Ba chiến sĩ bị sát hại ở Đồng Tâm: Vì sao bố trí lực lượng công an trong đêm?
Trong tất cả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng công an đều phải triển khai lực lượng, biện pháp 24/24 giờ, cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối tượng bảo vệ, do vậy việc bố trí lực lượng trong đêm là bình thường, đúng quy định của pháp luật liên quan”, Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Hôm nay (7/9), TAND TP Hà Nội đưa 29 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ra xét xử.
Liên quan đến vụ án này, chiều 6/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an trả lời báo chí về lý do bố trí lực lượng công an bảo đảm an ninh, trật tự ngay trong đêm.
Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, việc triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn không phải là phương án cưỡng chế giải phóng mặt bằng do đến thời điểm lực lượng quân đội thi công xây dựng tường rào, toàn bộ đất khu đất sân bay Miếu Môn không có tranh chấp, 14 hộ dân có đất canh tác trong diện giải phóng mặt bằng ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đã nhận hỗ trợ và di dời khỏi đất quốc phòng.
“Thời điểm triển khai phương án, việc triển khai bố trí lực lượng sớm, ngay từ trong đêm xuất phát từ 2 yêu cầu. Thứ nhất là căn cứ kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, lực lượng công an có trách nhiệm hoàn tất triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự trước 6h ngày 9/1/2019 để các đơn vị của Bộ Quốc phòng xây dựng đoạn tường rào còn lại trên địa bàn xã Đồng Tâm.
Thứ hai là trong tất cả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng công an đều phải triển khai lực lượng, biện pháp 24/24 giờ, cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối tượng bảo vệ, do vậy việc bố trí lực lượng trong đêm là bình thường, đúng quy định của pháp luật liên quan”, Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020 là vụ án nghiêm trọng, dư luận trong và ngoài nước quan tâm, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật với hành vi manh động, dã man, gây bức xúc dư luận.
Vụ án nêu trên do một nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa đảng viên lôi kéo, lừa mị người dân tham gia các hoạt động sai phạm.
“Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương”, ông Xô nhấn mạnh.
Ông Xô cho rằng, nhóm do Lê Đình Kình cầm đầu với hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài, là một loại “cường hào địa chủ mới”, hậu quả sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Thực tế vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nói về những vấn đề cần rút ra từ vụ án xảy ra tại Đồng Tâm.
Theo cáo trạng, mặc dù biết đất cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận. Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình (ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm) cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số người tại xã Đồng Tâm thành lập “Tổ đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.
Nhóm người này thường xuyên lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm. Đồng thời sử dụng mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật về nguồn gốc đất, kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”.
Từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Kình chỉ đạo “Tổ đồng thuận” và nhiều người khác gây ra nhiều sự việc nghiêm trọng trái với pháp luật. Điển hình như vụ bắt giữ 34 chiến sĩ của Trung đoàn CSCĐ và 4 cán bộ khác.
Khoảng tháng 9/2019, khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng với Lê Đình Công và đồng phạm góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo nhằm tấn công lực lượng chức năng.
Ông Lê Đình Kình cùng đồng phạm tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các video clip trên mạng xã hội, mạng internet. Đồng thời, nhóm này tuyên bố nếu cơ quan chức năng đưa lực lượng đến Đồng Tâm thì sẽ tiêu diệt từ 300 người đến 500 người.
Rạng sáng 9/1/2020, khi thấy lực lượng công an tiến đến cổng làng thôn Hoành (cách nhà ông Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu, Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động.
Các bị cáo sau đó bắn pháo hiệu và cũng bắn pháo về phía lực lượng chức năng; đứng trên mái nhà dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công cảnh sát. Lúc này, tổ công tác nhiều lần dùng loa kêu gọi các nhòm người này dừng các hành vi vi phạm nhưng nhận lại là sự chống đối quyết liệt.
Các chiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân trong khi di chuyển từ cửa sổ tầng 2 nhà Lê Đình Hợi định tiếp cận mái nhà Chức thì bị các đối tượng dùng tuýp sắt có gắn phóng lợn để tấn công, đồng thời ném nhiều gạch đá khiến 3 chiến sĩ ngã từ trên cao xuống một chiếc hố sâu 4m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức.
Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh lấy một can xăng khoảng 5 lít đổ ra chậu. Rồi hai đối tượng đạp chậu xuống hố, châm lửa. Hai kẻ này đã nhiều lần đổ thêm xăng xuống hố, dẫn đến sự hy sinh của ba chiến sĩ.
Ngoài ra, một lực lượng khác áp sát nhà ông Lê Đình Kình và cũng nhận sự chống trả quyết liệt.
Cũng theo cáo trạng, khi cảnh sát phá khóa cửa ngách nhà ông Kình thì thấy người này cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối. Vì vậy, cảnh sát nổ súng 2 lần khiến ông Kình bị thương và chết sau đó.
VKSND TP Hà Nội khẳng định việc lực lượng chức năng nổ súng trong trường hợp này là đúng quy định của pháp luật.
Ông Lê Đình Kình được xác định là chủ mưu trong vụ án nhưng do đã chết nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 7/9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” trong vụ án xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) khiến 3 chiến sỹ công an hy sinh.
Trong số 29 bị cáo có 25 bị cáo bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội “Giết người”, gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung (đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm).
Còn các bị cáo Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Khoản 2, Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Giữ vai trò thực hành công tố và kiểm sát xét xử có 2 kiểm sát viên của VKSND TP Hà Nội.
Tham gia tố tụng có 32 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trong vụ án này. Trong đó có 15 luật sư do bị cáo, gia đình bị cáo mời; 18 luật sư còn lại do tòa án chỉ định bào chữa đối với những bị cáo bị VKS truy tố về tội “Giết người” (có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình), thuộc diện phải có người bào chữa nhưng bị cáo không mời luật sư.
PV/VTC