ASEAN trở thành “sân sau” trong cuộc chiến Mỹ -Trung, Việt Nam nên đứng ở đâu
Trong cuộc chiến Mỹ – Trung, thời gian qua, ai cũng thấy Mỹ đã tăng cường sự liên kết đồng minh, kích hoạt lại mạnh mẽ “tứ giác an ninh” cốt là để chơi sát ván, chặn đường phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại biển Đông dù muốn hay không thì Trung Quốc vẫn là quốc gia nắm ưu thế hơn Mỹ.
ASEAN – con át chủ bài Trung Quốc dùng để vây Mỹ và liên minh
Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX xác định: chính sách ngoại giao đối với ASEAN mang sứ mệnh mới. Sứ mệnh này mang ý nghĩa tối thượng, được Đảng Cộng sản Trung Quốc xác quyết là phải bước vào “giai đoạn phát triển toàn diện”, trong đó, hợp tác kinh tế xanh được Trung Quốc xem là trọng tâm, nền tảng để phát triển “Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN 2030”, cũng như bước đi quan trọng để xúc tiến xây dựng “cộng đồng vận mệnh chung Trung Quốc-ASEAN”.
Mục đích Trung Quốc đẩy mạnh thúc đẩy, thông qua sớm nhất chương trình hợp tác “kinh tế xanh” với ASEAN, không gì ngoài mục đích xác lập một chính sách dành riêng cho khu vực ASEAN và biển đông đế đối trọng với “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” và “Mạng lưới điểm Xanh” của Mỹ; hướng tới xây dựng kinh tế biển Đông, biến biển Đông thành tuyến đường chiến lược, vùng biển trọng điểm trên tuyến con đường tơ lụa.
Hiện nay, ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc minh chứng cho ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng cộng đồng vận mệnh chung Trung Quốc – ASEAN. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã hoạch định kế hoạch hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực như du lịch biển, khai thác tài nguyên biển, bảo tồn sinh thái biển, sáng tạo công nghệ biển, nông nghiệp biển, vận tải biển, khai thác tài nguyên đảo, xây dựng cơ sở hạ tầng trên biển… Đặc biệt, cảng thương mại tự do Hải Nam được định là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc hướng ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việc xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế xanh Trung Quốc- ASEAN nếu thành công, sẽ phục vụ cho đại cục ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời sẽ là cơ hội chiến lược để Trung Quốc phát triển kinh tế vững mạnh.
Chuyện gì xảy ra nếu nhất thể hóa kinh tế Trung Quốc- ASEAN? Chắc chắn sẽ là điều bất lợi với Mỹ và các nước đồng minh. Và bản thân các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ cũng đã sớm nhận ra điểm huyệt này!
Có câu, rừng nào cọp nấy, trong khu vực ASEAN, dù muốn hay không thì Trung Quốc vẫn đang là quốc gia chiếm thế thượng phong, có sự tác động mạnh mẽ lên các thành viên. Và để giảm sức mạnh, sự chi phối của Trung Quốc trong khối ASEAN, Mỹ tìm cách kết thân đặc biệt với các quốc gia có liên quan đến chủ quyền phi lý mà Trung Quốc tuyên bố, chiếm giữ trái phép. Tuy nhiên, chiêu thức mà Mỹ sử dụng, dường như chưa đủ thuyết phục ASEAN.
Cách đây không lâu, trong cuộc trao đổi thông tin định kỳ, sau khi đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo Malaysia, bày tỏ rõ sự lo lắng việc các quốc gia ASEAN sẽ bị Trung Quốc thúc ép, thuyết phục, từ đó đi đến đồng thuận với Trung Quốc về khái niệm “kinh tế xanh”, tạo điều kiện để hợp pháp hóa hoặc làm lệch hướng đánh giá về hoạt động phức tạp của Trung Quốc trên biển Đông. Liền sau đó, Malaysia tuyên bố không muốn rơi vào bẫy của cuộc đấu Mỹ-Trung.
Mặc dù bên ngoài, Mỹ thể hiện hàng loạt các hành động tưởng chừng cứng rắn, như tập trận, cho các chiến đấu cơ quần thảo trên biển Đông hay điều quân tới đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương để đối phó với Trung Quốc. Bên cạnh hành động điều động quân sự, để tăng sức nặng cho “bộ giáp”, Mỹ đã ồ ạt cho truyền thông dọn đường, phô trương sức mạnh như Forbes vừa đăng bài phân tích cho rằng, quân đội Mỹ có thể sẽ đánh chiếm các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc nếu xảy ra xung đột ở biển Đông. Tuy nhiên, chưa một quốc gia nào trong ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc. Ngay cả Philippines cũng thẳng thừng nhận định “không chống Trung Quốc” vì Mỹ xa ½ bán cầu và nếu có việc gì, thì không ai khác chính nước này phải nhận hậu quả, tổn thất, chứ không phải Mỹ hay quốc gia nào khác. Mỹ đã phải cáu gắt, kêu gọi khối ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc, bằng cách ủng hộ Mỹ tại biển Đông và thể hiện rõ lập trường.
Có thể nói, cuộc chiến Mỹ – Trung ngày càng diễn ra kịch liệt, nhiều sóng ngầm và không ít mưu mô của các ông lớn đang giăng ra. 11 quốc gia trong ASEAN ít nhiều đều đã và đang có quan hệ sâu sắc với 1 hoặc cả 2 cường quốc, như Phillippines đang là đồng minh của Mỹ nhưng có xu hướng ngả về Trung Quốc. Vậy thì Việt Nam, với đường lối ngoại giao của mình, câu hỏi đặt ra ngay lúc này, Việt Nam sẽ cưỡng lại làn sóng lôi kéo của hai cường quốc như thế nào?
Thanh Ngọc