App ảo nhưng mất trị an là thật
Sau thông tin Công an Thành phố Hà Nội đang điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền lên đến nhiều nghìn tỷ đồng do người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu, dư luận xã hội đang nóng lên theo hướng tích cực.
Những năm gần đây, các app cho vay nhanh online nở rộ trên mạng xã hội, với quảng cáo sẵn sàng cho vay trong 3-5 phút, chỉ với vài thao tác đơn giản, miễn là người vay có đầy đủ giấy tờ tùy thân. Chính cách tiếp cận này đã tạo thành một hấp lực vô cùng lớn với người lao động, và người dân có nhu cầu vay cho sinh hoạt. Nhưng đằng sau tất cả là một cái bẫy, tàn nhẫn đến kinh hoàng, khi có trường hợp người vay phải đóng số lãi lên đến 2.000%/năm.
Chưa dừng lại ở đó, bên cạnh các app cho vay, các app cờ bạc online cũng như nấm sau mưa. Nếu là người thường xuyên dùng mạng xã hội, chúng ta sẽ không lạ gì với các quảng cáo game, như “bắn cá”, “bầu cua”… online mà nội dung tạo cho người xem cảm giác, chỉ cần bỏ ra rất ít tiền là có thể kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày. Câu chuyện lao động Việt Nam bị dụ dỗ qua Campuchia làm việc cho các app game bài đến giờ vẫn là còn làm chúng ta kinh hoàng bởi sự tàn ác và những thủ đoạn vô nhân tính của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Đó mới chỉ là những mảng tối dễ được nhìn thấy, còn những mảng tối khác, như các app đầu tư, các app chơi tiền ảo, app chứng khoán… do rất nhiều công ty nước ngoài đứng sau, với cơ chế hoạt động phức tạp, lợi dụng kẽ hở trong quản lý để ma mị người dân và nhà đầu tư trong nước. Hãy thử tưởng tượng, bạn chỉ mất 60 ngàn đồng nạp vào ví điện tử của một nhân vật được app nhắn qua, sau đó, bạn có thể đặt lệnh mua bán tiền ảo và chốt lời lỗ theo từng giây. Phần nhiều người tham gia sẽ thắng vài lệnh đầu, sau thì thua trắng tay. Thực chất, những “sàn” tiền ảo này đều có tính chất ăn thua, bài bạc.
Dù không được cấp phép ở Việt Nam, nhưng các app đầu tư tài chính này hoạt động sôi động suốt mấy năm qua, đặc biệt thời gian cao trào của đại dịch Covid-19, khi người dân bị buộc phải ở nhà và sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Nói như thế để thấy gánh nặng trên vai ngành Công an Việt Nam không hề nhẹ. Quá trình đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ, nên không thể nóng vội, mà cần thời gian quan sát quy luật hoạt động, phương thức sử dụng công nghệ, và dự đoán được cả việc chúng đối phó thế nào với pháp luật.
Công nghệ sẽ ngày càng tiến bộ, bên cạnh các mặt tích cực to lớn đối với đời sống xã hội, sẽ cũng tiềm ẩn mối nguy không thể xem thường, khiến không gian mạng trở thành mảnh đất màu mỡ của tội phạm quốc tế. Ngành Công an thời gian tới chắc chắn sẽ phải căng sức để giữ gìn sự an toàn, lành mạnh cho môi trường mạng, và môi trường xã hội. Như chính Bộ trưởng Tô Lâm đã khẳng định, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, thời gian tới sẽ xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án, nhất là các vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.
Phạm Khoa