Argentina lặp lại “lịch sử tồi tệ” 32 năm về trước
Theo số liệu mới được cơ quan thống kê của nước này INDEC công bố, lạm phát ở quốc gia Nam Mỹ Argentina đã tăng quá 100% lần đầu tiên kể từ năm 1991.
Theo đó, Viện Thống kê và Điều tra Dân số Quốc gia (INDEC) xác định lạm phát hàng năm của Argentina ở mức 102,5% khi nước này tiếp tục hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Riêng trong tháng 2, lạm phát đã tăng 6,6%, trong đó thực phẩm và đồ uống được xác định là nhóm mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất. INDEC cho rằng chi phí lương thực tăng 9,8% là do giá các sản phẩm thịt, sữa và trứng tăng cao. Theo sau đó là CNTT và truyền thông (7,8%) và dịch vụ khách sạn (7,5%).
Argentina đã bị lạm phát làm tê liệt và tháng 2 là tháng thứ 13 liên tiếp quốc gia Nam Mỹ này báo cáo tỷ lệ lạm phát hàng tháng trên 4%.
Để chống lại giá cả tăng cao và sự mất giá của đồng peso Argentina, chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez đã trợ cấp một loạt tỷ giá hối đoái được bảo vệ dành riêng cho các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế, giúp một số doanh nghiệp mua đô la trên thị trường hối đoái rẻ hơn một cách hiệu quả.
Trong số đó có “Đô la Malbec” dành cho các nhà sản xuất rượu vang, “Đô la Qatar” dành cho các đại lý bán các gói du lịch tới FIFA World Cup 2022 và “Đô la Coldplay” dành cho các nhà tổ chức buổi hòa nhạc.
Mặc dù vậy, giá thực phẩm tại Argentina vẫn leo thang bất chấp việc chính phủ nước này tháng trước đã khởi động chương trình toàn diện nhằm đảm bảo tốc độ tăng giá của hàng hóa và dịch vụ cơ bản ở mức “vừa phải”.
Phát biểu với hãng tin Reuters, những người mua sắm ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires bày tỏ sự thất vọng với những khó khăn kinh tế của Argentina và những thiệt hại mà nước này đang gánh chịu đối với chi phí sinh hoạt của họ.
Đợt lạm phát mới nhất xảy ra khi Argentina phải đối mặt với đợt hạn hán lịch sử, tồi tệ nhất trong gần 60 năm qua và cháy rừng ở các khu vực như tỉnh Corrientes phía bắc.
Quốc gia này là nhà xuất khẩu đậu nành hàng đầu , cùng với Hoa Kỳ và Brazil, cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác như ngô, lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Nhưng với mùa màng thất bát ở những đồng cỏ màu mỡ của Argentina, được gọi là Pampas, các chuyên gia trong ngành đã cắt giảm sản lượng nông nghiệp dự kiến của đất nước xuống mức chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ này. Nhiệt độ cao, được cho là do biến đổi khí hậu gây ra, đã bủa vây đất nước kể từ tháng 5/2022.
Hôm 13/2, IMF thông báo họ đã đạt được “thỏa thuận cấp nhân viên” nhằm giảm bớt các mục tiêu kinh tế của đất nước theo kế hoạch nợ mới, với lý do “những thách thức của hạn hán ngày càng nghiêm trọng”.
Từ lâu, Argentina có nền kinh tế lớn thứ hai ở Nam Mỹ. Tuy nhiên trong phần lớn thế kỷ trước, thị trường của nó nổi tiếng là không ổn định, với cuộc khủng hoảng nợ vào những năm 1980 đã thúc đẩy siêu lạm phát kinh niên trong suốt thập kỷ đó.
Cuộc khủng hoảng lạm phát lên đến đỉnh điểm vào năm 1989 với tỷ lệ lên tới hơn 3.000 phần trăm tại một số thời điểm.
Vật lộn với khoản nợ quốc tế ngày càng tăng, Argentina đã dàn xếp một thỏa thuận gây tranh cãi vào năm 2018 với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với khoản tín dụng trị giá hơn 57 tỷ USD – gói cho vay lớn nhất trong lịch sử của quỹ.
Nhưng lạm phát đã tăng cao hơn kể từ năm 2018 và quốc gia này đã phải vật lộn để theo kịp kế hoạch trả nợ. Một thỏa thuận cho vay mới trị giá 44 tỷ đô la đã đạt được với IMF vào năm 2022, để thay thế kế hoạch năm 2018.
Tuệ Ngô