+
Aa
-
like
comment

Át chủ bài máy bay ném bom trong đối đầu Mỹ – Trung

04/09/2020 10:32

Máy bay ném bom tầm xa từ thời Chiến tranh Lạnh đang được Lầu Năm Góc triển khai và nâng cấp nhằm đối trọng hỏa lực của hải quân Trung Quốc ở các vùng biển chiến lược.

At chu bai moi cua My anh 1

Cuộc hành quân nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm gia tăng thách thức Bắc Kinh với các tuyên bố chủ quyền ngang ngược trên những vùng biển chiến lược.

Giới chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có phát ngôn lẫn hành động ngoại giao nhắm vào Bắc Kinh liên quan đến vấn đề này. Trong khi đó, Lầu Năm Góc bắt đầu dùng đến uy lực từ máy bay ném bom tầm xa để đối trọng với tham vọng của Bắc Kinh tại những vùng biển.

Thông điệp răn đe Bắc Kinh

Kể từ cuối tháng 1, các máy bay ném bom tàng hình B-1B và máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã thực hiện khoảng 20 sứ mệnh trên những vùng biển chiến lược Tây Thái Bình Dương – từ Biển Đông, Biển Hoa Đông đến Biển Nhật Bản. Các máy bay thường không hoạt động đơn độc mà di chuyển theo cặp.

Theo giới phân tích quân sự, những sứ mệnh này nhằm gửi thông điệp đến Bắc Kinh rằng Mỹ đủ khả năng đe dọa hạm đội và mục tiêu đất liền của Trung Quốc vào bất kỳ lúc nào, từ những căn cứ cách xa tiền tuyến. Mỹ thậm chí không cần di chuyển tàu sân bay và những tàu chiến mặt nước đắt giá của mình vào phạm vi đánh chặn của tên lửa Trung Quốc.

Để đối phó với sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày một lớn mạnh, Lầu Năm Góc đang kết hợp những vũ khí cũ và mới nhất trong tay: máy bay ném bom tầm xa thời Chiến tranh Lạnh cùng tên lửa tàng hình tối tân.

At chu bai moi cua My anh 2
Pháo đài bay B-52 của Mỹ chuẩn bị tiếp nhiên liệu trên không ở Afghanistan. Ảnh: Không quân Mỹ.

Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B đã được đưa vào biên chế từ năm 1986. Chiếc mới nhất trong hàng ngũ “pháo đài bay” B-52 được xuất xưởng dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, tức khoảng nửa thế kỷ trước. Những khí tài này vẫn đủ khả năng mang một lượng lớn vũ khí độ chính xác cao.

Quân đội Mỹ có thể trang bị đến 24 tên lửa tàng hình thế hệ mới thuộc dòng LRASM (Tên lửa chống hạm tầm xa) trên một chiếc B-1B. LRASM mới được đưa vào biên chế từ năm 2018. Chúng có thể tiêu diệt mục tiêu cách tối đa 600 km, theo giới chức Mỹ và phương Tây.

“Chỉ cần một chiếc B-1B là đủ để khai hỏa cơ số đạn ngang với một nhóm tác chiến tàu sân bay trong một ngày”, cựu thiếu tướng không quân Mỹ David Deptula, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hàng không Mitchell, cho biết.

Lợi thế của máy bay ném bom tầm xa là có thể nhanh chóng triển khai nếu khủng hoảng xảy ra. Trong khi đó, tùy vào vị trí điểm nóng, tàu chiến có thể mất nhiều tuần mới đến nơi.

“Nếu dùng máy bay ném bom, họ có thể ứng phó tình huống chỉ trong vài giờ”, Deptula lưu ý rằng mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn chiến tranh vì “không ai muốn nhảy vào xung đột với Trung Quốc”.

Các chiến lược gia Trung Quốc lẫn phương Tây đều nhận thấy xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân nếu xảy ra sẽ rất khó kiểm soát.

Trong trường hợp đụng độ bùng nổ thật sự, phản ứng cấp tốc bằng máy bay ném bom tầm xa mang ý nghĩa then chốt cho cục diện. Mỹ và đồng minh sẽ có thời gian để tăng viện hải quân đến Thái Bình Dương, đặc biệt khi hạm đội Mỹ ở khu vực bị hải quân Trung Quốc áp đảo quân số.

