Apple không bỏ chọn Việt Nam, Samsung không bỏ sang Ấn Độ
“Thật đau xót khi Apple bỏ chọn Việt Nam, chọn Ấn Độ khi rút chân khỏi Trung Quốc”, “Samsung chuyển một phần sản xuất điện thoại từ Việt Nam sang Ấn Độ” là những thông tin mà nhiều báo chí Việt Nam và một số chuyên gia có tên tuổi đưa tin và nhận định trong vài ngày gần đây.
Trước đó cũng có một số thông tin tương tự “Các công ty Mỹ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia mà không sang Việt Nam”, “Các nhà máy rời Trung Quốc sang Ấn Độ mà không sang Việt Nam”. Tuy nhiên, các thông tin trên là hoàn toàn sai lệch, những người có nhận định này hoặc thiếu thông tin hoặc tư duy tổng hợp và phân tích không tốt, hoặc là có tư duy nhược tiểu, tự cho rằng cái gì Việt Nam cũng yếu kém, cũng thua các dân tộc, các quốc gia láng giềng.
Apple không bỏ chọn Việt Nam
Chiến lược của Apple là không trực tiếp xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm như Samsung, LG, họ lựa chọn con đường thuê các doanh nghiệp khác gia công sản xuất sản phẩm. Hai trong ba nhà sản xuất gia công lớn nhất cho Apple chính là hai tập đoàn Foxconn (Đài Loan) và Luxshare (Trung Quốc).
Việc đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia hay một quốc gia nào đó là do Foxconn và Luxshare quyết định, Apple không can thiệp, họ chỉ làm mỗi việc là yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu về công nghệ, chất lượng, qui trình sản xuất cũng như điều kiện làm việc, ăn ở của công nhân.
Việc Apple chưa đồng ý cho Luxshare sản xuất iPhone tại Việt Nam là do Luxshare chưa đảm bảo điều kiện ăn ở cho công nhân. Theo Apple Insider, một trong những vướng mắc khiến Luxshare chưa thể sản xuất iPhone tại Việt Nam có thể chỉ do việc xây dựng khu nhà ở cho 60.000 công nhân gần nhà máy. Trên thực tế, các báo quốc tế không hề dùng từ “Apple từ chối Việt Nam”, họ chỉ dùng từ “Apple chờ Luxshare cải thiện điều kiện của công nhân trước khi mở rộng sản xuất iPhone tại Việt Nam”. Điều đó có nghĩa rằng việc sản xuất iPhone tại Việt Nam vẫn trong kế hoạch của Luxshare và Apple, chỉ là chậm lại, chờ Luxshare xây xong nhà ở cho công nhân mà thôi.
Cơ hội sản xuất Apple ở Việt Nam vẫn còn lớn
Không phải ai cũng biết, trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có đến 75% sản phẩm của Apple được sản xuất ở Trung Quốc. Kể từ tháng 06/2019 đến nay, Apple cùng với Foxconn, Luxshare và các đối tác khác mới chỉ chuyển được có 5% ra khỏi Trung Quốc mà thôi (trong đó có sang Ấn Độ và Việt Nam).
Cơ hội cho Việt Nam chính là ở 70% sản phẩm Apple còn lại vẫn đang sản xuất ở Trung Quốc. Chỉ cần Luxshare xây xong nhà ở cho công nhân là Apple sẽ đồng ý cho Luxshare sản xuất iPhone tại Việt nam.
Còn Foxconn, có lẽ họ sẽ không thể để đối thủ trực tiếp Luxshare có lợi thế cạnh tranh, họ đang đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cho phép đầu tư 325 triệu USD xây dựng nhà ở cho công nhân thuộc 3 nhà máy Foxconn ở Quế Võ (Bắc Ninh), Việt Yên (Bắc Giang) và Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Foxconn cho biết, họ cũng đang đề xuất đầu tư thêm một khu công nghiệp có quy mô 600 ha tại Bắc Giang. Phải chăng đây là những động thái chuẩn bị cho việc Foxconn sẽ sản xuất iPhone tại Việt Nam? Chỉ cần chúng ta hỗ trợ Foxconn, Luxshare thật tốt trong việc xây dựng nhà máy, nhà ở cho công nhân, hỗ trợ tốt nguồn lao động đảm bảo chất lượng thì việc Foxconn, Luxshare sản xuất iPhone, iPad, Macbook tại Việt Nam chắc không còn xa nữa.
Samsung không chuyển bớt sang Ấn Độ
Sau khi báo chí Ấn Độ đưa tin rằng Samsung (SS) sẽ chuyển một phần sản xuất điện thoại từ Việt Nam sang Ấn Độ, SS đã chính thức cải chính: “Samsung không có kế hoạch chuyển một phần sản xuất điện thoại tại Việt Nam sang Ấn Độ”.
Thực ra từ nhiều năm nay, SS đã chọn Việt Nam là thủ phủ về sản xuất và nghiên cứu của Samsung toàn cầu. Ở Việt Nam, SS có 4 nhà máy, chiếm đến 36% sản lượng và doanh số của SS là Thái Nguyên, Bắc Ninh, Display và TP.HCM, trong đó SS Thái Nguyên và SS Bắc Ninh chính là 2 nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung, doanh số của Samsung Việt Nam lớn gấp 6 lần doanh thu của SS Ấn Độ, lớn gấp 20 lần SS Thái Lan (năm 2019).
Chưa hết, đầu năm nay SS đã khởi công xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển (R & D) ở khu Tây Hồ Tây trị giá 220 triệu USD đủ chỗ cho hơn 3.000 chuyên gia nghiên cứu làm việc và đây cũng là cơ sở nghiên cứu lớn nhất của Samsung ở nước ngoài.
Có một số người Việt Nam chúng ta, trong đầu luôn hằn sâu một định kiến “Việt Nam thua Ấn Độ, Indonesia, thua các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh, về độ hấp dẫn đầu tư, về chính sách thu hút đầu tư…, thế nhưng những con số đầu tư nước ngoài (FDI), xuất nhập khẩu trong 8 năm qua là những con số biết nói, đã phủ nhận hoàn toàn những suy đoán mơ hồ, đầy định kiến, nó khẳng định rằng Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều nước khác.
Đỗ Cao Bảo
*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả