Là thành phố sôi động, nhộn nhịp và đông dân nhất Việt Nam, TP.HCM từ lâu đã được rất nhiều người, từ khắp mọi miền đất nước, tụ về để lập nghiệp, tìm kế sinh nhai. Chưa từng có ai nghĩ đến việc thành phố này phải dừng lại cho đến khi trận đại dịch lần thứ tư bùng phát.
Trong hơn 100 năm qua, loài người đã trải qua nhiều đợt bệnh truyền nhiễm với quy mô khác nhau. Thế nhưng Covid-19 mang một sắc thái khác thường. Do quy mô của nó có tính toàn cầu và độ lây lan lên tới mức độ khủng khiếp, nên trận đại dịch này ảnh hưởng lên toàn bộ cuộc sống của con người. Mức độ lây lan quá nhanh làm cho Covid-19 trở thành cơn ác mộng của tất cả các quốc gia, về mặt kinh tế, xã hội và chính trị.
0 giờ ngày 9-7-2021, một sự kiện lịch sử mà tất cả những ai sinh sống tại TP.HCM thời điểm này không bao giờ quên, đó là thời khắc TP bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt “ai ở đâu yên ở đó” theo Chỉ thị 16, cũng là lúc nỗi lo lắng phủ trùm lên hàng vạn công ty, chủ doanh nghiệp, công nhân, người dân, đặc biệt là những mảnh đời sống khó khăn, vô gia cư, chạy cơm từng bữa.
Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng khi mỗi ngày TP.HCM có hàng ngàn ca nhiễm. Những ngày này, thành phố thì “quyết không bỏ ai lại phía sau”, các gói hỗ trợ, gói an sinh xã hội lần lượt được truyền tay người dân. Nhưng sự tiếp sức đó không đủ sát cánh với người dân. Dịch bệnh mất việc làm, biết bao chi phí nâng cao, khiến nhiều người buộc phải tạm rời xa TP.HCM để về quê.
“Tôi từng bị áp lực khủng khiếp”- điều Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ cũng là tâm trạng chung, là tiếng lòng và cũng là cảm xúc của tất cả người dân trong hoàn cảnh này. Áp lực vô cùng khi dịch bệnh bùng phát mạnh, cả bệnh viện và đội ngũ y tế không đủ sức để phục vụ, người dân không có nơi để điều trị, ca mất tại bệnh viện ngoài 300, lò hỏa táng quá tải.
Sau đó là hình ảnh “nóng rực” của dòng người, biết bao gia đình dìu dắt con trẻ, đùm túm từng cái quạt máy, cái thau giặt đồ, chở nhau trên xe máy để về quê vì không có tiền đóng cho chủ trọ, không tiền mua sữa cho con.
Anh em báo chí đặc biệt có nhiều tình cảm và sẻ chia với Chủ tịch Phan Văn Mãi, khi nhận diện ra ông trực tiếp xuống hiện trường, nhìn người dân đang sống ở TP đổ xô về quê, chở con nhỏ. Bất lực là cảm xúc thật nhất, làm sao có sự thay đổi khác hơn, khi thời điểm này, thành phố chưa thể nào mở ra các hoạt động kinh tế để bà con có thể yên tâm ở lại, để có việc làm, có sinh kế, thu nhập. Các hoạt động kinh tế, xã hội phải mở dần dần theo tình hình kiểm soát dịch.
Trong hoàn cảnh này đây, người dân áp lực một, nếu đặt vào vai trò quản lý thì lãnh đạo chính quyền áp lực hơn nhiều lần, nhất là với Chủ tịch UBND TP, ông Phan Văn Mãi được điều về giữ vị trí quan trọng này, trong lúc dịch bùng phát mạnh.
Chuyện không chỉ là giải quyết bài toán chống dịch, đảm bảo dịch vụ y tế, đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân mà còn là vấn đề an sinh xã hội.
Cán bộ, lãnh đạo là hạt nhân nòng cốt góp phần làm nên thể diện cho bộ máy chính quyền. Trước khó khăn, thử thách, có người sẽ phó thác trách nhiệm, thậm chí có người vì tắc trách mà phải việc giữa chừng, điều đó tác động trực tiếp với hệ điều hành của bộ máy nhà nước. Nhưng khi ông Phan Văn Mãi được bổ nhiệm, đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP, hình ảnh bộ máy chính quyền thay đổi rõ rệt. Ông nhìn thẳng vào hiện thực và giải quyết từng việc một, dù mới được điều động giữ vai trò chủ chốt của TP chỉ được 2 tháng.
Trong thời khắc TP khó khăn nhất, trước các luồng thông tin loạn lạc, gây nhiều hoang mang, nhiều nổi lo trong nhân dân. Lần đầu tiên trong “mùa dịch Covid-19” người dân nghe thấy rõ nét vai trò và trách nhiệm sâu sát của chính quyền, khi Chủ tịch UBND TP xuất hiện trên sóng livestream đối thoại. Không cần tài liệu chuẩn bị sẵn, không né tránh, không bao biện, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã nhìn thẳng, trả lời thẳng thắn những câu hỏi hóc búa của người dân, đặc biệt là kế hoạch chống dịch, kế hoạch tiêm vaccine cho dân; đồng thời Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng chân thành nhận lấy trách nhiệm trước những việc còn chưa làm được.
Sự đối diện của ông được người dân nhìn thấy rõ nhất thông qua việc lắng nghe tiếng nói của nhân dân, từ đó đưa ra những chiến lược, điều chỉnh phù hợp. Có giai đoạn chống dịch, theo kế hoạch ban đầu người dân “ai ở đâu yên đó”, lực lượng quân đội sẽ đảm nhận việc đi mua hàng và cung cấp lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, khi thấy rằng, việc này nếu tổ chức theo đặc điểm của thành phố, sẽ phát huy một phần lực lượng cung ứng của thị trường. Kết quả sau đó TP.HCM đã điều chỉnh, lực lượng shipper đã được hoạt động để phục vụ nhu cầu người dân. Gói an sinh xã hội đợt 3, hỗ trợ đặc biệt cho người dân được chính quyền TP.HCM rốt ráo cho ra đời, giúp rất nhiều cho đời sống dân sinh.
Với những việc chưa có tiền lệ, dịch bệnh bùng phát mạnh, thành phố chưa bao giờ xảy ra tình huống như thế, tất cả đều rất mới mẻ, thách thức thì cách làm của Chủ tịch UBND TP, vừa làm, vừa lắng nghe dân, vừa điều chỉnh, luôn tìm mọi cách để phục vụ tốt cho nhân dân, nỗ lực đó rất đáng để trân trọng.
Bất lực nhìn dòng người lao động về quê trốn dịch, bất chấp sự khuyên ngăn của chính quyền, từ góc nhìn của Chủ tịch Phan Văn Mãi đặt ra suy nghĩ, thành phố phải có chiến lược về lao động, an sinh xã hội, việc làm, nhà ở cho người lao động.
Tháng 11-2021, TP.HCM đi đến quyết tâm: Đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng một triệu căn hộ giá rẻ cho người thu nhập thấp. Trong đó phân kỳ từ nay đến năm 2025, tập trung cho phân khúc nhà ở cho công nhân, nhà trên kênh rạch, thay thế chung cư cũ.
Để thực hiện mục tiêu này, đó là điều không dễ dàng, đòi hỏi thành phố sẽ đẩy nhanh thủ tục, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư dự án, tạo nguồn lực đất đai, xã hội hoá nguồn vốn đầu tư… Nhưng nhìn những gì diễn ra trong trận dịch, cùng với những cam kết hỗ trợ nhân dân với các đợt trao tiền, lương thực đến người dân, giải quyết các ách tắt trong thời gian qua, thì người dân có thêm cơ sở để tin là, lời hứa của Chủ tịch UBND TP sẽ đến gần.
TP.HCM hiện đang bước vào giai đoạn mới, cuộc sống người dân dần ổn định trở lại, làm được nhiều việc cho nhân dân và tháo gỡ nhiều khó khăn cho anh em cán bộ, nhưng Chủ tịch Phan Văn Mãi luôn khiêm tốn: “May mắn của chúng tôi là bên cạnh mình còn có anh em, có lực lượng tăng cường hỗ trợ. Mừng cái nữa là sau này thành phố có thêm vaccine, thuốc, kinh nghiệm tiếp nhận, điều trị bớt lúng túng… nên tình hình dần cải thiện”.
Thành phố hồi phục sớm, có lẽ đó là mong ước của tất cả mọi người dân hiện nay. Trên mạng xã hội, không khó để tìm được những dòng cảm xúc mong ước thành phố sẽ trở lại cuộc sống bình thường, để người lại được gần người, để nỗi lo dịch bệnh không còn ám ảnh lấy mỗi căn nhà, mỗi khu phố nữa. Và rất nhiều người, rất nhiều tổ chức, đã và đang cố gắng góp tay hiện thực hóa ước mơ ấy bằng những hành động cấp thiết, gói ghém trong đó là tất cả sự cảm thông và yêu thương con người.
***
Lẽ dĩ nhiên của cuộc đời, không thể vẹn tròn tất cả, khó có thể cùng một lúc hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Nhưng cái tâm và trách nhiệm của người lãnh đạo chính là ánh sáng, đồng thời cũng thước đo cho chặng đường hướng về phía trước, rút ngắn khoảng cách để khắc phục và làm cho cuộc sống nhân dân được tốt đẹp hơn.
Thực hiện: Dương Thị Hải Yến
Đồ họa: M.N