Theo người phát ngôn Không quân Thái Bình Dương Veronica Perez, việc công khai thông tin hoạt động của máy bay ném bom nhiều hơn nhằm trấn an đồng minh và đối tác về cam kết của Washington đối với an ninh toàn cầu, ổn định khu vực, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.

“Dù mật độ và quy mô các sứ mệnh thay đổi tùy vào môi trường hoạt động hiện nay, Mỹ vẫn có hiện diện quân sự kiên định và có hoạt động thường xuyên trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, bà nhấn mạnh.

At chu bai moi cua My anh 3
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ghé thăm cảng Hong Kong năm 2017. Ảnh: Reuters.

Thay đổi cán cân hỏa lực

Bằng cách kết hợp máy bay ném bom và tên lửa tầm xa, Lầu Năm Góc đang kỳ vọng xoay chuyển cán cân hỏa lực với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc tại khu vực.

Sau hơn hai thập kỷ, Trung Quốc đã xây dựng được kho tên lửa mặt đất, trên biển lẫn trên không đủ khả năng đe dọa hải quân Mỹ và đồng minh trong trường hợp xung đột nổ ra gần đại lục. Chiến lược “đo ni đóng giày” này nhằm đối phó những nhóm tác chiến tàu sân bay uy lực của hải quân Mỹ và mạng lưới căn cứ hải ngoại – được xem là xương sống sức mạnh quân sự Mỹ ở châu Á.

Sau khi Mỹ triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông vào tháng 7, PLA lập tức thị uy với vụ phóng tên lửa đạn đạo DF-26 ra vùng biển. DF-26 được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.

Lầu Năm Góc ngày 26/8 xác nhận Trung Quốc trước đó hai ngày tiếp tục phóng bốn tên lửa đạn đạo tầm trung ra Biển Đông, tại khu vực giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái bị lên án là đe dọa an ninh khu vực.

Tuy nhiên, tên lửa tầm xa cũng chính là yếu điểm của hải quân Trung Quốc. Mạng lưới căn cứ và quân cảng của PLA cũng có nguy cơ trở thành bia ngắm bắn cho tên lửa.

Trong kịch bản xung đột, máy bay ném bom Mỹ ngoài Tây Thái Bình Dương có thể đe dọa tàu chiến Trung Quốc ngay tại căn cứ ven biển hoặc đang hoạt động trong “chuỗi đảo thứ nhất” (chuỗi đảo từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, quần đảo Philippines đến đảo Borneo ngăn cách các vùng biển gần Trung Quốc với Tây Thái Bình Dương).

Tàu chiến Trung Quốc còn đối diện rủi ro lớn hơn nếu vượt qua vành đai này, tiến vào Tây Thái Bình Dương, rời khỏi vùng bảo vệ của lưới phòng không đất liền và máy bay chiến đấu.

Vấn đề là hải quân Mỹ không còn quyết liệt trang bị tên lửa chống hạm tầm xa và hiện đại cho các tàu chiến mặt nước. Khi kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh kết thúc, Washington mặc định mình không có đối thủ trên biển. Trung Quốc đã âm thầm lợi dụng sơ hở này.

Thực tế là Mỹ và các đồng minh vẫn còn lực lượng tàu ngầm tấn công hùng mạnh, đủ khả năng đe dọa tàu chiến của PLA. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần đến máy bay ném bom để lấp đầy khoảng trống hỏa lực cho đội tàu mặt nước, giữa giai đoạn Lầu Năm Góc đang điều chỉnh mục đích sử dụng của kho tên lửa hiện tại và trang bị tên lửa thế hệ mới cho tàu khu trục lẫn tàu hộ tống.

Mỹ có thể triển khai máy bay ném bom tầm xa từ những đường băng cách xa Trung Quốc, kể cả trường hợp tên lửa Trung Quốc vô hiệu hóa các căn cứ then chốt của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam.

Những căn cứ này là di sản của Thế chiến II, Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc khi đó không có nhiều phương án để đe dọa tiền đồn của Mỹ. Tình hình giờ đã khác.

