+
Aa
-
like
comment

Áp lực của Ấn Độ khi chuẩn bị “soán ngôi vị” của Trung Quốc

Lan Hoa - 12/08/2022 13:42

Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Điều này có thể khiến Ấn Độ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn và thách thức trong thời gian sắp tới.

Ấn Độ được dự đoán sẽ soán ngôi Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Theo số liệu thống kê tính đến tháng 6/2022, hiện dân số Ấn Độ là 1,412 tỷ người, trong khi dân số Trung Quốc là 1,426 tỷ người. Chênh lệch giữa hai con số này không quá lớn nên Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Tuy nhiên, điều này được dự báo sẽ tạo ra thêm những trở ngại đối với nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Ấn Độ trong thời gian tới.

Đông dân và dân số tăng liên tục, tuy nhiên, số lượng nhân công lao động có việc làm đang giảm nhanh chóng trên khắp Ấn Độ, đặt ra báo động đỏ về tương lai tỷ lệ thất nghiệp có thể tiếp tục gia tăng. Theo Số liệu của Trung tâm kiểm soát kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho thấy, tính đến tháng 6/2022, số lao động có việc làm ở nước này đã giảm 13 triệu người xuống còn 391 triệu người, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Tháng 6/2022, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ lên đến 7,8%, cao hơn mức 7,12% của tháng 5/2022.

Những năm gần đây, nền kinh tế quốc gia Nam Á vốn đã rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài, nay càng bị tác động nặng nề khi đại dịch COVID-19 ập tới. Business Standard đánh giá, cuộc khủng hoảng việc làm tại Ấn Độ chưa thể dịu bớt sức nóng. Với khoảng 2/3 dân số trong độ tuổi 15-64, sự cạnh tranh cho bất kỳ công việc nào, trừ lao động chân tay, là vô cùng khốc liệt. Đơn cử, các vị trí tại cơ quan chính phủ luôn có “tỷ lệ chọi” cao ngất ngưởng bởi thu hút hàng triệu ứng viên trong khi chỉ tuyển dụng số lượng hạn chế.

Ngoài ra, trong quá trình Ấn Độ đô thị hóa, nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, lực lượng lao động nông nghiệp dôi dư quá nhiều nên càng dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động gia tăng.

Mặc dù độ tuổi lao động đông nhưng lại thiếu tay nghề, kiến thức khiến kinh tế Ấn Độ khó phát triển

Tiếp đó, việc gia tăng dân số quá nhanh của Ấn Độ cũng gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên. Bởi dân số tăng nhanh, càng khiến người dân gia tăng mức độ “bóc lột” đất đai và làm kiệt quệ độ màu mỡ của đất. Diện tích đất canh tác giảm do nhu cầu diện tích đất để xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác tăng lên. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho tình trạng thiếu lương thực tại Ấn Độ trầm trọng hơn và nạn đói có thể còn nhiều hơn.

Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do con người đốt rừng để lấy đất trồng trọt, khai thác rừng, chặt phá rừng bừa bãi, không thể kiểm soát được. Việc mất rừng nhiệt đới, khí hậu bị thay đổi, tài nguyên sinh vật bị thu hẹp sẽ đe dọa sự phát triển bền vững của Ấn Độ.

Với tổng diện tích lãnh thổ là 3.287.000,00 km2, xếp thứ 7 thế giới, mật độ dân số của Ấn Độ là 471 người/km2. Sang năm 2023, do yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế, nhiều khu công nghiệp lớn của Ấn Độ cũng sẽ được hình thành, thu hút số lượng lớn lao động từ các nơi đến tạo nên sự gia tăng dân số cơ học tại các khu vực này.

Do nhu cầu mưu sinh, nhiều lao động nông thôn, di cư tự do ra các đô thị lớn là cho dân số tại các đô thị tập trung quá đông có thể khiến môi trường sống ở khu vực đô thị trở nên ngột ngạt. Thiếu nước sạch sinh hoạt, ô nhiễm không khí, tiếng ồn do lượng phương tiện giao thông nhiều… đặc biệt là rác thải sinh hoạt gia tăng gây sức ép lớn về môi trường. Tình trạng dòng người từ nông thôn đổ xô về các đô thị tìm kiếm việc làm đã tạo nên các chợ người và làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút,…

Nếu dân số tiếp tục Ấn Độ tăng nhanh, chắc chắn sẽ gây quá tải cho các bệnh viện và các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa Ấn Độ phải đối mặt khi dân số tăng quá nhanh đó là quá tải dịch vụ y tế công. Hiện tại bệnh suy dinh dưỡng tại Ấn Độ khá phổ biến, nhà ở lại chật chội, vệ sinh không bảo đảm – tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tật phát triển. Nếu dân số tiếp tục tăng nhanh, chắc chắn sẽ gây quá tải cho các bệnh viện và các cơ sở y tế. Trong khi đó, mức đầu tư cho y tế tại Ấn Độ rất thấp so với nhu cầu.

Theo các chuyên gia, để tối đa hóa lợi ích tiềm năng của quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ sẽ cần đầu tư vào việc phát triển hơn nữa nguồn nhân lực bằng cách bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đạt chất lượng ở mọi lứa tuổi, đồng thời thúc đẩy các cơ hội việc làm và đào tạo nguồn lao động có chất lượng.

Hơn nữa, việc nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ cũng chính là một trong những vấn đề mà Ấn Độ cần tập trung bởi những nền kinh tế tăng trưởng nhờ nhân lực rẻ sẽ phải phát triển đến giai đoạn tập trung vào sản phẩm công nghệ cao, qua đó loại bỏ dần các lao động tay nghề thấp, khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày một đi lên.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều