AstraZeneca về Việt Nam – một hành trình đầy gian nan và liều lĩnh
Khi tôi viết những dòng chữ này thì chỉ trong đêm qua (16/6) Việt Nam đã có 159 ca mắc mới và riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có 45 ca. Câu chuyện về vắc-xin trở thành chủ đề được dư luận toàn xã hội quan tâm là điều dễ hiểu.
Cần nhắc lại cho các bạn có một cái nhìn toàn cảnh hơn, vào cuối năm 2020, khi mà dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là ở Mỹ và Châu Âu, việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 là yêu cầu bức thiết của tất cả các quốc gia có nền y học phát triển hàng đầu hành tinh.
Lúc bấy giờ, hãng dược phẩm AstraZeneca và ĐH Oxford đang nghiên cứu phát triển loại vắc xin đặt tạm tên là AZD1222 và nếu thành công thì chắc chắn phải được ưu tiên sử dụng cho thị trường châu Âu – quê hương nơi nó ra đời, sau đó mới tính chuyện xuất khẩu khắp 5 châu nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Tháng 11/2020, để “giành giật” quyền được mua sớm vắc-xin đem về Việt Nam, một doanh nghiệp của chúng ta thay vì đứng sắp hàng bốc số chờ đợi trong vô vọng để nhà sản xuất cho vài suất mua vắc-xin theo chính sách dành cho nước nghèo thì họ đã quyết định đặt cọc 30 triệu USD (tầm 700 tỷ đồng) để được mua AstraZeneca ngay khi nó chỉ đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Mà đã là “thử nghiệm” thì có thể thành công nhưng cũng có khi thất bại. Và thất bại – là mất tiền. Gọi là “đặt cọc” cũng được mà gọi là đầu tư cho quá trình nghiên cứu vắc xin Covid AstraZeneca cũng được.
Doanh nghiệp “to gan” ấy chính là Công ty CP Vắc xin Việt Nam (VNVC) – sở hữu hệ thống 54 trung tâm tiêm chủng hiện đại nhất hiện nay trên toàn quốc.
Khi AstraZeneca được Châu Âu đưa vào sử dụng, ngày 01/02/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức phê duyệt có điều kiện vắc-xin này cho nhu cầu cấp bách trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chưa đầy 3 tuần sau, 24/02/2021, lô vắc-xin 117.600 liều ngừa COVID-19 đầu tiên theo hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Chúng ta là một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vắc xin phòng COVID-19 uy tín hàng đầu thế giới.
Cần phải nói thêm, không phải cứ có tiền là người ta bán, muốn mua phải chứng minh được rất nhiều tiêu chí. Đại diện AstraZeneca ông Nitin Kapoor đã khẳng định “với sự cho phép và hỗ trợ của Bộ Y Tế, đồng thời đánh giá những năng lực vượt trội của VNVC” nên Hợp đồng giữa VNVC và AZ đã được kí kết.
VNVC còn phải chứng minh các năng lực về nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, triển khai tiêm chủng và cam kết bình đẳng, chống gian lận, phá giá, tăng giá trong triển khai tiêm chủng… Ngoài việc xuống “tiền tươi” còn phải có hàng tá điều kiện tốt khác nữa thì mới có thể đàm phán được.
Bởi vậy các bạn đừng hỏi những câu vô nghĩa kiểu “Vì sao chỉ có VNVC mua được vắc xin?”.
Đơn giản vì họ có đầy đủ tiêu chí về cơ sở vật chất và đặc biệt họ dám đưa ra một quyết định LỊCH SỬ vô cùng LIỀU LĨNH mới có được quyền đặt bút ký vào hợp đồng đặc biệt này.
Vắc xin là chế phẩm vô cùng “đỏng đảnh”, cần một quy trình khoa học để bảo quản và phân phối. VNVC đã đầu tư lớn để triển khai xây mới thêm, nâng cấp hệ thống kho lạnh bảo quản chuyên dụng, mở hàng loạt trung tâm tiêm chủng mới, đào tạo hàng ngàn bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên, đón đầu nhu cầu bức thiết.
Hiện nay VNVC có 54 trung tâm trên toàn quốc, với gần 60 kho lạnh đạt chuẩn GSP, bảo quản một lúc tương đương 170 triệu liều vắc xin, trong đó đặc biệt quý giá là 3 kho siêu lạnh từ -86 đến -40 độ.
Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai một chiến dịch tiêm chủng thần tốc, lớn chưa từng có trong lịch sử. Tất nhiên là vô cùng tốn kém.
Các bạn cần hiểu rằng, cơ chế chi một khối lượng tiền đặc biệt lớn kèm rủi ro như thế chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới có thể làm được, còn nếu đợi nguồn từ ngân sách là không thể vì quy trình tài chính không chỉ riêng Việt Nam mà của bất cứ quốc gia nào cũng đều phức tạp. Bỏ tiền túi mua cái ô tô luôn đơn giản hơn xuất quỹ cơ quan mua cái xe đạp.
Ngay khi 117.600 liều về đến Việt Nam, tình hình dịch bệnh ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… đang vô cùng phức tạp. Lúc bấy giờ, theo yêu cầu của Bộ Y tế, VNVC đã lập tức xuất kho chi viện cho chiến trường chống dịch mà gần như không có trong tay bất cứ văn bản hành chính nào với chính quyền. Xe của VNVC, kho lạnh của VNVC, con người của VNVC đã tham gia trận chiến chống giặc dịch với tinh thần vô vụ lợi như thế.
30 triệu liều quý báu ấy, VNVC xin được bàn giao PHI LỢI NHUẬN cho Chính quyền (đại diện là Bộ Y tế) trên tinh thần mua của AstraZeneca bao nhiêu thì bán lại đúng bấy nhiêu, mọi chi phí khác về lãi suất ngân hàng, đàm phán, vận chuyển, bảo quản, nhân sự, cũng như đầu tư hạ tầng… sẽ do VNVC chi trả.
Nhắc cho các bạn nhớ 700 tỷ tiền tươi mà gửi ngân hàng thì lãi suất thời gian quan đã là bao nhiêu? Mà đối với doanh nghiệp, họ hoàn toàn có thể đầu tư các mảng sinh lợi nhuận ngay lập tức như chứng khoán, bất động sản… chứ không ai dại gì đi mua một sản phẩm về bán lại nguyên giá và chưa biết ngày nào thu lại vì cơ chế thanh toán của nhà nước chưa bao giờ nhanh chóng cả.
Ngoài lòng yêu nước, yêu chính đồng bào của mình và tinh thần hào hiệp của một doanh nghiệp, thì liệu có căn cứ nào để giải thích cho loại hợp đồng khó hiểu mà VNVC chấp nhận thua thiệt trăm bề để ký hay không?
Tính đến tháng 05/2021, VNVC đã đưa về Việt Nam tổng cộng 405.200 liều vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca. Sau lô vắc xin thứ 2 này, dự kiến trong các tháng tiếp theo, VNVC sẽ tiếp tục nhận thêm hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca mỗi tháng… nhưng đến giờ thật tiếc rằng vẫn chưa có một cơ chế hay cam kết gì cho doanh nghiệp để họ yên tâm tiếp tục cùng chính quyền chống dịch bệnh.
Hôm qua đến giờ, trên mạng ầm ĩ câu chuyện trách móc, chửi rủa tại sao không nhanh chóng xuất vắc-xin cho dân. Tôi giải thích cho các bạn hiểu rằng, dịch bệnh là vấn đề ngắn hạn, là câu chuyện xưa nay gần như chưa từng xảy ra vì thế cơ chế, quy định, quy trình về các hoạt động chống dịch chưa đầy đủ.
Nếu bất chấp mà ký những văn bản vội vàng, khi hậu quả xảy ra thì cũng chính cộng đồng mạng sẽ đòi treo quan chức lên giàn thiêu, sẽ dửng dưng thả haha trên những bản tin truy tố, bắt bớ… và rồi hàng loạt bài báo ác ý, xỉa xói sẽ ra đời chiều theo thị hiếu khát máu của một bộ phận người đọc vô tâm, vô tình. Khi ấy ngoài quy định ra thì không có gì bảo vệ những người cầm quân chống dịch. Trách là trách miệng đời bạc ác mà thôi.
Đã linh động thì không nguyên tắc, đã nguyên tắc thì không linh động. VNVC và Bộ Y tế đã rất nỗ lực để báo cáo chính quyền, ngay trong ngày 15/6 Thủ tướng chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay trên tinh thần ưu tiên cao nhất cho mục tiêu chống dịch. Sẽ không có mũi tiêm nào hoang phí, đó là điều chắc chắn và các bạn hãy tin vào điều đó. Và VNVC hãy tin rằng, Chính phủ sẽ có cơ chế đấu thầu đặc biệt để chi trả lại đầy đủ số tiền vốn mà doanh nghiệp đã mạnh dạn bỏ ra.
Nói để thấy, sự nỗ lực không ngừng của VNVC trong suốt thời gian qua xứng đáng được trân trọng, niềm động viên, an ủi lớn nhất chính là từ dư luận xã hội, từ sự cảm thông và chia sẻ của cộng đồng.
Nhiều các bạn chắc không biết, chương trình “Giai điệu tự hào” một thời gian dài chiếm sóng và khiến khán giả thuộc nhiều thế hệ xúc động, tự hào về lịch sử dân tộc cũng chính do “Ông chủ của VNVC – Dược phẩm ECO” tài trợ chính. Giờ đây chúng ta nghe nhạc, yêu nhạc chứ mấy ai còn nhớ đến nhãn hàng Alipas thầm lặng đồng hành cùng chương trình suốt mấy năm qua?
Cách đây 7 năm, Ngày 13/5/2014, khi dàn khoan HD981 lầm lũi kéo vào biển Đông gây dậy sóng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ tiếp nhận và công bố Bộ Atlas thế giới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO trao tặng, mà nếu kể về công sức và mức độ chịu chi để quyết mua bằng được vật phẩm quý giá này (kỷ vật duy nhất trong bộ sưu tập tư nhân chứ không phải bảo tàng chính phủ), chắc nhiều các bạn cũng không thể tin nổi.
Một bề dầy thành tích cống hiến cho quốc gia dân tộc như vậy thể hiện tầm nhìn là lương tri, trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp nhất là trong những ngày đất nước khó khăn như hiện nay. Hôm nay, sau nhiều vướng mắc, cơ chế đã dần thông thoáng mở đường cho từng mũi tiêm ghé đến bắp tay nhân dân sau những lần xoa cồn hoan hỉ. Sử dụng mạng xã hội, điều tiên quyết để bảo vệ mình là tuyệt đối không nghe xúi dục chửi bới doanh nghiệp, chính quyền về chiến lược vắc-xin.
Đất nước may mắn có những doanh nghiệp dám “vác tù và hàng tổng” một cách vô tư như vậy, thì hà cớ gì dân tộc này không có tương lai?