At chu bai moi cua My anh 4
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc trong một sự kiện duyệt binh tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Át chủ bài chưa toàn diện

Ngày 17/4, Không quân Mỹ chính thức chấm dứt chương trình luân chuyển và hiện diện liên tục máy bay ném bom chiến lược trên đảo Guam. Máy bay đồn trú được rút về lãnh thổ đất liền.

Máy bay ném bom không còn hiện diện thường trực tại Guam là tổn thất lớn cho năng lực răn đe của Mỹ đối với Trung Quốc và Triều Tiên. Theo Peter Layton, cựu quan chức không quân Australia, quyết định này tạo ấn tượng “đầu tư quân sự của Trung Quốc đã thành công”.

Từ hòn đảo đến Biển Đông chỉ tốn 5 giờ bay. Trong khi đó, một chiếc B-1B nếu cất cánh từ Mỹ đi cùng máy bay tiếp dầu phải mất 15 tiếng để đến Tây Thái Bình Dương. Nếu cất cánh từ Hawaii, chuyến bay kéo dài khoảng 9 tiếng. Căn cứ gần nhất của Mỹ ngoài các tiền đồn châu Á – Thái Bình Dương nằm ở phía bắc Australia. Máy bay xuất phát từ đây và không cần tiếp dầu cũng mất 6 tiếng để đến nơi.

Lầu Năm Góc còn đối diện một thách thức khác trong bài toán hỏa lực. Trong khi sức mạnh của PLA ngày càng lớn, đội máy bay ném bom của Mỹ lại thu hẹp nhanh chóng. Từ quân số hơn 400 máy bay các loại vào cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, lực lượng này hiện còn 158 chiếc. Trong đó, có 62 chiếc B-1B và 76 chiếc B-52. Mỹ chỉ bổ sung thêm 20 máy bay ném bom tàng hình B-2.

Trong năm 2021, không quân Mỹ dự kiến cho nghỉ hưu thêm 17 chiếc B-1B sau bốn thập kỷ vận hành. Nguồn lực sẽ được tập trung vào số máy bay ném bom còn lại, chờ ngày máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 trình làng. Thời gian chờ đợi sẽ kéo dài gần cả thập kỷ vì tập đoàn Northrop Grumman còn chưa đóng xong nguyên mẫu đầu tiên.

Dù không áp đảo về số lượng, lực lượng máy bay ném bom Mỹ vẫn duy trì được sự vượt trội về công nghệ, đặc biệt là phương diện chia sẻ thông tin liên binh chủng.

Mỹ và các đồng minh đang nuôi tham vọng liên kết toàn bộ hệ thống giám sát và vũ khí trong khu vực thành một mạng lưới truy dấu mục tiêu tối tân. Thông tin về mục tiêu có thể được chia sẻ giữa các trạm radar, vệ tinh, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, tàu sân bay và cả lực lượng mặt đất.

At chu bai moi cua My anh 5
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam năm 2018. Ảnh: Không quân Mỹ.

Đặt trong mạng lưới tác chiến này, máy bay ném bom Mỹ có thể tiếp cận đối phương từ nhiều hướng, khai hỏa hàng loạt tên lửa khó bị phát hiện vào nhiều mục tiêu cùng lúc. Bên cạnh đó, máy bay Mỹ có thể rải mìn biển với độ chính xác cao nhằm khóa chặt những tuyến đường hàng hải hoặc cảng biển chiến lược.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia không quân phương Tây vẫn hoài nghi về lợi thế của máy bay ném bom Mỹ trong kịch bản xung đột với Trung Quốc.

PLA đã dành hàng thập kỷ chuẩn bị hệ thống phòng không hỗn hợp giàu sức mạnh. Dù máy bay Mỹ đánh chìm được tàu chiến Trung Quốc, hay bí mật xâm nhập thành công không phận và không kích mục tiêu trên đất liền, chiến thắng một trận đánh không đồng nghĩa giành phần thắng cả cuộc chiến.

Ngoài ra, nếu xung đột nổ ra ở ngoại vi Trung Quốc, việc duy trì nó ở mức cục bộ vẫn là nhiệm vụ bất khả thi. Peter Layton cảnh báo cả hai cường quốc đều có vũ khí hạt nhân và rủi ro xung đột leo thang là hoàn toàn khả thi.

“Nếu một bên nhận ra họ đang thua, điều gì sẽ xảy ra?”, ông lo ngại.

Thanh Danh/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều