Asia Times: Việt Nam tỏa sáng với tư cách là người chiến thắng cơn khủng hoảng toàn cầu
Với tiêu đề “Vietnam shining bright as Covid crisis winner”, trang Asia Times đã đưa ra nhận định rằng Việt Nam dường như đang trở thành một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới chiến thắng toàn vẹn cơn địa chấn do Covid mang lại, không chỉ về dịch bệnh mà còn vì những thành quả kinh tế đáng nể trong năm 2020.
Trang Asia Times cho rằng, Việt Nam chính là một trong số ít nước trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 bất chấp sự sụp đổ toàn cầu về thương mại, du lịch và đầu tư do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đằng sau thành công kinh tế khá ấn tượng của Việt Nam là một số nhân tố thúc đẩy cực kỳ quan trọng, góp phần cho sự thành công khiến cả thế giới ghen tị và nể phục.
Mấy ngày trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 2,4% trong năm 2020. Trước đó, vào tháng 6, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Ngày 15/11, Hà Nội chủ trì lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Thương mại toàn cầu của Việt Nam đang khả quan.
Thành công về kinh tế của Việt Nam thực sự là một điểm sáng trong bối cảnh chính phủ luôn tuyên bố sẽ không đặt vấn đề phục hồi kinh tế lên trên sức khỏe cộng đồng. Khả năng phục hồi của Việt Nam không chỉ khiến các nước láng giềng Đông Nam Á “ghen tị” mà còn được quốc tế đánh giá cao.
Tháng 10/2020, Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố Chỉ số quyền lực châu Á cho thấy hình ảnh quốc tế của Việt Nam được cải thiện tốt nhất ở châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay, với số điểm về sức ảnh hưởng ngoại giao tăng 6 điểm phần trăm.
Đầu năm nay, Viện nghiên cứu Lowy cho biết Việt Nam là nền kinh tế có mức tăng cao thứ 3 về danh tiếng quốc tế vì đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 (chỉ đứng sau Đài Loan – Trung Quốc và New Zealand).
Về mặt nào đó, Việt Nam có lợi thế hơn các nước láng giềng Đông Nam Á. Giống như Trung Quốc, tăng trưởng GDP của Việt Nam được thúc đẩy bởi sản xuất và xuất khẩu, vốn dễ duy trì đà tăng trưởng hơn trong thời kỳ đại dịch so với các lĩnh vực phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa. Năm 2019, ngành dịch vụ chiếm 45% GDP của Việt Nam, nhưng chỉ tăng trưởng 3,2% trong quý I/2020, giảm từ mức 6,5% trong cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế Việt Nam cũng ít phụ thuộc hơn vào du lịch so với các nước Đông Nam Á khác, khi chỉ chiếm 9% GDP trong năm 2018 so với tỷ lệ 32% của Campuchia và 20% của Thái Lan. Do đó, Việt Nam chịu ít áp lực hơn trước sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế.
Việt Nam cũng đã bước vào năm 2020 với lợi thế 2 năm tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc khiến nhiều công ty sản xuất nước ngoài chuyển hoạt động sang Việt Nam, nơi các quan hệ thương mại với Mỹ ổn định hơn và ít bị đánh thuế hơn.
Tuy nhiên, trong báo cáo tuần này, IMF cho rằng “các bước mang tính quyết định của Hà Nội trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế và sức khỏe từ dịch Covid-19” là động lực chính cho mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Đây là sự ghi nhận cho các phản ứng nhanh và hiệu quả của Đảng, Chính phủ được tiến hành một cách vô cùng minh bạch.
IMF dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5% “khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước trở lại bình thường”.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận 21,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào các dự án mới và rót vốn ra nước ngoài, tương đương khoảng 80% tổng vốn đầu tư mà Việt Nam nhận được so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khoản đầu tư trong năm nay phải chờ đến năm 2021 hoặc muộn hơn mới được triển khai – điều này cũng cho thấy chỉ dấu phục hồi kinh tế ổn định.
Sự chuyển biến chính trị ở Mỹ dù có thế nào cũng có lẽ sẽ đem lại nhiều tin tức tốt cho kinh tế Việt Nam. Cho đến hiện tại, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hầu như vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Việt Nam. Hà Nội có thể cũng sẽ vẫn tìm thấy một đối tác đáng tin cậy nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Chưa thể nói trước được điều gì về sự phát triển của Việt Nam trong năm tới, tuy nhiên, điều chắc chắn là năm 2021, nền kinh tế Việt Nam có thể một lần nữa sẽ khiến khu vực phải “ghen tị”.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Asia Times)