+
Aa
-
like
comment

ASEAN không còn “nhường” Trung Quốc yêu sách phi pháp ở biển Đông

04/09/2020 16:55

Có một “lằn ranh đỏ mờ” mà Trung Quốc muốn áp đặt trên biển Đông: Họ chấp nhận các phản đối về quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo nhưng không thích bị nhắc đến phán quyết của tòa án quốc tế. Giờ đây, các nước ASEAN không còn “chiều” Bắc Kinh nữa.

ASEAN và cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền như Mỹ đã đệ trình lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền phi lý quá trình ráo riết quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố thể hiện lập trường được chú ý, Phủ Tổng thống Philippines mới đây nêu rõ, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không nhường bất kỳ “một tấc đất nào” thuộc lãnh thổ của nước này cho các quốc gia khác. Tuyên bố này của Phủ Tổng thống Philippines đưa ra ngay sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, một trong những nhà ngoại giao trẻ thuộc lứa “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc, cáo buộc Philippines vi phạm an ninh và chủ quyền của Trung Quốc khi điều máy bay quân sự đến gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời kêu gọi Philippines “ngừng các hành động khiêu khích bất hợp pháp” trên Biển Đông.

Các thành viên ASEAN cũng như cả hiệp hội càng “lùi”, càng “nhường” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì cường quốc này càng lấn tới, có những hành vi hung hăng, gây hấn và quân sự hóa ráo riết hơn để hiện thực hóa bằng được tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Đó chính là nhân tố thúc đẩy các nước ASEAN thấy rằng không thể “nhân nhượng” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tập trận ở biển Đông.

Một trong những tín hiệu rõ ràng nhất là một loạt các Công hàm ngoại giao mà các quốc gia liên quan đến việc tranh chấp ở Biển Đông trong ASEAN và cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền như Mỹ và Úc đệ trình lên Liên hợp quốc thời gian qua để phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Các công hàm này không phải là công hàm ngoại giao thông thường giữa các quốc gia, mà được đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc với yêu cầu chúng được chuyển đến các quốc gia thành viên khác.

“Cuộc chiến công hàm” về biển Đông phát sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12-2019. Mới nhất, hôm 20-8, Philippines gửi công hàm ngoại giao phản đối lực lượng Trung Quốc tịch thu ngư cụ của ngư dân nước này ở biển Đông. Và tất nhiên, không thể thiếu Việt Nam. Tháng 4 vừa qua, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc vừa gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Công hàm phản đối của Việt Nam đệ trình lên Liên Hợp Quốc.

Lập trường mới của ASEAN đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, theo giới chuyên gia, sẽ thúc đẩy các thành viên trong ASEAN có tiếng nói chung, xây dựng mặt trận thống nhất.

Tổng hợp 

Bài mới
Đọc nhiều