ASEAN: Biển Đông có vấn đề ‘quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ’
Các nước ASEAN tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế.
Trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, sáng 10-11, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.
Trao đổi về tình hình quốc tế khu vực, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đánh giá 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn với dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng, cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng cùng các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết khi đề cập tới Biển Đông, “các ngoại trưởng cơ bản nhất trí Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực, nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung”.
Trong bối cảnh này, các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, vai trò quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 như khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.
Các ngoại trưởng tiếp tục kêu gọi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), trông đợi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng thành công Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCOLS 1982.
Về bang Rakhine, Myanmar, các bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của Tổng thư ký ASEAN trong duy trì các hoạt động hỗ trợ Myanmar bất chấp tác động của đại dịch COVID-19. Các bộ trưởng cam kết ASEAN sẽ nỗ lực hơn, hỗ trợ quá trình hồi hương đạt kết quả cụ thể.
Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm ASEAN trong khu vực. Nhân dịp này các ngoại trưởng cho ý kiến về Bộ tiêu chí xem xét lập quan hệ đối tác đối thoại của ASEAN. Hội nghị nhất trí để Colombia, Cuba và Nam Phi tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) và tổ chức lễ ký tham gia TAC của những nước này theo lịch trình đã thống nhất.
Các bộ trưởng cũng chỉ ra những nội dung hợp tác cần được tiếp tục thúc đẩy trong quá trình phục hồi và khôi phục tăng trưởng sau đại dịch. Đó chính là cần bảo đảm sự liền mạch của chuỗi cung ứng, khôi phục giao thương an toàn giữa các nước, kết thúc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới như RCEP và tăng cường hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua nâng tầm các hoạt động hợp tác giữa các tiểu vùng.
Phát biểu về tình hình quốc tế và khu vực, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề cao đoàn kết ASEAN, coi đây là nhân tố then chốt trong bảo đảm ASEAN hòa bình, ổn định, độc lập và tự chủ trong môi trường thế giới có nhiều bất ổn, bất định hiện nay.
Ông Phạm Bình Minh nhắc lại lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển.
Phó thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với ý kiến đánh giá của các nước về tầm quan trọng đặc biệt của UNCLOS 1982, văn kiện cơ sở, là khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển. Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt được COC hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982.
NHẬT ĐĂNG/TTO