ASEAN quyết tâm thiết lập lại hoà bình ở Myanmar
Mới đây, ASEAN đã họp phiên đặc biệt ở thủ đô Jakarta của Indonesia bàn về tình hình bất ổn ở Myanmar và tìm giải pháp đẩy nhanh việc thiết lập lại hòa bình cho quốc gia này.
Được biết, Myanmar bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng chính trị từ tháng 2 năm ngoái, khi diễn ra nhiều cuộc đột kích do quân đội tổ chức nhằm bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của chính quyền dân sự lúc đó.
Động thái trên được cho là sự trả đũa của quân đội với cáo buộc Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 giúp đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Từ đó, quốc gia Đông Nam Á này luôn trong tình trạng báo động về an ninh trật tự và buộc Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Myanmar ban hành tình trạng khẩn cấp thời gian dài.
Sự suy yếu của nền chính trị Myanmar đã dẫn đến việc hàng trăm ngàn người dân kéo xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn và nhiều địa phương, bất chấp sự cảnh báo từ lực lượng vũ trang. Hàng trăm người biểu tình thiệt mạng, hàng ngàn người bị bắt. Tình trạng hỗn loạn càng kích động tâm lý phản kháng, làm gia tăng căng thẳng và bạo lực trên diện rộng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nội chiến chỉ còn là vấn đề sớm muộn.
Không chỉ dừng lại ở đó, mới đây Myanmar còn bị cơ quan giám sát tài chính toàn cầu đưa vào danh sách đen vì không ngăn chặn được các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đây sẽ là một đòn chí mạng giáng vào nền kinh tế đang thiếu hụt ngoại tệ và vận hành rất ì ạch. Có thể thấy, kinh tế và chính trị là hai vấn đề nổi cộm hiện nay của Myanmar, đe doạ cuộc sống của nhiều người dân vô tội. Điều này đặt ra thách thức cho các quốc gia Đông Nam Á, nếu không thể sớm khắc phục tình trạng này ở Myanmar thì khó mà duy trì khu vực ASEAN hoà bình và vững mạnh.
Tại hội nghị, Đại diện Campuchia đã nhắc lại vụ đánh bom tại nhà tù lớn nhất ở Myanmar cũng như vụ không kích của quân đội Myanmar tại bang Kachin xảy ra gần đây khiến nhiều người thiệt mạng. Điều này cho thấy tình trạng bạo lực tại quốc gia Đông Nam Á này đang leo thang ở mức đáng báo động.
Bên cạnh đó, hội nghị tiến hành xem xét lại tiến độ triển khai kế hoạch Đồng thuận 5 điểm đã được ASEAN nhất trí vào tháng 4 năm ngoái về kêu gọi chấm dứt bạo lực, tăng cường viện trợ nhân đạo cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các bên tại Myanmar. Về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia (nước đang giữ vai trò là chủ tịch luân phiên ASEAN) Prak Sokhon cho biết, việc thực hiện thỏa thuận nói trên đã đạt được một số bước tiến nhưng tốc độ triển khai còn chậm. Ông cũng nhấn mạnh rằng hội nghị lần này cho thấy quyết tâm hơn nữa của ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề tại Myanmar.
Đáng chú ý, chính quyền quân sự Myanmar không tham dự cuộc họp ngày 27-10 của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và khả năng cũng sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cấp cao vào tháng 11 tới. Các lãnh đạo quân đội của Myanmar đã bị cấm tham gia các cuộc họp của ASEAN kể từ năm 2021, sau khi lực lượng vũ trang của nước này tiến hành chính biến. Tuy các chỉ huy quân đội không được mời tới dự cuộc họp vừa qua của ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia – Retno Marsudi đã cho mời một số đại diện dân sự Myanmar đến dự cuộc họp nhưng họ cũng không xuất hiện.
“Cuộc họp không phải một hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar mà nhằm thể hiện sự quan tâm của ASEAN tới các quốc gia thành viên của khối”, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi chia sẻ với tờ The Jakarta Post.
Qua hội nghị, các nước trong khu vực cho thấy mong muốn hỗ trợ ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả các vùng, miền và mọi người dân của các quốc gia. Đặc biệt, việc đặt lại hoà bình cho Myanmar cũng sẽ góp phần giữ gìn một khu vực ASEAN hoà bình, ổn định, đoàn kết và thống nhât.
Tuệ Ngô (Theo Jakarta Post)