Áp thuế 20% trên lợi nhuận từ chuyển nhượng chứng khoán: Có quá cao?!
Một bản dự thảo vừa công bố, một làn sóng tranh luận dấy lên. Đó là đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế 20% trên phần lợi nhuận từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân. Nếu được thông qua, đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất trong cách thức thu thuế thu nhập từ chứng khoán ở Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Nhưng liệu mức 20% này có hợp lý? Có quá cao, quá gấp gáp hay quá rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân?
20% – chuẩn quốc tế hay ngưỡng bất hợp lý?
Hiện tại, mọi cá nhân bán cổ phiếu niêm yết đều bị thu thuế 0,1% trên giá bán, không quan tâm là lãi hay lỗ. Một người mua cổ phiếu giá 100.000 đồng, bán lỗ còn 90.000 đồng, vẫn phải nộp 90 đồng tiền thuế cho mỗi cổ phiếu. Điều này tạo nên nghịch lý: lỗ vẫn phải đóng thuế, khiến chính sách trở nên máy móc, thiếu công bằng.
Dự thảo mới đề xuất hai phương án: Nếu chứng minh được giá mua và chi phí liên quan: đánh thuế 20% trên phần lợi nhuận ròng (giá bán trừ giá mua và các chi phí). Nếu không chứng minh được, tiếp tục nộp 0,1% trên giá bán từng giao dịch.
Đây là sự chuyển đổi về nguyên tắc: từ thuế doanh thu sang thuế thu nhập thực – một bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, phản ánh đúng khả năng chi trả của người dân và giúp bảo vệ nhà đầu tư bị thua lỗ. Nhưng chính mức thuế 20% lại trở thành tâm điểm của tranh cãi.

Bộ Tài chính khẳng định mức thuế này tham khảo từ các nước trong khu vực và OECD: Nhật Bản thu cố định 20,315%, Trung Quốc 20%, Indonesia và Philippines tính trên doanh thu với tỷ lệ 0,1–0,6%, Thái Lan đánh như thu nhập thường, tùy bậc.
Nếu so về hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, cơ sở dữ liệu tài chính rõ ràng, thì mức thuế 20% không phải quá cao. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam, nơi mà đa số nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu công cụ ghi nhận chi phí, và ít người lưu giữ được giấy tờ mua – bán đầy đủ, thì 20% trở thành một ngưỡng gây lo ngại.
Hơn thế, 20% là mức thuế cao nhất trong Luật Thuế TNCN hiện hành. Một người lương tháng 40 triệu đồng chỉ phải đóng thuế theo bậc lũy tiến 15–20%. Nay một cá nhân lời 50 triệu từ đầu tư cổ phiếu lại bị áp ngay 20%, không có bậc thang, không khấu trừ chi phí nuôi con, nhà ở, chăm sóc y tế như người lao động. Vậy đây là công bằng?
Phần lớn chuyên gia kinh tế ủng hộ việc chuyển từ “đánh trên doanh thu” sang “đánh trên thu nhập”, coi đó là một cải cách đúng hướng, văn minh, tiệm cận chuẩn quốc tế. Song cũng nhiều người nhấn mạnh rằng, 20% là quá cao với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ – lực lượng chiếm hơn 90% thanh khoản thị trường hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho rằng: “Mức 20% là dễ gây phản ứng. Nên cân nhắc chia bậc hoặc khấu trừ chi phí phổ thông.” Trong khi đó, một số ý kiến từ hiệp hội tài chính – chứng khoán đề xuất: nên thử mức 10%–15% trước, kèm theo thời gian thí điểm, để đánh giá tác động thật sự đến thị trường.
Ngoài mức thuế, một rào cản lớn khác là hạ tầng kỹ thuật. Người dân có thể khó chứng minh giá vốn, nhất là khi mua qua nhiều đợt, từ nhiều nền tảng khác nhau. Các chuyên gia đề xuất cần tích hợp hệ thống thuế – giao dịch chứng khoán, cho phép truy xuất tự động giá mua – giá bán qua mã số thuế, giảm gánh nặng thủ tục và ngăn gian lận.
Dư luận trái chiều: Mừng vì công bằng, lo vì phức tạp
Không ít nhà đầu tư ủng hộ đề xuất, vì nó xóa bỏ cảnh lỗ vẫn phải nộp thuế, điều mà lâu nay vốn bị xem là vô lý. Tuy nhiên, trên các diễn đàn chứng khoán, rất nhiều người bày tỏ lo ngại: “Mua bán lẻ từng ngày, giờ bắt kê khai từng giao dịch, chứng minh từng đồng giá mua thì chịu sao nổi?”; “Không có giá vốn thì vẫn bị đánh 0,1%, mà có thì lại bị 20%. Cứ như kiểu đánh vào người nào trung thực.”
Một số ý kiến cảnh báo, nếu thực hiện gấp gáp và thiếu hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng, chính sách này có thể khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, nhất là trong giai đoạn đang phục hồi yếu sau giai đoạn suy thoái 2022–2023.
Rõ ràng, đánh thuế 20% trên phần lãi là một tư duy tiến bộ, nhưng mức thuế, cách triển khai và hạ tầng hỗ trợ cần được tính toán lại kỹ lưỡng. Một chính sách thuế chỉ hiệu quả khi vừa hợp lý về nguyên tắc, vừa khả thi về thực thi.
Thay vì áp ngay mức trần 20%, có thể thiết kế bậc thuế lũy tiến theo mức lãi (5% – 10% – 15% – 20%). Miễn thuế với khoản lãi nhỏ (dưới 10 triệu/năm), giống như thu nhập từ tiền lãi ngân hàng. Có cơ chế tự động lưu trữ giá mua – bán trên sàn, giúp người dân không cần giấy tờ phức tạp. Có thời gian chuyển tiếp ít nhất 2 năm, để thị trường làm quen.
Thuế không chỉ là chuyện ngân sách. Thuế còn là chuyện niềm tin. Niềm tin rằng mình đang đóng góp công bằng, minh bạch và được Nhà nước hỗ trợ đúng mức. Việc Bộ Tài chính tiến tới đánh thuế đúng vào lợi nhuận là đáng hoan nghênh, nhưng mức 20% cần được xem xét kỹ trong bối cảnh thị trường Việt Nam: non trẻ, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ.
Đừng để một chính sách tiến bộ về lý thuyết lại trở thành “gánh nặng vô hình” chỉ vì vội vã trong cách làm. Cải cách thuế cần sự chuẩn bị, lắng nghe và linh hoạt – cũng như thị trường chứng khoán cần niềm tin để lớn lên bền vững.
Ngọc Lâm