản ánh về công trình sau cải tạo, sửa chữa không chính xác.
Trong đó, bà Ánh khẳng định, thông tin cho rằng, mái của công trình sau cải tạo được lợp mái tôn hoàn toàn không chính xác.
“Mái của công trình được tôi lợp bằng ngói của Việt Nam chứ không phải bằng tôn như một số ý kiến trên mạng xã hội hay báo chí đăng tải. Còn có thể do màu ngói giống với màu tôn nên người ta mới nhầm lẫn”, bà Ánh chia sẻ.
Liên quan đến ý kiến của KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng TƯ Hội Kiến trúc sư VN từng đề nghị công trình nên lợp bằng ngói âm dương để giống với các nhà người Mông ở Hà Giang, bà Ánh cho hay, hiện ở khu vực này, không ai còn lợp loại ngói trên do không hiệu quả.
“Hiện tại người dân ở đây không ai lợp ngói âm dương nữa, do dễ bị gió làm bay và đây là loại ngói của Trung Quốc.
Khi tiến hành sửa chữa công trình, tôi cũng đã mua hơn 5.000 ngói này về lợp nhưng gió bão làm bay hết và cho người dân cũng không ai lấy. Bởi họ nói, lợp không hiệu quả, cho họ tấm Fibro xi măng hay tôn tốt hơn.
Chưa kể, nếu chẳng may, ngói bay ra vào người đi đường sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Sau khi ngói bị bay, tôi đã mời các cơ quan chức năng của huyện xuống lập biên bản và phải tiến hành thay loại ngói khác cho phù hợp”, bà Ánh nêu rõ.
Trước một số ý kiến còn khác nhau của dư luận sau khi cải tạo, sữa chữa công trình, bà Ánh nhấn mạnh, bà sẵn sàng đón tiếp, mời mọi người lên tận nơi thăm quan, nghe giải thích cụ thể về việc tại sao các phần kết cấu lại được làm như vậy.
“Tôi rất mong nhận được nhiều sự góp ý, nhưng thay vì ngồi ở nhà nói, mong mọi người hãy lên tận nơi, tham quan, ngắm công trình để thấy rõ nó như thế nào và để tôi được giải thích cụ thể vì sao lại làm như vậy”, bà Ánh đề nghị.
Bà chủ công trình Panorama Mã Pì Lèng Vũ Thị Ánh cũng chia sẻ thêm, công trình này là tâm huyết của bà với mong muốn tạo ra một điểm dừng chân, tham quan thắng cảnh cho du khách khi đến với mảnh đất Hà Giang qua một chặng đường dài và góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị du lịch cho địa phương.
Cũng theo bà Ánh, sau khi được cải tạo, sửa chữa, hiện công trình Panorama Mã Pì Lèng đã đón khách tham quan trở lại. Tuy nhiên, Panorama Mã Pì Lèng không nhận khách lưu trú tại đây, trừ các tình nguyện viên làm từ thiện.
Hiện mức phí thăm quan là 50.000 đồng/người bao gồm phí vệ sinh, wifi, chụp ảnh và được chọn 1 trong 30 đồ uống miễn phí. Ngoài ra, theo nội quy, một số trường hợp sẽ được giảm 50% phí tham quan tại đây.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị