+
Aa
-
like
comment

ASEAN đồng lòng và nước cờ khôn ngoan của Việt Nam

Đặng Trường - 19/05/2022 10:06

Một tuần qua, dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm đến chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sáng chủ nhật đi cà phê, ông bạn già cũng lân la bàn luận hiệu quả của chuyến đi này.

Thủ tướng Phạm Minh riêng vui vẻ với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại bữa tiệc chiêu đãi các lãnh đạo ASEAN.

Nói thật, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã bước qua thời gian “thử lửa, thử vàng”, bây giờ nó đang ở thời kỳ phát huy giá trị và đi sâu vào hiệu quả thực chất. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2021 là lần đầu thương mại song phương cán mốc gần 112 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020. Thậm chí, trong giai đoạn, Việt Nam thiếu hụt nguồn vaccine phòng ngừa dịch Covid-19, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia được Mỹ viện trợ vaccine nhiều nhất với 5 triệu liều Moderna. Ngay trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tặng thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer và 500.000 liều đã đến Việt Nam chỉ trong 24 giờ.

Triết học từng khẳng định: “Vật chất quyết định ý thức”, điều đó không gì có thể cản được, khi kinh tế đã xuôi thì các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, quốc phòng,… chỉ là tuần tự tiếp theo. Chưa kể đến, 5 triệu Việt kiều Mỹ đóng góp hơn 10 tỷ USD kiều hối mỗi năm, là nguồn lực quý báu để Việt Nam thẳng tiến xích lại gần Mỹ. Cựu Tổng thống Barack Obama khi thăm Việt Nam năm 2018 cũng đã trích Kiều trong diễn văn của mình: “Rằng trăm năm cũng từ đây; Của tin còn một chút này làm ghi”. Rõ ràng, cựu Tổng thống Mỹ đã mượn Kiều để nói lên cam kết xây dựng quan hệ Việt-Mỹ bền vững cho 100 năm tiếp theo, chứ không dừng lại 10 năm hay 25 năm tiếp theo. Tất cả những gì kể trên đã tự nói lên mối quan hệ đối tác toàn diện tốt đẹp giữa hai nước.

Chuyến đi thăm dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN tại Mỹ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ là cơ hội đưa mối quan hệ hai nước hợp tác sâu rộng, thiết thực, hiệu quả hay thể hiện thông điệp mạnh mẽ về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quốc tế, hòa bình và phát triển, cùng có lợi; Hay là cam kết của Việt Nam là người bạn và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế tại trụ sở Liên Hợp quốc mà còn góp phần lớn gắn kết các nước ASEAN, tạo được sự đồng lòng, giúp mỗi quốc gia không đơn lẻ trong mối quan hệ với Mỹ và cũng không đơn lẻ ứng phó với “sự trỗi dậy” của Trung Quốc. Thay vào đó là một nước cờ táo báo, khôn ngoan “ASEAN và Mỹ là đối tác chiến lược”. Cá nhân tôi thấy, Việt Nam đã làm được một điều mà không một quốc gia ở Đông Nam Á làm được.

Các nước ASEAN và Mỹ cam kết thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 10 vào tháng 11/2022.

Ai cũng rõ, Việt Nam vẫn kiên định với kiểu “ngoại giao cây tre”, mềm dẻo, ôn nhu, cứng rắn để “ứng vạn biến”. Nếu như ASEAN có mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thì việc Việt Nam có nâng cấp mối quan hệ với Mỹ hay không cũng chẳng còn là vấn đề quan trọng nữa. Bởi trong khuôn khổ hợp tác ASEAN – Mỹ thì Việt Nam đã gián tiếp hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc hay bất kỳ nước nào cũng không có cớ gì để ý kiến được “nước cờ ngoại giao” này.

Nhìn cái cách Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện riêng vui vẻ với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại bữa tiệc chiêu đãi các lãnh đạo ASEAN hay việc Thủ tướng gõ búa tại sàn chứng khoán lớn nhất thế giới trong sự cổ vũ, đếm ngược nhiệt tình của lãnh đạo sàn chứng khoán Mỹ, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi vào một kết quả hợp tác vượt lên cả sự mong đợi trong thời gian tới. Trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine hiện là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ, việc Tổng thống Joe Biden đón tiếp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ở Washington, đây cũng là dấu hiệu cho thấy cam kết của Mỹ với khu vực này.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều