Áp lực của Việt Nam khi kinh tế Mỹ “ngấm đòn”
Tính đến nay, Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED) đã có đến 4 đợt tăng lãi suất liên tiếp, trong đó có hai đợt gần nhất đều tăng ở mức cao 75 điểm phần trăm, kinh tế Mỹ vì thế cũng đã bắt đầu ngấm đòn. Các số liệu kinh tế công bố mới đây đều đã cho thấy tình hình kém lạc quan…
Suy thoái đã ở ngay trước mắt
Ngày 02/9, công bố số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 8 của Mỹ chỉ đạt 315.000 việc làm, thấp hơn khá nhiều so với mức 526.000 việc làm trong tháng 7. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng đã tăng từ 3,5% trong tháng 7 lên mức 3,7% trong tháng 8. Các số liệu này là minh chứng cho thấy thị trường lao động Mỹ đã thực sự có dấu hiệu suy giảm và ngấm đòn vì các đợt tăng mạnh lãi suất của FED trong thời gian qua. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát (CPI) tháng 7 của Mỹ được công bố vừa qua vẫn ghi nhận mức cao 8,5%, cách xa con số mục tiêu là 2%, cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Fed vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Theo lịch trình kinh tế thì trong tuần này có nhiều quan chức FED, bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ lần lượt có các bài phát biểu nhận định về kinh tế Mỹ và triển vọng chính sách tiền tệ của nước Mỹ. Nhiều khả năng với các số liệu kém khả quan vừa qua, các nhà hoạch định chính sách ở FED sẽ phát đi thông điệp bớt cứng rắn hơn, trong đó đặc biệt là thông điệp “hạ cánh mềm” mà FED đã nhấn mạnh suốt nửa đầu năm qua. Đây là một tín hiệu tích cực cho Việt Nam. Vì nguy cơ suy thoái càng thấp, hoặc lướt qua nhanh, sẽ càng giúp ích cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, một kịch bản tồi tệ khác vẫn đang đè nặng lên tâm lý thị trường, đó là FED có khả năng sẽ bất chấp suy thoái chỉ để hạ nhiệt lạm phát, nếu nó vẫn còn quá cao so với mức 2%. Khác với hạ cánh mềm, “suy thoái tăng trưởng” là một giai đoạn kéo dài của tình trạng tăng trưởng khiêm tốn song song với duy trì tỷ lệ thất nghiệp cao. Nền kinh tế yếu đi nhưng không đến mức độ nghiêm trọng như bị suy thoái thực sự. Trong đó, thị trường lao động Mỹ vẫn sẽ là đối tượng bị nhắm tới. Bởi chỉ khi nào thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt thì nhu cầu mua sắm, chi tiêu mới giảm bớt, giá cả hàng hóa cũng theo đó mà giảm theo. Từ đó, lạm phát sẽ giảm, sức ép lên chuỗi cung ứng sẽ lập tức được xoa dịu, tạo thời gian đủ lâu để dần hồi phục như trước thời kỳ đại dịch.
Theo bà Diane Swonk – Kinh tế trưởng tại KPMG ví von rằng, “Kế hoạch của Fed hiện giống như một màn tra tấn bằng nước. Vẫn là một màn tra tấn đúng nghĩa lên nền kinh tế Mỹ, nhưng ít đau đớn hơn một cuộc suy thoái đột ngột và quá sâu ngay lập tức”. Vì vậy, câu hỏi mà giờ đây thị trường nên hỏi không còn là “suy thoái hay không?” mà là “suy thoái sẽ kéo dài trong bao lâu?” hoặc “tăng trưởng trì trệ đến khi nào thì kết thúc?”. Có thể thấy, áp lực đối với thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam ngày một trở nên nặng nề hơn, và chúng ta gần như không thể tránh khỏi tác động trong giai đoạn này.
Huy Hoàng