AP tung bằng chứng cáo buộc Trung Quốc công bố dịch COVID-19 chậm trễ: 6 ngày vô cùng đáng tiếc
Hãng tin AP đã trích dẫn các thông tin nội bộ và ước tính trước đó của giới chuyên gia cho biết Trung Quốc đã công bố dịch COVID-19 chậm đến 6 ngày, đúng vào thời điểm trọng yếu.
Trong một bài viết được đăng tải ngày 15/4 vừa qua, hãng thông tấn AP đã cáo buộc giới chức Trung Quốc đã trì hoãn việc công bố dịch trong vòng 6 ngày, dẫn đến tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh và lây lan trên diện rộng sau đó.
Cụ thể, hãng tin này đã trích dẫn các thông tin nội bộ và ước tính trước đó của giới chuyên gia cho biết, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố dịch vào ngày 20/1 đã chậm đến 6 ngày, và vào thời điểm đó, đã có hơn 3.000 người nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19).
Trong vòng 6 ngày không có thông báo từ chính quyền, người dân Vũ Hán đã tổ chức một sự kiện lớn với sự tham gia của hàng chục ngàn người, và có hàng triệu người di chuyển trong đợt “xuân vận” để về quê ăn Tết, theo AP.
Hãng thông tấn này nhận định khoảng thời gian 6 ngày trì hoãn đáng tiếc nói trên không phải là sai sót của giới chức Trung Quốc và cũng không phải là khoảng thời gian trì hoãn dài nhất từng được ghi nhận, bởi chính phủ nhiều quốc gia khác trên thế giới còn chậm trễ tới hàng tuần, thậm chí là hàng tháng trong việc giải quyết tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc quốc gia khởi phát dịch bệnh chậm trễ trong việc công bố dịch lại xảy ra đúng vào thời điểm trọng yếu – đó là thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Hãng tin này đã cáo buộc việc Trung Quốc mất thời gian cân nhắc giữa việc cảnh báo và cố gắng không khiến dư luận hoảng loạn đã góp phần khiến đại dịch diễn biến nghiêm trọng hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và hơn 130.000 người tử vong do dịch COVID-19.
“Nếu Trung Quốc hành động sớm hơn 6 ngày, thì số ca nhiễm bệnh trên thế giới có lẽ đã không nhiều đến vậy, và các cơ sở y tế cũng sẽ không bị quá tải”, Tiến sĩ Zuo-Feng Zhang, một chuyên gia dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ nhận định.
Trái lại, nhà dịch tễ học Benjamin Cowley tại Đại học Hồng Kông, cho biết việc cảnh báo quá sớm cũng có rủi ro, bởi nó có thể ảnh hưởng tới uy tín của giới chức y tế và khả năng vận động người dân của họ.
Trung Quốc đã định “âm thầm” hành động
Thông tin nội bộ mà AP đã thu thập được cho thấy trong một bản ghi chép cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh thành Trung Quốc ngày 14/1, ông Mã Hiểu Vĩ (Ma Xiaowei), Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã cảnh báo rằng “tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng và phức tạp” và tất cả các địa phương cần chuẩn bị ứng phó với kịch bản dịch bệnh này “trở thành đại dịch”.
Theo AP, sau cuộc họp nói trên, các địa phương đã nhận được bộ tài liệu hướng dẫn xác định các ca nghi nhiễm, mở các phòng khám cho bệnh nhân có triệu chứng sốt, và các nhân viên y tế được yêu cầu mặc đồ bảo hộ.
Trước đó, vào ngày 7/1, chi nhánh của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc đã phát thông báo chính thức về loại virus corona chủng mới, tuy nhiên các quan chức nước này đã hạ thấp độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong các thông báo sau đó.
Chẳng hạn, thông cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đăng lên Twitter ngày 14/1 cho biết: “Các cuộc điều tra do Trung Quốc thực hiện đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người”.
Trong phát biểu ngày 15/1, người đứng đầu bộ phận khẩn cấp của cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc vẫn khẳng định rằng: “Nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm từ người sang người khá thấp”.
Đến ngày 20/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới chính thức lên tiếng về virus corona chủng mới, và nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, Tiến sĩ Chung Nam Sơn, khi đó mới chính thức xác nhận khả năng lây nhiễm từ người sang người trên truyền hình trung ương.
“Có thể họ không nói đúng, nhưng họ đã và đang làm điều đúng đắn”
Thông tin của AP về việc Trung Quốc trì hoãn công bố dịch có phần trùng khớp với những cáo buộc trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Mỹ rằng Trung Quốc “giấu dịch”. Tuy nhiên, phía chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này, và khẳng định họ đã báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay khi phát hiện dịch bệnh.
“Những cáo buộc về việc Trung Quốc giấu dịch hay không minh bạch đều là vô căn cứ”, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Một số chuyên gia y tế đã lên tiếng bênh vực Bắc Kinh.
Tiến sĩ Ray Yip, người sáng lập văn phòng CDC của Mỹ tại Trung Quốc cho biết: “Có họ không nói đúng, nhưng họ đã và đang làm điều đúng đắn. Ngày 20/1, [Bắc Kinh] đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn quốc, cho thấy đó không phải là một sự chậm trễ vô lý”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng Trung Quốc có thể đã cứu sống nhiều mạng người hơn nếu họ đưa ra cảnh báo sớm hơn, nếu công chúng được yêu cầu giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và giảm các hoạt động đi lại từ một tuần trước đó.
“Chúng ta càng hành động sớm, thì dịch bệnh càng dễ kiểm soát”, nhà dịch tễ học Zhang kết luận.
PV/TQ